Một kỹ thuật ghi nhớ cổ đại có thể vượt trội hơn so với 'lâu đài ký ức’ đã biết, theo nghiên cứu mới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đã từng có thời con người ghi nhớ mọi thứ mà chúng ta biết trong đầu. Điều này nghe có vẻ bất khả thi trong thời đại ngày nay khi Internet chứa hầu hết các kiến thức. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu muốn nhắc nhở chúng ta rằng vẫn còn chỗ cho các kỹ thuật ghi nhớ cổ xưa được dạy trong thế giới hiện đại. Và có nhiều hơn một kỹ thuật như vậy...

Ở Hy Lạp và La Mã cổ đại, người ta sử dụng một kỹ thuật ghi nhớ được gọi là lâu đài ký ức hoặc phương pháp loci. Khi tâm trí của họ đi từ phòng này sang phòng khác, các học giả và giáo sĩ có thể nhớ lại những dữ kiện và dữ liệu mà họ đã gắn vào một số vật dụng trong nhà, như tấm thảm, bàn làm việc hoặc cửa sổ.

Ngày nay, kỹ thuật kể trên vẫn được các sinh viên y khoa sử dụng để nhồi nhét một bộ bách khoa toàn thư về kiến thức vào trong đầu. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho thấy một cách “mã hóa” trí nhớ được thổ dân Úc sử dụng từ rất xa xưa có thể là một lựa chọn tốt hơn để ghi nhớ thông tin.

Thổ dân Úc là một phần của nền văn hóa lâu đời nhất trên Trái đất. Trong hơn 60.000 năm, họ đã lưu truyền những câu chuyện và kiến thức từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các bài hát và giấc mơ.

Những câu chuyện và kiến thức cổ xưa này, được dệt thành các tác phẩm nghệ thuật, bài hát hoặc điệu múa, gắn bó mật thiết với cảnh quan xung quanh. Điều này cho phép những người cao tuổi trong các bộ lạc nhớ lại được thông tin quan trọng về mùa, nguồn thực phẩm, điều hướng, chế tạo công cụ và luật pháp khi họ đi qua một số loài thực vật, động vật hoặc đá.

Kỹ thuật ghi nhớ dựa trên câu chuyện khá giống với phương pháp “lâu đài ký ức”. Các nhà nghiên cứu trong bài báo mới cho rằng phương pháp cổ xưa này có thể được sử dụng theo cách "tôn trọng, an toàn về mặt văn hóa" để giúp sinh viên y khoa và các chuyên gia y tế ghi nhớ danh sách dài các sự kiện.

Trong nghiên cứu mới, 76 sinh viên y khoa ở vùng nông thôn Australia đã được ghi danh và chia thành ba nhóm, tất cả đều phải ghi nhớ danh sách 20 tên loài bướm giống hệt nhau. Lúc đầu, tất cả họ phải cố gắng học thuộc lòng danh sách.

Sau đó, một trong các nhóm đã dành 30 phút tiếp theo để học kỹ thuật ghi nhớ dựa trên câu chuyện do một thổ dân Úc có kinh nghiệm hướng dẫn. Trong đó, mỗi thành viên trong nhóm đi quanh một khu vườn và xây dựng một câu chuyện kết nối tên của mỗi loài bướm với một đặc điểm có thể nhìn thấy, chẳng hạn như một tảng đá, một cái cây hoặc một tấm bê tông.

Sau đó, sinh viên thực hành kể lại câu chuyện trong tâm trí của họ, nhớ lại từng yếu tố và tên theo thứ tự. Sau đó nhóm được kiểm tra lại.

Trong khi đó, một nhóm sinh viên khác được hướng dẫn trong 30 phút về kỹ thuật lâu đài trí nhớ. Bằng cách sử dụng phương pháp này, nhóm đã kết hợp mỗi tên loài bướm vào một đồ vật trong ngôi nhà thời thơ ấu của họ.

Để đối chứng, sinh viên trong nhóm thứ ba được yêu cầu nhớ lại tên loài bướm mà không học bất kỳ phương pháp ghi nhớ nào.

Cuối cùng, cả hai kiểu rèn luyện trí nhớ đều cho phép các sinh viên nhớ lại danh sách tốt hơn so với khi họ tự mình cố gắng. Nhưng nhóm học được kỹ thuật của thổ dân Úc mắc ít lỗi hơn đáng kể so với nhóm sử dụng phương pháp lâu đài trí nhớ.

Sau khi được đào tạo về kỹ thuật thổ dân cổ đại này, sinh viên có khả năng nhớ toàn bộ danh sách trong bài kiểm tra thứ hai cao gấp ba lần.

Những người đã học kỹ thuật lâu đài trí nhớ có khả năng đạt điểm tuyệt đối cao hơn gấp đôi sau khi luyện trí nhớ. Trong khi đó, nhóm đối chứng chỉ cải thiện được khoảng 50% trong lần thử thứ hai.

Các tác giả viết: "Phản ứng của sinh viên khi học kỹ thuật ghi nhớ của thổ dân Úc trong bối cảnh giáo dục khoa học y sinh rất thuận lợi, và sinh viên thấy cả việc đào tạo và kỹ thuật đều thú vị, lôi cuốn và hữu ích hơn học thuộc lòng".

Các phát hiện cho thấy kỹ thuật ghi nhớ dựa trên câu chuyện rất hữu ích cho việc nghiên cứu khoa học y sinh, đặc biệt là khi thứ tự của các sự kiện quan trọng. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ thực sự hiệu quả nếu học viên tiếp tục luyện tập.

Sáu tuần sau, khi những người cùng tham gia được yêu cầu nhớ lại danh sách các loài bướm một lần nữa, những người được đào tạo về kỹ thuật lâu đài trí nhớ sẽ nhớ được nhiều tên loài bướm hơn. Trong khi đó những học sinh được đào tạo theo phương pháp của thổ dân Úc đạt điểm ngang bằng với nhóm chưa qua đào tạo.

Các tác giả đề xuất phương pháp của thổ dân Úc cần "yêu cầu thực hành liên tục và tiếp xúc nhiều lần" với cảnh quan để lưu giữ thông tin lâu hơn.

Các nhà nghiên cứu kết luận: “Nghiên cứu này cho thấy một số lợi thế tinh tế, nhưng quan trọng đối với việc giảng dạy phương pháp ghi nhớ của thổ dân Úc so với kỹ thuật được biết đến rộng rãi hơn là lâu đài ký ức. Đặc biệt, phương pháp của thổ dân Úc có vẻ phù hợp hơn với việc giảng dạy trong một thời gian giảng dạy tương đối ngắn”.

Tất cả những điều này chỉ cho thấy rằng để ghi nhớ được những câu chuyện trong hàng thiên niên kỷ sẽ đòi hỏi sự tận tâm và sự kết nối cực kỳ chặt chẽ với cảnh quan.

Nghiên cứu được công bố trên PLOS One.

Văn Thiện

Theo Sciencealert

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Một kỹ thuật ghi nhớ cổ đại có thể vượt trội hơn so với 'lâu đài ký ức’ đã biết, theo nghiên cứu mới