Nên nói với các con của chúng ta thế nào về dịch virus corona Vũ Hán?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại dịch dịch virus corona Vũ Hán (COVID-19) làm cho tất cả chúng ta cảm thấy căng thẳng ngày càng tăng cao - trẻ em nhận thức được điều đó và chúng cố gắng xác định nguồn gốc của sự căng thẳng này. Điều quan trọng là chúng ta cần cởi mở để thảo luận với các con về đại dịch.

Giúp trẻ hiểu được hậu quả của dịch virus corona Vũ Hán và giúp chúng sắp xếp tư duy và cảm xúc là cách tiếp cận tốt nhất. Bà Nicole Racine, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, Đại học Calgary, một nhà tâm lý học trẻ em, đã chia sẻ với The Conversation về cách chúng ta nói với các con về đại dịch này.

Bước đầu tiên, hãy hỏi con bạn xem chúng biết hoặc nghe được những gì về dịch virus corona Vũ Hán. Nếu chúng không có vẻ quá quan tâm, bạn không cần phải nói chuyện quá sâu về đại dịch. Bạn chỉ cần nhắc các con về tầm quan trọng của việc rửa tay và cho bạn biết ngay lập tức nếu chúng cảm thấy không khỏe.

Tuy nhiên, nếu con bạn lo lắng và có quan tâm về đại dịch dịch virus corona Vũ Hán, bạn có thể điều chỉnh các thông tin sai lệch, nói chuyện và hỗ trợ các con về mặt cảm xúc.

Dưới đây là một số câu hỏi phổ biến mà cha mẹ cần biết để nói chuyện với các con về dịch virus corona Vũ Hán.

Nói về dịch virus corona Vũ Hán có làm con tôi lo sợ không?

Không, sẽ không như thế. Cha mẹ thường lo lắng rằng nói chuyện với trẻ em về các vấn đề đáng sợ của xã hội có thể làm cho trẻ lo lắng và sợ hãi. Tuy nhiên, kết quả thường là ngược lại. Các nhà tâm lý thường sử dụng cụm từ để đặt tên cho một vấn đề lo lắng để chế ngự nó, có nghĩa là một khi lo lắng được xác định và thảo luận (nghĩa là được đặt tên) và một kế hoạch đối phó cụ thể được đưa ra, lo lắng có xu hướng giảm so với tăng (tức là được chế ngự). Kiến thức là một công cụ mạnh mẽ và nó mang đến cho trẻ một số khả năng dự đoán những gì sẽ xảy ra ở phía trước, điều này có thể rất hữu ích trong việc chế ngự những lo lắng.

Độ tuổi nào của trẻ em là thích hợp để nói chuyện về dịch virus corona Vũ Hán?

Tùy thuộc vào một số điều. Đầu tiên hãy nghĩ đến khả năng quản lý thông tin của con bạn đối với dịch virus corona Vũ Hán tốt đến mức nào? Thông tin bạn cung cấp phải được điều chỉnh theo hiểu biết cá nhân của con bạn.

Một nguyên tắc chung là khả năng hiểu thông tin về dịch virus corona Vũ Hán sẽ rất thấp ở trẻ nhỏ (dưới 3 tuổi) và sẽ trở nên hiểu biết hơn theo độ tuổi của chúng. Ở tuổi đi học, trẻ có khả năng hiểu và truyền đạt nhiều hơn những gì đang xảy ra. Tuy nhiên, trẻ nhỏ hơn vẫn có thể trải nghiệm tác động của các sự kiện căng thẳng trong môi trường của chúng.

Đối với trẻ em từ ba đến sáu tuổi, bạn có thể nói: “Có một mầm bệnh đang đi khắp nơi, khiến cho mọi người bị bệnh. Chúng ta biết rằng cách tốt nhất để giữ cho mọi người an toàn khỏi bệnh tật là rửa tay thật nhiều và đoán xem, các bác sĩ nói rằng chúng ta nên hát một số bài hát trong khi chúng ta rửa tay!’’.

Có thể nói với trẻ em rằng “Có một mầm bệnh đang đi khắp nơi, khiến cho mọi người bị bệnh’’. (Ảnh: Pixabay)
Có thể nói với trẻ em rằng “Có một mầm bệnh đang đi khắp nơi, khiến cho mọi người bị bệnh’’. (Ảnh: Pixabay)

Đối với trẻ em trên sáu tuổi, bạn có thể nói chuyện sâu hơn về lý do tại sao nó lại quan trọng để rửa tay và tránh chạm vào mặt chúng ta (và bên trong mũi của chúng ta!). Bạn có thể giải thích rằng virus sống trên các bề mặt của các vật mà chúng ta chạm vào (mặc dù chúng ta không thể nhìn thấy nó) và nếu chúng ta chạm vào bề mặt đó bằng tay và sau đó đưa tay vào miệng hoặc trong mũi, đó là cách virus xâm nhập vào cơ thể chúng ta và làm cho chúng ta bị bệnh, và có khả năng làm cho những người khác xung quanh chúng ta bị bệnh (như bà và ông, những người không thể chống lại virus như những người khác).

Thông tin này có thể giúp trẻ hiểu tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa như rửa tay, cũng như tránh chạm vào mặt hoặc đưa tay vào miệng.

Có nên nói với chúng những biểu hiện của triệu chứng là gì không?

Vâng, nên nói, đặc biệt là đối với trẻ em đủ lớn để hiểu, chẳng hạn như trẻ em ở độ tuổi đi học. Bạn nên nói về các triệu chứng phổ biến nhất của dịch virus corona Vũ Hán, bao gồm sốt, ho khan, mệt mỏi, khó thở, v.v. và giúp chúng phân biệt với khó thở khi chơi thể thao, khi ngồi xuống hoặc đi bộ. Yêu cầu chúng nói với bạn khi chúng cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào xảy ra. Bạn cũng có thể nói với chúng rằng bạn sẽ tiến hành đo thân nhiệt cho mọi người trong gia đình vào buổi sáng hoặc buổi tối, để đảm bảo an toàn cho cả nhà. Cần tạo ra sự thoải mái cho trẻ em và cho chúng biết rằng cha mẹ rất quan tâm đến sức khỏe của chúng.

Làm thế nào để giúp cho trẻ giảm bớt nỗi lo lắng và sợ hãi về dịch virus corona Vũ Hán?

Dưới đây là một số chiến lược mà nói chung chúng ta nên làm để giảm lo lắng và sợ hãi ở trẻ em. Đầu tiên, hãy sử dụng ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi (ví dụ, “đây là một loại virus mới mà chúng ta chưa biết nhiều về nó’’), cũng như ngôn ngữ gây nên sự tập trung (ví dụ, “chúng ta đang làm mọi thứ có thể để không bị bệnh’’), thay vì ngôn ngữ gây căng thẳng hoặc thảm khốc.

Thứ hai, không nên thể hiện sự lo lắng của bạn trước mặt con cái, và hãy chắc chắn làm chủ mức độ căng thẳng và lo lắng của chính bạn khi có các con bạn ở xung quanh.

Thứ ba, cố gắng tránh cho trẻ em tiếp xúc với các thông tin truyền thông và truyền hình cận cảnh nguy hiểm về dịch virus corona Vũ Hán. Kết quả một nghiên cứu đã cho thấy rằng những điều này có thể làm tăng sự căng thẳng của chúng.

Thứ tư, hãy nói về kế hoạch giữ gìn sức khỏe của gia đình bạn như rửa tay nhiều, hủy bỏ kỳ nghỉ, tránh những nơi có nhiều người và ở nhà nếu cảm thấy không khỏe. Bạn cũng có thể trấn an chúng rằng rất ít trẻ em bị bệnh và nếu có, các triệu chứng của chúng cũng rất nhẹ. Trẻ em sẽ cảm thấy an tâm khi chúng cảm nhận được sự kiểm soát (tức là biết những gì chúng có thể làm) và có thể làm chủ các tình huống trong cuộc sống.

Cuối cùng, tổ chức càng nhiều càng tốt các hoạt động gắn kết gia đình và thói quen thường xuyên như bữa ăn, ngủ trưa, tắm và giờ đi ngủ. Điều này làm tăng khả năng dự đoán cho trẻ em. Dành thời gian tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự bình tĩnh trong gia đình như đọc sách cùng nhau, xem phim, chơi các trò chơi trên bàn hoặc ra ngoài đi dạo. Đối với trẻ nhỏ, bạn cũng có thể thiết lập các cuộc săn tìm kho báu quanh nhà và sử dụng các trò chơi như một cách để xử lý những cảm xúc. Trẻ em sẽ được an ủi khi bạn dành thời gian đặc biệt với chúng.

Có cách gì để khuyến khích trẻ rửa tay không?

Đúng là có thể khó khuyến khích trẻ rửa tay. Tuy nhiên có một ý tưởng tốt rằng chúng ta cần tạo thói quen bằng cách nhắc chúng rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi đi từ ngoài vào nhà, sau khi đi học về, sau khi ho hoặc hắt hơi... Hát một bài hát trong khi rửa tay cũng có thể là một cách tuyệt vời để khuyến khích rửa tay. Bạn cũng có thể đưa bài hát yêu thích của chúng lên máy nghe nhạc và vừa nhún nhảy vừa rửa tay theo cách của chúng ta.

Cách rửa tay đúng cách, thời gian rửa tay từ 40-60 giây, theo Tổ chức Y tế Thế giới. (Ảnh: WHO)

Nên nói gì với bọn trẻ nếu nhà trẻ/trường học bị đóng cửa, chương trình nghệ thuật hoặc thể thao đã bị hủy bỏ, hoặc chúng ta phải bị cách ly?

Hãy nói với chúng thông tin trung thực và thực tế. Bạn có thể chia sẻ rằng đây là một biện pháp phòng ngừa để giúp làm chậm sự lây lan của virus cho cộng đồng. Bạn có thể nói: “Trẻ em sẽ ở nhà vì chúng ta biết virus rất dễ lây lan ở những nơi đông người. Ở nhà có nghĩa là nhiều người sẽ khỏe mạnh hơn và sẽ giúp làm chậm sự lây lan của virus cho cộng đồng’’.

Nếu chúng ta phải tự cách ly, nên làm gì?

Duy trì các thói quen sinh hoạt hàng ngày, bố trí để các em tự học ở nhà vào thời gian như ở trường sẽ là rất hữu ích. Điều này giúp trẻ biết mong đợi giờ vui chơi sau khi học bài xong. Thường xuyên nhắc nhở các con về thói quen sinh hoạt và quản lý thời gian ở nhà của chúng một cách hữu ích.

Tổ chức cho các con tham gia vào các hoạt động như đọc sách, làm bài tập, làm đồ thủ công, chơi cờ, nấu ăn, làm bánh hoặc làm nghệ thuật có thể giúp thời gian trôi qua nhanh. Tiếp tục duy trì các hoạt động thể chất, có thể bao gồm chơi trong vườn, có một bữa tiệc khiêu vũ trong nhà, một khóa học vượt chướng ngại vật hoặc yoga, thiền định...

Cuối cùng, điều quan trọng là phải tránh cho chúng xem TV quá nhiều, vì điều này có thể có hại cho sức khỏe và giấc ngủ của trẻ em.

Mặc dù việc tự cách ly có thể gây căng thẳng cho cha mẹ, nhưng cần trấn an trẻ em (và bản thân chúng ta) rằng thời gian này sẽ có thể hữu ích cho việc giữ cho mọi người khỏe mạnh và hạnh phúc.

Các nguồn tài nguyên tuyệt vời khác cho phụ huynh tham khảo bao gồm thông tin từ UNICEFTrung tâm kiểm soát dịch bệnh.

Ánh Dương

Theo The Conversation

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Nên nói với các con của chúng ta thế nào về dịch virus corona Vũ Hán?