Ngôi làng bị nhấn chìm xuất hiện sau 70 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngôi làng Curon nằm ở miền bắc nước Ý gần biên giới với Thụy Sĩ và Liechtenstein, sau hơn 70 năm bị nhấn chìm, gần đây đã xuất hiện trên mặt hồ Resia.

Hình ảnh tòa tháp chuông nhà thờ lịch sử đã truyền cảm hứng cho sự ra đời của cuốn tiểu thuyết “Tôi ở đây” và một chương trình trên Netflix có tên là Curon. Nơi tháp chuông nhà thờ đơn độc giữa hồ hiển hiện, trước đây từng là một ngôi làng nhỏ cùng khoảng 160 ngôi nhà với 900 người sinh sống.

Tháp chuông nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ 14, hiện đang là điểm tham quan thu hút sự quan tâm của nhiều du khách, cảnh tượng độc đáo này được đăng tải nhiều trên mạng xã hội.

Vào năm 1950, do xây dựng nhà máy thủy điện, hồ Resia và hồ Curon cần hợp nhất, hai hồ này nằm trong ba lưu vực tự nhiên ở khu vực đèo Resia, phía nam dãy Alps, vậy nên làng Curon đã bị nhấn chìm một cách có chủ đích.

Trước năm 1919, làng Curon là một phần của Áo nên nhiều cư dân không thể nói tiếng Ý và không đủ trang bị cần thiết để phản đối kế hoạch hợp nhất các hồ. Nhà của họ cuối cùng đã bị nhấn chìm vì mục đích sản xuất năng lượng thủy điện.

“Tất cả các ngôi nhà đều không còn nguyên vẹn, ngoại trừ tòa tháp chuông luôn có thể nhìn thấy được”, Luisa Azzolini, một người dân địa phương đã quay được đoạn phim và cho biết.

Vào tháng 4 vừa qua, khi hồ tạm thời được xả bớt nước để sửa chữa và bảo dưỡng do phát hiện rò rỉ. Ngôi làng với những tàn tích còn sót lại đã hiện ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Những hình ảnh và video về cảnh tượng đổ nát, hoang tàn của ngôi làng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.

Cảnh quay của Azzolini cho thấy cư dân địa phương đi dạo quanh những gì còn lại của ngôi làng Curon, trong đó một số ngôi nhà có kiến trúc từ thế kỷ 14.

Chỉ còn vài tuần nữa, ngôi làng Curon lại chìm trong biển nước, công ty điện sở hữu con đập sẽ lại từ từ tích nước đầy hồ.

Ngôi làng Curon không phải là địa điểm duy nhất bị ngập chìm trong nước. Nhiều nơi cũng đã từng bị biển cả bao la nuốt chửng một cách tự nhiên. Huyền thoại về thành phố Atlantis bị nhấn chìm dưới lòng đại dương là một ví dụ điển hình.

Một số thành phố chìm khác trên thế giới

Cứ khoảng vài thập kỷ một lần, ngôi làng Fabbriche di Careggine ở tỉnh Lucca của Tuscany, Italia lại được hồi sinh.

Fabbriche di Careggine có từ thế kỷ 12, ngôi làng bị bỏ hoang vào năm 1947 do việc xây dựng một con đập trên sông Edron. Lần cuối cùng ngôi làng được hiện ra từ lòng hồ sâu là vào năm 1994 do công tác bảo trì, có thể ngôi làng sẽ lại được nhìn thấy ánh sáng mặt trời một lần nữa vào năm 2025.

Thị trấn Fabbriche Di Carggine lại nổi lên trong quá trình xuất hiện vào năm 1994. (Wikimedia Commons / Robyfra1)
Thị trấn Fabbriche Di Carggine lại nổi lên trong quá trình xuất hiện vào năm 1994. (Wikimedia Commons / Robyfra1)

Các công trình kiến trúc cộng đồng của ngôi làng bao gồm những ngôi nhà bằng đá, cây cầu, nhà thờ San Teodoro và một nghĩa trang hầu như vẫn còn nguyên vẹn dù chìm ngập dưới lòng hồ sâu trong một thời gian dài.

Động đất và sóng thần đã nhấn chìm một số thành phố như Port Royal ở Jamaica và Pavlopetri, Olous gần Hy Lạp. Ở Vương quốc Anh, Ravenser Odd và Dunwich đều bị tàn phá bởi những cơn bão lớn, cho đến sau này, nhiều khu vực vẫn còn bị chìm ngập trong nước.

Hoa Kỳ chứng kiến một số thành phố ven biển đang bắt đầu bị chìm dần, bao gồm New Orleans, Houston, Miami và Virginia Beach. Tuy nhiên, động đất không phải là nguyên nhân gây ra mối lo ngại của các thành phố này.

Một nghiên cứu của NASA vào năm 2016 cho thấy một số khu vực của New Orleans nằm dưới mực nước biển và đang chìm dần với tốc độ trung bình 0.05m mỗi năm. Theo The Washington Post, bãi biển Virginia đang có mực nước biển dâng nhanh nhất ở bờ phía Đông. Tình hình của Miami cũng không khả quan hơn là bao.

"Như chúng ta đã biết về tình hình ở Miami, hầu như không có kịch bản nào bạn có thể tưởng tượng nó có thể xảy ra vào cuối thế kỷ này”, Jeff Goodell, tác giả của cuốn “The Water Will Come: Rising Seas, Sinking Cities, and the Remaking of the Civilized World” (tạm dịch: “Nước sẽ đến: Biển dâng, các thành phố đang chìm dần và sự tái tạo của thế giới văn minh”, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018.

Việc bơm hút nước ngầm đang góp phần làm nhấn chìm một số thành phố và các kỹ sư xây dựng cũng lo ngại về việc nước biển dâng cao là mối đe dọa.

Các kỹ sư xây dựng đã và đang khắc phục tình trạng mực nước biển dâng cao bằng cách xây dựng những con đập, đê và bơm lượng nước dư thừa mà mặt đất không thể hấp thụ.

Giáo sư Ali Memari giảng dạy tại khoa nông nghiệp, kỹ thuật công trình dân dụng và môi trường của trường đại học Penn State, đồng thời là Trưởng ban xây dựng khu dân cư và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhà ở Pennsylvania, nói với AccuWeather rằng các yếu tố như lớp lát mặt đường (không cho nước tự ngấm xuống đất) góp phần gây ra ngập lụt, khiến lượng nước dư thừa ngập tràn các hệ thống thoát nước.

Giáo sư Memari cho biết thêm, những thành phố dễ bị ngập trong nước có thể chọn giải pháp chống chọi lại mực nước biển dâng hay học cách sống chung với nước bằng các giải pháp kỹ thuật công nghệ phát triển. Chống lại mực nước biển có nghĩa là xây dựng các bức tường và đê biển cũng như xây dựng nhà cửa ở độ cao hơn. Sống chung với mực nước biển có thể tối ưu hóa việc sử dụng công nghệ kỹ thuật trong thiết kế và vận hành cơ sở hạ tầng, thiết kế các tòa nhà có khả năng nổi trên mặt nước.

Theo AccuWeather



BÀI CHỌN LỌC

Ngôi làng bị nhấn chìm xuất hiện sau 70 năm