NASA phát hiện ra một loại phân tử lạ trong bầu khí quyển của mặt trăng sao Thổ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học NASA đã tìm thấy một loại phân tử lạ trong bầu khí quyển của một trong những mặt trăng của sao Thổ.

Theo Independent, hợp chất có tên là cyclopropenylidene, được tạo thành từ 3 nguyên tử cacbon và 2 nguyên tử hydro.

Loại phân tử này chưa từng được phát hiện trong bất kỳ bầu khí quyển của các hành tinh nào khác, nhưng hợp chất đơn giản của carbon này có thể là tiền thân của các hợp chất phức tạp hơn có thể hình thành hoặc nuôi sống các dạng sống.

Các nhà khoa học lần đầu tiên tìm thấy loại phân tử này trong khi sàng lọc các dấu hiệu ánh sáng được thu thập bởi giao thoa kế Atacama Large Millimeter / Submillimeter Array (ALMA) ở Bắc Chile.

Conor Nixon, một nhà khoa học hành tinh tại Trung tâm Chuyến bay Không gian Goddard của Nasa, người đứng đầu cuộc tìm kiếm cho biết: “Khi tôi nhận ra mình đang nhìn thấy cyclopropenylidene, suy nghĩ đầu tiên của tôi là, ‘Chà, điều này thực sự bất ngờ’”.

Tuy chất này đã được tìm thấy ở nhiều khu vực khác trên khắp thiên hà, nhưng nó chưa từng được tìm thấy trong bầu khí quyển của các hành tinh. Nguyên nhân là do chất này rất dễ phản ứng với các phân tử khác. Trước đây, nó chỉ được tìm thấy trong các đám mây khí và bụi trôi nổi giữa các hệ sao - những vị trí quá lạnh để các phản ứng hóa học xảy ra.

Tuy nhiên, hợp chất này tồn tại trên Titan do ở các lớp trên của bầu khí quyển của mặt trăng có ít khí khác để cyclopropenylidene có thể phản ứng.

Nixon nói: “Titan là duy nhất trong hệ Mặt trời của chúng ta có các phân tử này”.

Thành phần của bầu khí quyển của Titan chủ yếu là nitơ tương tự như Trái đất nhưng có nhiều khí mêtan hơn. Các phản ứng hóa học gây ra bởi sức nóng của ánh sáng Mặt trời.

Phát hiện mới sẽ thúc đẩy các nhà khoa học thực hiện các nhiệm vụ thám hiểm Titan bao gồm Dragonfly, nhằm tìm kiếm các thành phần cơ bản của sự sống trên mặt trăng này.

Dragonfly sẽ ra mắt vào năm 2026, nhưng sẽ không đến được mặt trăng của sao Thổ cho đến năm 2034. Khi đến đó, nó sẽ di chuyển đến nhiều địa điểm trên Titan để tìm kiếm bằng chứng về các quá trình hóa học tương tự như trên Trái đất sơ khai.

Rosaly Lopes, một nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của Nasa cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu xem mặt trăng Titan có thể sinh sống được hay không. Chúng tôi muốn biết có những hợp chất nào trong khí quyển cũng như bề mặt, và sau đó, liệu vật chất đó có thể thấm qua lớp vỏ băng để hòa tan vào đại dương bên dưới hay không, bởi vì chúng tôi nghĩ rằng đại dương là nơi có các điều kiện cho sự sống”.

Ngoài ra, loại phân tử mới tìm thấy trên Titan có thể giúp khai mở bí mật về lịch sử Trái đất vì nó rất giống với một trong những thành phần cấu tạo của hành tinh chúng ta gần bốn tỷ năm trước.

Melissa Trainer, một nhà thiên văn học của Nasa Goddard cho biết: “Chúng tôi nghĩ về Titan như một phòng thí nghiệm thực tế, nơi chúng tôi có thể thấy hợp chất hóa học tương tự như của Trái đất cổ đại khi sự sống đang phát triển”.

Văn Thiện

Theo Independent



BÀI CHỌN LỌC

NASA phát hiện ra một loại phân tử lạ trong bầu khí quyển của mặt trăng sao Thổ