Ngôi mộ 31.000 tuổi tiết lộ nơi chôn cất cặp song sinh lâu đời nhất từng được biết đến trên thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu mới cho thấy một ngôi mộ cổ ở Áo có thể là nơi chôn cất cặp song sinh lâu đời nhất được ghi nhận.

Ngôi mộ 31.000 năm tuổi có niên đại vào thời kỳ Đồ đá cũ trên (thời kỳ kéo dài từ 40.000 đến 10.000 năm trước). Một trong 2 đứa trẻ sơ sinh đã chết ngay sau khi sinh, trong người anh của nó sống được khoảng 50 ngày, tức chỉ hơn 7 tuần, theo phân tích của các nhà khoa học.

Một đứa trẻ khác, 3 tháng tuổi, cũng được tìm thấy chôn trong một ngôi mộ cách đó khoảng 1,5 mét có khả năng là anh họ của chúng, theo một nghiên cứu được công bố trực tuyến vào ngày 6 tháng 11 trên tạp chí Communications Biology.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy quan tài hình bầu dục của cặp song sinh tại địa điểm khảo cổ Krems-Wachtberg, bên bờ sông Danube của trung tâm thị trấn Krems vào năm 2005. Hài cốt của cặp song sinh được phủ bằng hoàng thổ, một chất màu đỏ thường được sử dụng trong chôn cất cổ đại trên khắp thế giới.

Hài cốt cặp song sinh. (Ảnh: Orea Öaw)
Hài cốt cặp song sinh. (Ảnh: Orea Öaw)

Các nhà nghiên cứu cho biết, ngôi mộ cũng chứa 53 hạt trang sức làm từ ngà voi ma mút có khả năng từng được xâu thành một chiếc vòng cổ, một chiếc răng cửa của con cáo và ba vỏ ốc đục lỗ, có thể dùng làm mặt của vòng cổ. Một xương bả vai của voi ma mút được đặt trên khu chôn cất đã bảo vệ các thi thể nhỏ bé nằm xen kẽ bên dưới nó qua hàng thiên niên kỷ.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện nơi chôn cất đứa trẻ sơ sinh khác gần đó cũng chứa đất son và một chiếc ghim bằng ngà voi ma mút dài 8 cm, có thể dùng để buộc chặt một chiếc áo da vào thời điểm chôn cất.

Phát hiện này đã gây chú ý ngay sau khi được thông báo, và các nhà nghiên cứu thậm chí còn tạo ra một bản sao nơi chôn cất cặp song sinh được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Vienna vào năm 2013.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn còn nhiều điều để tìm hiểu về mộ cổ. Vì vậy, trong dự án mới, một nhóm các nhà nghiên cứu liên ngành đã hợp tác để giải mã mối quan hệ giữa ba trẻ sơ sinh này và xác định giới tính và tuổi của chúng khi chết.

Các nhà nghiên cứu cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên được ghi nhận sử dụng DNA cổ đại để xác nhận cặp song sinh. Không những vậy, đây còn là cặp song sinh cùng trứng.

Nhà nghiên cứu cấp cao Ron Pinhasi, phó giáo sư tại Khoa Sinh học Tiến hóa tại Đại học Vienna, cho biết đây là "bằng chứng sớm nhất về một ca sinh đôi".

Các nhà nghiên cứu không biết các ca sinh đôi phổ biến như thế nào trong thời kỳ Đồ đá cũ. Tuy nhiên ngày nay, các ca sinh đôi (cả cùng trứng và khác trứng) xảy ra với tỷ lệ 1/85 trong khi các cặp song sinh cùng trứng có tỷ lệ là 1/250.

Trưởng nhóm nghiên cứu Maria Teschler-Nicola, nhà sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Vienna, cho biết: “Khám phá nhiều ngôi mộ từ thời kỳ đồ đá cũ tự nó đã là một điều đặc biệt. Việc DNA cũ có đủ chất lượng được chiết xuất từ bộ xương mỏng manh của đứa trẻ sơ sinh để phân tích đã vượt quá tất cả mong đợi của chúng tôi và có thể được so sánh với việc trúng số."

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một phân tích di truyền của đứa trẻ sơ sinh thứ ba cho thấy cậu là một người họ hàng, có thể là anh em họ.

Để xác định những đứa trẻ chết ở độ tuổi nào, các nhà nghiên cứu đã xem xét chiếc răng cửa thứ hai trên cùng của mỗi đứa trẻ. Nhóm nghiên cứu đặc biệt chú ý đến cái gọi là "đường sơ sinh", một đường sẫm màu trong men răng ngăn cách lớp men được hình thành từ trước và được hình thành sau khi sinh, Teschler-Nicola cho biết.

Những đường sơ sinh đó, cũng như sự phát triển khung xương của trẻ sơ sinh, cho thấy cặp song sinh là trẻ đủ tháng hoặc gần đủ tháng. Có vẻ như người tiền sử đã chôn cất đứa trẻ đầu tiên cặp song sinh trước, sau đó họ mở lại ngôi mộ để chôn người em trai của nó.

Các nhà nghiên cứu cho biết, phát hiện này khẳng định hoạt động văn hóa-lịch sử của việc mở lại một ngôi mộ nhằm mục đích cải táng, điều chưa từng được ghi nhận trước đây trong một khu chôn cất thời đồ đá cũ.

Nhóm nghiên cứu cũng phân tích các nguyên tố hóa học, bao gồm các đồng vị của cacbon, nitơ và bari, trong men răng, cho thấy rằng mỗi đứa trẻ trong cặp song sinh đều được bú sữa mẹ. Mặc dù người anh họ của cặp song sinh sống sót được ba tháng, nhưng đường sơ sinh trên răng cho thấy cậu ít được bú sữa, có lẽ vì mẹ cậu bị nhiễm trùng vú, hoặc có thể vì cô ấy không qua khỏi ca sinh.

Không rõ chính xác lý do tại sao những đứa trẻ này chết, nhưng cái chết của cặp song sinh này và người anh họ của chúng có thể là những sự kiện đau lòng đối với bộ tộc thời kỳ đồ đá cũ này, những người đã dựng trại và chôn cất những đứa trẻ của họ bên sông Danube cách đây rất lâu.

Teschler-Nicola nói với Live Science: "Những đứa trẻ rõ ràng là có tầm quan trọng đặc biệt đối với bộ tộc và rất được tôn trọng và yêu mến”.

Văn Thiện

Theo Livescience



BÀI CHỌN LỌC

Ngôi mộ 31.000 tuổi tiết lộ nơi chôn cất cặp song sinh lâu đời nhất từng được biết đến trên thế giới