Những sự thật thú vị về tiết Hạ chí phương Đông và Đêm trắng ở châu Âu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hạ chí là một trong 24 tiết khí theo lịch phương Đông và là một sự kiện thiên văn khá đặc biệt. Ngày hạ chí là ngày duy nhất trong năm có nhiều giờ ánh sáng mặt trời nhất. Vì vậy chúng ta sẽ có cảm giác như ngày dài hơn. Tuy nhiên vào thời gian này, ở châu Âu, người dân cũng tổ chức nhiều lễ hội và các hoạt động vui chơi cùng với những Đêm trắng, một hiện tượng tự nhiên thú vị.

Theo định nghĩa thiên văn, Hạ chí được xác định là thời điểm bắt đầu mùa hè tại Bắc bán cầu (đồng thời là mùa đông tại Nam bán cầu). Đây là một sự kiện thiên văn xảy ra khi một trong 2 cực của Trái Đất có độ nghiêng tối đa về phía Mặt trời một góc 23,44 độ. Hình dưới đây thể hiện góc quay của Trái đất và hướng đến của các tia sáng Mặt trời.

Minh họa Trái đất và tia sáng Mặt trời trong thời gian Hạ chí và Đêm trắng.
Minh họa góc nghiêng của Trái đất và tia sáng Mặt trời trong thời gian Hạ chí và Đêm trắng.

Chúng ta đã biết, Trái đất của chúng ta quay trên trục của nó mỗi ngày một lần, tạo ra chu kỳ ngày và đêm. Bên cạnh đó Trái đất còn chuyển động quanh Mặt trời trên quỹ đạo của nó trong suốt một năm. Tuy nhiên, trục quay của Trái đất không thẳng hàng với trục chuyển động quanh Mặt trời. Thay vào đó, nó nghiêng một chút ở 23,44 độ. Độ nghiêng này có nghĩa là trong vòng nửa năm, mặt Bắc của Trái đất sẽ hơi nghiêng về phía Mặt trời và hướng Nam nghiêng ra xa. Trong nửa năm còn lại thì điều ngược lại sẽ xảy ra.

Vào thời điểm mà bán cầu Bắc nghiêng nhiều nhất về phía Mặt trời thì bán cầu Bắc sẽ trải qua ngày hạ chí. Ngược lại, bán cầu nam sẽ có ngày đông chí.

Những sự thật về ngày Hạ chí

Hạ chí không xảy ra cố định vào một ngày, nó còn tùy thuộc vào năm và múi giờ. Thông thường Hạ chí sẽ diễn ra từ ngày 20 tháng 6 đến ngày 22 tháng 6. Năm 2021, ngày Hạ chí sẽ diễn ra vào ngày Chủ Nhật 21/6/2021. Trùng hợp ngày này cũng là Ngày của Cha (Chủ nhật tuần thứ 3 của tháng 6).

Đó là ngày dài nhất trong năm

Về mặt lý thuyết, đây không phải là ngày dài nhất trong năm vì tất cả các ngày đều có cùng số giờ, nhưng hạ chí là ngày duy nhất trong năm có nhiều giờ ánh sáng mặt trời nhất. Vì vậy chúng ta sẽ có cảm giác như ngày dài hơn.

Hạ chí không dành riêng cho Trái đất

Tất cả các hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta đều có ngày Hạ Chí. Hạ chí của sao Hỏa xảy ra sau Trái đất vài ngày, vào tháng 6. Trên sao Thiên Vương, ngày Hạ chí diễn ra 84 năm một lần. Sự kiện tiếp theo sẽ xảy ra vào ngày 9 tháng 10 năm 2069! Mỗi mùa kéo dài trong 21 năm, tạo nên một mùa đông dài.

Ngày Hạ Chí không phải là ngày nóng nhất

Mặc dù Bắc bán cầu nhận được nhiều ánh sáng Mặt trời hơn vào ngày Hạ chí nhưng điều đó không có nghĩa là ngày Hạ chí cũng là ngày nóng nhất trong năm. Mặc dù hành tinh này hấp thụ rất nhiều ánh sáng Mặt trời vào ngày Hạ chí, nhưng phải mất vài tuần để giải phóng nó. Do đó, những ngày nóng nhất thường xảy ra vào tháng Bảy hoặc tháng Tám.

Ngày hạ chí là ngày duy nhất trong năm có nhiều giờ ánh sáng mặt trời nhất. 
Ngày hạ chí là ngày duy nhất trong năm có nhiều giờ ánh sáng mặt trời nhất.

Độ nghiêng của hành tinh khiến ánh sáng mặt trời nhiều hơn

Độ nghiêng của Trái đất có ảnh hưởng nhiều đến lượng ánh sáng ban ngày mà chúng ta nhận được chứ không phải do khoảng cách hành tinh của chúng ta đến mặt trời. Trái đất duy trì độ nghiêng của nó khi chúng quay quanh Mặt trời, vì vậy cứ sau nửa năm (mùa xuân và mùa hè), bán cầu Bắc sẽ nhận được nhiều ánh nắng Mặt trời hơn, trong khi bán cầu Nam quay xa nó sẽ là mùa đông.

Trong ngày Hạ chí, Bắc cực là mùa hè, Nam cực là mùa đông

Trong ngày hạ chí, Bắc Cực nghiêng gần Mặt trời nhất. Ở Nam bán cầu thì ngược lại, cực Nam sẽ nghiêng xa so với Mặt trời. Đó là lý do tại sao khi Hạ chí xuất hiện ở Bắc cực, thì Đông chí xuất hiện ở miền Nam. Ngày đông chí ở Bắc bán cầu cũng trùng với ngày hạ chí ở Nam bán cầu.

Từ Hạ chí trong tiếng La tinh có nghĩa là “mặt trời đứng yên”

Từ Hạ chí trong tiếng Latinh có nghĩa là “Solstice” (mặt trời đứng yên), bởi vì Mặt trời sẽ đạt điểm cao nhất vào buổi trưa của ngày hôm đó và dường như không di chuyển trong một khoảng thời gian ngắn.

Hiện tượng Đêm trắng là gì?

Đêm trắng là những ngày có khoảng thời gian ban đêm tại một địa phương nào đó, mà độ chiếu sáng tự nhiên của Mặt trời vẫn còn ở mức không quá thấp, cho dù Mặt Trời đã lặn xuống dưới đường chân trời.

Vì vậy, khoảng thời gian ban đêm tại nơi đó chỉ diễn ra trong khoảng rất ngắn, thường chỉ từ 11 giờ đêm đến 3 giờ sáng, có thể xem là hiện tượng tranh tối tranh sáng giữa hoàng hôn hay rạng đông.

Nguyên nhân của hiện tượng Đêm trắng chính là do Trái Đất nghiêng một góc bằng 23,4 độ so với trục vuông góc với mặt phẳng quỹ đạo. Đây cũng chính là thời gian mà người phương Đông gọi là tiết Hạ chí.

Hiện tượng đêm trắng ở Nga

Ở Nga, dễ dàng nhất là quan sát hiện tượng Đêm trắng ở Xanh Petecbua, hiện tượng này diễn ra trong vòng 2 tháng mùa hè, từ khoảng giữa tháng 5 đến giữa tháng 7. Lúc này, tất cả sự vật, con người đều đắm chìm trong khung cảnh ảo diệu, mơ hồ giữa hai quãng hoàng hôn và bình minh.

Mặt Trời thường lặn lúc 23h25, thời gian ban ngày lên tới 18 tiếng 15 phút. Tận dụng thời gian này, người dân đã tạo ra một loạt lễ hội, đi dạo trong đêm, mọi người cùng nhau thức trắng cả đêm, kéo ra đường để chiêm ngưỡng khung cảnh huyền ảo của thành phố, đổ về những buổi hòa nhạc, xem biểu diễn ballet và tiệc tùng thâu đêm.

Những đêm trắng đã đi vào sâu trong nghệ thuật và văn chương của nước Nga xinh đẹp. Nó trở thành huyền thoại và là biểu tượng của một đất nước rộng lớn nhưng thanh bình và vô cùng hiếu khách.

Hiện tượng Đêm trắng và các lễ hội còn diễn ra ở một số nước ở châu Âu như Helsinki – Phần Lan, Stockholm – Thuỵ Điển, Reykjavik – Iceland, Longyearbyen – Na Uy, Riga – Latvia, Paris – Pháp, Salisbury – Anh… Hiện tượng đêm trắng ở châu Âu luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với du khách thập phương đổ về đây mỗi năm.

Mỗi đất nước, mỗi nền văn hóa ở Bắc bán cầu đều tổ chức lễ hội với những Đêm trắng theo phong tục tập quán của địa phương mình.



BÀI CHỌN LỌC

Những sự thật thú vị về tiết Hạ chí phương Đông và Đêm trắng ở châu Âu