Nấm mốc tại Chernobyl sẽ là chìa khóa để chinh phục sao Hỏa?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Con người có thể sống trên sao Hỏa nếu một loại nấm sinh ra bên trong lò phản ứng hạt nhân Chernobyl được sử dụng để bảo vệ khỏi bức xạ, theo các nhà khoa học.

Theo các nhà nghiên cứu, lớp nấm dày khoảng 21 cm có thể hấp thụ phần lớn lượng bức xạ hàng năm trên bề mặt Sao Hỏa.

Nils Averesch, đồng tác giả nghiên cứu nói với New Scientist: "Điều làm cho loại nấm này trở nên tuyệt vời là bạn chỉ cần một vài gram để bắt đầu nuôi cấy".

Averesch nói thêm: “Nó có thể tự sao chép và tự phục hồi, vì vậy ngay cả khi có một đợt bùng phát bức xạ mặt trời làm hỏng đáng kể tấm lá chắn bằng nấm, thì nó sẽ có thể phát triển trở lại chỉ sau vài ngày”.

Nó đã có thể hấp thụ các tia vũ trụ có hại trên Trạm vũ trụ quốc tế và có khả năng được sử dụng để bảo vệ các vùng đất sao Hỏa trong tương lai.

Năm 1991, 5 năm sau thảm họa Chernobyl làm rung chuyển Ukraine, nấm được tìm thấy mọc lên trên các bức tường của lò phản ứng bỏ hoang nơi tràn ngập tia gamma.

Các nhà khoa học phát hiện rằng loại nấm này không chỉ sống sót mà còn phát hiện ra nó thực sự phát triển về khu vực phát ra phóng xạ tại Chernobyl, như thể bị thu hút bởi các tia này.

Điều này là do một lượng lớn melanin - sắc tố làm sạm da - có trong nấm. Chất này còn cho phép nó hấp thụ các tia có hại thông thường để chuyển thành năng lượng hóa học.

Cũng giống như cách mà thực vật chuyển đổi carbon dioxide và diệp lục thành oxy và glucose thông qua quá trình quang hợp, nấm đã hấp thụ các tia bức xạ chết người để tạo ra năng lượng. Quá trình này - sự tổng hợp phóng xạ - đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học vì những ứng dụng tiềm tàng mang tính cách mạng của nó.

Kasthuri Venkateswaran, một nhà khoa học nghiên cứu tại NASA, người đang dẫn đầu các thí nghiệm về nấm Cryptococcus neoformans, tin rằng bằng cách chiết xuất chất có thể hấp thụ bức xạ của nấm và sản xuất dưới dạng thuốc, ta có thể có được loại thuốc chống lại các tia bức xạ độc hại.

Máy chụp ảnh quang học này mô tả Cryptococcus neoformans.
Máy chụp ảnh quang học này mô tả Cryptococcus neoformans. (Ảnh: Wikipedia)

Venkateswaran dự kiến rằng thuốc cũng sẽ cho phép các bệnh nhân ung thư trải qua xạ trị, kỹ sư nhà máy điện hạt nhân và phi công hàng không hoạt động mà không sợ bị hấp thụ các tia bức xạ chết người.

Ngoài ra, năng lượng chuyển đổi bức xạ của nấm cũng có thể được sử dụng để cung cấp cho các thiết bị điện, như các tấm pin mặt trời bằng sinh học.

Một nhà nghiên cứu ẩn danh chuyên về lĩnh vực này cũng đã chỉ ra vai trò tiềm năng của nấm trong việc phát triển công nghệ sinh học.

Người này giải thích trên một diễn đàn trực tuyến: “Các loại nấm mọc ở đó (lò phản ứng Chernobyl) là loại nấm phóng xạ, rất giàu melanin”.

“Melanin hấp thụ bức xạ và chuyển đổi nó thành các dạng năng lượng khác (bao gồm cả điện)”.

“Nghiên cứu của tôi là sử dụng melanin kết hợp với nước để chuyển đổi bức xạ điện từ thành năng lượng điện. Công nghệ này có thể sẽ tìm thấy vị trí của nó trong ngành công nghệ sinh học vì nó không độc hại và tương thích sinh học”.

Bằng cách phát triển nó trong Trạm vũ trụ quốc tế, nơi mức độ phóng xạ được tăng so với trên Trái đất, Venkateswaran và Giáo sư Clay Wang của Đại học Nam California đã có thể theo dõi đột biến.

Khi loại nấm tại Chernobyl này được đặt trong môi trường khắc nghiệt hơn, chúng giải phóng các phân tử khác nhau, điều này có thể hiểu thêm về nấm và cách nó có thể được sử dụng để phát triển các loại thuốc ngăn chặn bức xạ cho con người.

Kết quả của thí nghiệm vẫn chưa được công bố, khiến cộng đồng khoa học nóng lòng chờ đợi vì những phát hiện có thể cách mạng hóa việc bảo vệ con người khỏi bị phơi nhiễm phóng xạ.

Văn Thiện

Theo Dailymail

 



BÀI CHỌN LỌC

Nấm mốc tại Chernobyl sẽ là chìa khóa để chinh phục sao Hỏa?