Một bản nhạc của Mozart có thể xoa dịu não bộ của những người bị bệnh động kinh, tại sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nghiên cứu mới, một bản sonata của Mozart có thể làm dịu hoạt động của não của người mắc chứng động kinh nhờ giai điệu tạo cảm giác ngạc nhiên.

Theo Science Alert, nghiên cứu trên 16 bệnh nhân nhập viện vì chứng động kinh không đáp ứng với thuốc đã củng cố hy vọng rằng âm nhạc có thể được sử dụng cho các phương pháp điều trị mới không xâm lấn.

Ông Robert Quon đến từ Đại học Dartmouth, đồng tác giả của nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific Reports, cho biết: “Mong ước cuối cùng của chúng tôi là xác định một thể loại âm nhạc 'chống động kinh' và sử dụng âm nhạc để cải thiện cuộc sống của những người mắc chứng động kinh”.

Tuy bản Sonata của Mozart cho 2 đàn Piano cung Rê trưởng K448 đã được biết đến với khả năng tác dụng lên nhận thức và các hoạt động khác của não bộ, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu lý do vì sao nó có khả năng như vậy.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học sẽ trang bị cho bệnh nhân cảm biến cấy ghép não để theo dõi sự xuất hiện của IED - những sự kiện não ngắn nhưng có hại gây ra bởi chứng động kinh giữa các cơn co giật. Sau đó, họ sẽ mở bản nhạc của Mozart cho những bệnh nhân này nghe.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy IED trong não của người bệnh giảm sau 30 giây nghe nhạc, và bản nhạc có tác động đáng kể đến các phần của não liên quan đến cảm xúc.

Khi so sánh phản ứng của não với cấu trúc của tác phẩm, các nhà nghiên cứu nhận thấy tác dụng của âm nhạc tăng lên trong quá trình chuyển đổi giữa các tiết nhạc dài với thời gian kéo dài 10 giây trở lên.

Quon nói rằng những phát hiện cho thấy rằng các tiết nhạc dài có thể tạo ra cảm giác mong đợi, và sự đáp lại bất ngờ sau đó "tạo ra một phản ứng cảm xúc tích cực".

Cái gọi là 'hiệu ứng Mozart' đã là chủ đề nghiên cứu kể từ năm 1993 khi các nhà khoa học tuyên bố những người được nghe K448 trong 10 phút cho thấy sự cải thiện trong kỹ năng suy luận không gian.

Nghiên cứu sau đó đã kiểm tra tác dụng của K448 đối với các chức năng và rối loạn khác nhau của não, bao gồm cả chứng động kinh.

Nhưng các tác giả cho biết đây là lần đầu tiên thực hiện các quan sát dựa trên cấu trúc của bài hát, mà họ mô tả là "được tổ chức theo các chủ đề giai điệu tương phản, mỗi chủ đề có sự hài hòa cơ bản riêng".

Cũng như các nghiên cứu trước đây, các bệnh nhân không cho thấy sự thay đổi hoạt động của não khi tiếp xúc với các kích thích thính giác khác hoặc các bản nhạc không phải K448 - ngay cả những bản nhạc thuộc thể loại âm nhạc mà họ yêu thích.

Các bệnh nhân trong nghiên cứu này đã nghe 90 giây một tác phẩm của Wagner cũng có đặc điểm là thay đổi hòa âm nhưng "có giai điệu không dễ nhận biết".

Việc cho các bệnh nhân lắng nghe Wagner không tạo ra bất kỳ hiệu ứng xoa dịu nào, khiến các nhà nghiên cứu phải quay lại tìm hiểu giai điệu trong K448.

Nghiên cứu lưu ý rằng việc thử nghiệm thêm có thể sử dụng các bản nhạc được chọn lọc cẩn thận khác để so sánh nhằm xác định thêm các thành phần trị liệu của bản sonata.

Mozart, tên đầy đủ là Johannes Chrysostomus Wolfgangus Theophilus Mozart, sinh ngày 27/1/1756 và mất 5/12/1791, là một nhà soạn nhạc người Áo. Ông là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng, quan trọng và có nhiều ảnh hưởng nhất trong thể loại nhạc cổ điển châu Âu. Các tác phẩm của ông được xem là đỉnh cao trong các thể loại nhạc như piano, nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng, nhạc tôn giáo và opera.

Tuy phong cách nhạc của ông bị một số người chê bai và khinh thường vào thời điểm đó, nhưng nhiều nhà soạn nhạc sau này rất ngưỡng mộ ông và các tác phẩm của ông trở thành một phần quan trọng trong nhiều buổi hoà nhạc. Joseph Haydn đã viết rằng: "Hậu thế sẽ không thể nhìn thấy tài năng như vậy trong 100 năm".

Văn Thiện

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Một bản nhạc của Mozart có thể xoa dịu não bộ của những người bị bệnh động kinh, tại sao?