Người thứ 4 ở Mỹ mắc vi khuẩn chết người có nguồn gốc Nam Á một cách bí ẩn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một người thứ 4 tại một bang nữa của Mỹ đã nhiễm một loại vi khuẩn chết người có nguồn gốc Nam Á một cách bí ẩn cho dù không đi du lịch đến nước ngoài, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) nước này đưa tin hôm thứ Hai (ngày 9/8).

Theo Ars Technica, hai trong số bốn trường hợp đã tử vong, bao gồm cả trường hợp mới nhất được xác định ở Georgia vào cuối tháng trước trong quá trình khám nghiệm tử thi.

Các nhà điều tra của CDC xác định rằng cả bốn trường hợp đều có mối liên hệ với nhau và họ nghi ngờ có thể nguyên nhân đến từ một sản phẩm nhập khẩu nào đó. Trước đó ngày 30/6, CDC đã đưa ra lời khuyên vào về ba trường hợp đầu.

Trường hợp đầu tiên được xác định là một người lớn ở Kansas vào tháng 3, cũng là trường hợp tử vong. Vào tháng 5, các nhà điều tra đã xác định được thêm một trường hợp ở một bé gái 4 tuổi ở Texas và một trường hợp khác ở một người lớn ở Minnesota. Cả hai bệnh nhân này đều phải nhập viện trong thời gian dài trước khi được đưa đến các cơ sở chăm sóc chuyển tiếp. Bé gái ở Texas được cho là đã bị tổn thương não do nhiễm trùng.

Một lần nữa, CDC cảnh báo các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên đề phòng một loại bệnh nhiễm trùng hiếm gặp và thường khó chẩn đoán, được gọi là bệnh melioidosis (hay bệnh Whitmore) - ngay cả ở những người chưa đi du lịch.

Trong khi đó, cuộc điều tra vẫn tiếp tục về nguồn gốc của vi khuẩn lây nhiễm, Burkholderia pseudomallei.

Theo CDC, việc giải trình tự toàn bộ bộ gen do cơ quan này tiến hành đã tìm thấy các chủng B. pseudomallei trong bốn trường hợp này gần giống nhau. Các chủng này có liên kết với những chủng được tìm thấy ở Châu Á, đặc biệt là Nam Á.

B. pseudomallei là vi khuẩn môi trường sống trong đất và nước ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Mỹ, nó thường được phát hiện nhiều nhất ở những người gần đây đã đi du lịch đến những nơi lưu hành vi khuẩn.

Tuy nhiên, nó cũng đã xuất hiện bất ngờ ở Hoa Kỳ trước đây ở những người không có lịch sử du lịch. Những trường hợp bí ẩn trong quá khứ đã khiến các nhà nghiên cứu suy đoán rằng B. pseudomallei hiện có thể đang ẩn náu trong đất và nước ở một số khu vực của Mỹ.

Tuy nhiên, trong nhóm các trường hợp hiện tại, các nhà điều tra của CDC cho biết các chủng vi khuẩn này có liên quan chặt chẽ nhất với các chủng từ Nam Á, và không phải bất kỳ chủng nào đã được xác định trước đây ở Bắc Mỹ.

Truy tìm nguồn gốc vi khuẩn

Cơ quan này cho biết trong một tuyên bố: "Hiện tại, CDC tin rằng nguyên nhân có thể là do một sản phẩm nhập khẩu (chẳng hạn như thực phẩm hoặc đồ uống, sản phẩm chăm sóc cá nhân hoặc làm sạch hoặc thuốc) hoặc một thành phần trong một trong những loại sản phẩm đó.

CDC cho biết: "Vi khuẩn thường sống trong đất ẩm và nước. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, nó cũng được phát hiện làm ô nhiễm các sản phẩm ẩm ướt ở những khu vực vi khuẩn phổ biến”.

Cho đến nay, CDC đã thu thập và xét nghiệm hơn 100 mẫu sản phẩm, đất và nước từ nhà của bốn bệnh nhân, nhưng không có mẫu nào dương tính với B. pseudomallei. Cơ quan này lưu ý rằng việc truy tìm nguồn gốc của B. pseudomallei đôi khi rất khó khăn vì vi khuẩn này có thể mất từ hai đến ba tuần để phát triển thành nhiễm trùng.

Một khi bệnh melioidosis tồn tại, việc chẩn đoán nó có thể là một quá trình gian nan do các triệu chứng của nó có thể rất khác nhau và mơ hồ. Nó đôi khi bị nhầm với các bệnh nghiêm trọng khác, chẳng hạn như bệnh lao.

CDC lưu ý rằng mọi người có thể bị nhiễm trùng khi ăn phải vi khuẩn hoặc tiếp xúc với vết xước trên da. Các nhân viên phòng thí nghiệm lâm sàng cũng có nguy cơ bị nhiễm bệnh qua các hạt khí dung. Các triệu chứng có thể bao gồm đau hoặc sưng cục bộ, sốt, loét, áp xe, ho, đau ngực, sốt cao, nhức đầu, chán ăn, suy hô hấp, khó chịu ở bụng, đau khớp, mất phương hướng, giảm cân, đau dạ dày hoặc ngực, đau cơ hoặc khớp, và co giật.

Trong bốn trường hợp liên quan, các bệnh nhân có một loạt các triệu chứng từ ho và khó thở đến suy nhược, mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, sốt từng cơn, và phát ban trên thân, bụng và mặt.

Tỷ lệ tử vong của bệnh melioidosis dao động từ 10%đến 50%, và những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, bệnh phổi mãn tính và sử dụng rượu quá mức có nguy cơ cao nhất. Rủi ro có thể tăng thêm nếu có sự chậm trễ trong chẩn đoán. B. pseudomallei vốn đã chống lại được với nhiều phương pháp điều trị kháng sinh. Việc chẩn đoán và điều trị chậm trễ với các loại thuốc không đúng có thể khiến tình trạng nhiễm trùng lây lan mà không được kiểm soát. Nếu nó lan ra toàn thân, nó có thể gây tử vong trong 90% trường hợp.

Văn Thiện

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Người thứ 4 ở Mỹ mắc vi khuẩn chết người có nguồn gốc Nam Á một cách bí ẩn