Những loại giác quan ưu việt chỉ động vật mới có

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều loài động vật được trang bị các giác quan vượt ra ngoài năm giác quan cơ bản là thị giác, vị giác, khứu giác, cảm giác và thính giác.

Con người thường tranh cãi về việc liệu chúng ta có giác quan thứ sáu hay không. Thực ra còn có nhiều hơn cả giác quan thứ sáu. Dưới đây là một số giác quan hữu ích mà một số loài động vật có, nhưng con người (hầu hết) thì không.

Cảm biến từ trường

Chim, bướm, cá hồi, cá mập, rùa biển và thậm chí cả vi khuẩn là một số loài động vật định hướng thế giới của chúng bằng cách phát hiện từ trường. Ví dụ, một nghiên cứu gần đây được thực hiện tại phòng thí nghiệm chuyên về biển của đại học bang Florida đã phát hiện ra rằng cá mập sử dụng trường địa từ giống như một bản đồ, hướng dẫn chúng trên đường di cư dài ngày.

Thú vị hơn là cả vi khuẩn cũng có kỹ năng đặc biệt này. Một loại vi khuẩn được gọi là vi khuẩn từ tính sử dụng từ trường để hướng dẫn chuyển động của chúng. Trong một nghiên cứu vào năm 2020, các nhà nghiên cứu báo cáo đã tìm thấy vi khuẩn từ tính ở rùa biển, chim cánh cụt, cá voi và dơi nâu - tất cả các loài động vật được biết là sử dụng từ trường. Động vật lớn có thể sử dụng vi khuẩn bên trong nó để tìm đường xung quanh, kiểu như GPS sinh học, tích hợp sẵn.

Định vị bằng âm thanh

Các loài động vật hoạt động trong bóng đêm, hoặc sống, hoặc săn mồi sâu trong hang động hoặc dưới nước sâu (âm u) không thể phụ thuộc vào thị giác để biết những gì đang xảy ra xung quanh. Thay vào đó, chúng sẽ phát triển khả năng định vị bằng tiếng vang. Nguyên lý định vị bằng tiếng vang đó là: động vật phát ra âm thanh, sau đó sóng âm thanh dội lại từ bất kỳ vật thể nào trên đường đi của chúng, gửi trả lại tiếng vọng chứa thông tin về những gì gặp phải. Con động vật dựa vào đó để hình dung hoàn cảnh môi trường xung quanh.

Cá voi, cá heo và dơi là những loài động vật nổi tiếng nhất với việc sử dụng giác quan đặc biệt này. Khả năng này phát triển ở một số người khiếm thị. Họ cũng học được cách định vị bằng tiếng vang khi gõ gậy. Kỹ năng này cho phép họ không chỉ đi bộ xung quanh không va vào đồ vật, mà còn có thể đi xe đạp và chơi bóng rổ.

Tầm nhìn hồng ngoại

Bất cứ thứ gì ấm áp đều phát ra ánh sáng hồng ngoại. Con người không thể nhìn thấy nó nếu không có loại kính đặc biệt, nhưng một số loài động vật thì có thể, nhất là ở loài rắn. Chúng sử dụng khả năng phát hiện ánh sáng hồng ngoại để phát hiện các loài động vật có vú nhỏ trong bóng tối. Rắn không thực sự sử dụng mắt để nhìn ánh sáng hồng ngoại mà thay vào đó, chúng sử dụng các thụ thể nhạy cảm với nhiệt độ ở mặt hoặc môi. Rắn là loài động vật nổi tiếng nhất với tầm nhìn hồng ngoại, nhưng chúng không phải là loài duy nhất. Một số loài ếch và cá cũng có khả năng này.

Điện cảm

Cá mập là loài tiêu biểu sở hữu giác quan này. Những kẻ săn mồi này có thính giác đặc biệt nhạy bén, đặc biệt khi nói đến âm thanh tần số thấp. Cá mập có thể nghe thấy âm thanh do động vật bị thương - con mồi tiềm năng - phát ra, cách xa tới 250m.

Khả năng phát hiện điện trường của cá mập hay còn gọi là điện cảm thực sự đáng kinh ngạc. Cá mập có những cụm lỗ chân lông trên đầu, được gọi là ampullae of Lorenzini, chứa đầy thạch dẫn điện. Các ampullae này được lót bằng các lông mao, các tế bào giống lông tương tự như lông mao trong tai người. Các lông mao này kích hoạt các chất dẫn truyền thần kinh trong não cá mập để phản ứng lại các tín hiệu điện cho cá mập biết điều gì đang xảy ra ở vùng nước xung quanh nó, một thủ thuật đặc biệt hữu ích để săn mồi dưới nước sâu.

Lê Na

Theo Discover Magazine



BÀI CHỌN LỌC

Những loại giác quan ưu việt chỉ động vật mới có