Tên lửa Trung Quốc có thể đã rơi trúng New York nếu trở lại bầu khí quyển sớm hơn 15 phút

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tên lửa thất bại Trường Chinh 5B của Trung Quốc đã rơi xuống Trái đất hôm thứ Hai (11/5), nhưng các báo cáo nói rằng các mảnh vỡ sẽ rơi xuống thành phố New York nếu tên lửa trở lại bầu khí quyển sớm hơn thực tế 15 phút.

Hôm 5/5, Trung Quốc lần đầu phóng tên lửa hạng nặng Long March-5B (Trường Chinh 5B) mang theo phiên bản thử nghiệm của tàu vũ trụ có người lái thế hệ mới vào không gian.

Sau khi ở trên quỹ đạo khoảng 1 tuần, phần còn lại của tên lửa Trường Chinh 5B bắt đầu quay lại khí quyển của Trái Đất vào lúc 11h sáng ngày 11/5. Tốc độ di chuyển hàng ngàn km mỗi giờ, theo New York Post.

Các nhà thiên văn học cho biết mảnh vỡ rơi dài 28,3 m và nặng 20 tấn - khiến nó trở thành vật thể lớn nhất rơi trở lại từ không gian trong nhiều thập kỷ.

Theo Independent, mặc dù hầu hết các mảnh vỡ đã bị cháy trong quá trình rơi trở lại, một mảnh kích thước xe buýt đã văng xuống Đại Tây Dương ngoài khơi bờ biển Tây Phi. Những mảnh nhỏ hơn rơi xuống ở Bờ Biển Ngà - không có thương tích nào được báo cáo.

Tại Bờ Biển Ngà, với các báo cáo về một vật thể dài 12 m rơi vào làng Mahounou - ngay bên dưới đường rơi của tên lửa, nhưng cách vị trí nó trở lại bầu khí quyển khoảng 2.100 km.

Do các mảnh vỡ của tên lửa đang di chuyển nhanh theo chiều ngang trong bầu khí quyển, các máy theo dõi không thể xác định chính xác mảnh vỡ sẽ rơi ở đâu. Nhiều suy đoán nó có thể rơi xuống đại dương hoặc đất liền ở Châu Phi, Mỹ hoặc Úc.

Ông Jonathan McDowell, một nhà thiên văn học tại Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian cho biết, dự đoán của Không quân Hoa Kỳ về thời gian hạ cánh là cộng hoặc trừ nửa giờ. Với khoảng thời gian này, các mảnh vỡ có thể đã bay được 3/4 chặng đường vòng quanh Trái đất. Vì vậy, trước khi lõi tên lửa văng xuống vùng biển ngoài khơi bờ biển phía tây nước Mô-ri-ta-ni, nó đã bay qua Los Angeles và thành phố New York.

Ông McDowell nói: "Tôi chưa bao giờ thấy một vụ rơi trở lại nào đi qua trực tiếp quá nhiều khu đô thị lớn như vậy", và rất may là các mảnh vỡ đã không rơi xuống bất kỳ vùng đất có người ở nào.

Các nhà thiên văn học cho biết khả năng các mảnh vỡ rơi xuống khu vực đông dân cư rất thấp nhưng nếu lõi tên lửa rơi xuống thì nó có thể phá hủy một tòa nhà.

Ông McDowell nói: “Một khi chúng đến bầu khí quyển thấp hơn, chúng sẽ bay tương đối chậm, vì vậy trường hợp xấu nhất là chúng có thể phá hủy một ngôi nhà”.

Ngoài ra, các mảnh vỡ bị cháy của tên lửa cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về sau.

Ông McDowell nói với tờ The Independent rằng: “Ngay cả khi mảnh vỡ cháy trong trong không gian thì cũng có một chút bụi khí còn sót lại. Do các vật thể trong quỹ đạo thấp di chuyển với tốc độ gần 29.000 km/h, nên ngay cả một chút bụi khí cũng tạo ra một cơn gió lớn. Điều này gây ra ‘sự phân rã quỹ đạo’ - quỹ đạo của vệ tinh ngày càng thấp dần theo thời gian”.

Trung Quốc mưu đồ thế chỗ Hoa Kỳ để thành cường quốc vũ trụ

Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ nhanh chóng trong ngành vũ trụ khi họ đang tham vọng trở thành một cường quốc quân sự, không gian mạng và không gian.

Trong khi các chương trình không gian của Bắc Kinh, phần lớn do quân đội làm chủ, đã tích cực tìm kiếm sự hợp tác với các cơ quan vũ trụ ở châu Âu và các nơi khác, thì Hoa Kỳ đã cấm nhiều sự hợp tác không gian với chính quyền Trung Quốc do lo ngại về an ninh quốc gia.

Tháng 8/2019, chính quyền Trump đã cảnh báo rằng Bắc Kinh đã và đang mưu đồ thay thế Hoa Kỳ để trở thành cường quốc hàng đầu về vũ trụ.

Ngày 29/8/2019, để đáp trả việc những kẻ thù của Hoa Kỳ đang phát triển vũ khí chống vệ tinh tiên tiến hơn, Tổng thống Donald Trump đã tái thiết Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ thành Bộ Tư lệnh Chiến đấu Thống nhất số 11.

Ngày 29/8/2019 trong buổi lễ Vườn hồng, Tổng thống Donald Trump cảnh báo rằng: “Đối thủ của chúng ta đang vũ khí hóa quỹ đạo Trái đất với công nghệ mới nhắm vào các vệ tinh của Mỹ rất quan trọng đối với cả hoạt động chiến trường và cuộc sống tại nhà của người dân. Việc tự do hoạt động trong không gian cũng rất cần thiết để phát hiện và tiêu diệt bất kỳ tên lửa nào được phóng lên chống lại Hoa Kỳ”.

Theo đánh giá về mối đe dọa không gian năm 2019 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, Hoa Kỳ, các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc đã thực hiện một số thử nghiệm vật lý động học, bao gồm cả tên lửa DN-3 ASAT (vũ khí chống vệ tinh) có khả năng đạt quỹ đạo cao hơn vào tháng 10/2015, tháng 12/2016, tháng 8/2017 và tháng 2/2018.

Bắc Kinh tiếp tục đầu tư mạnh vào các chương trình không gian do nhà nước quản lý và cũng đang trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào các công ty tư nhân. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng “nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới khoa học và công nghệ, để trẻ hóa Trung Quốc và hiện đại hóa Quân đội của nước này”.

Trong 2 năm tới, Trung Quốc có kế hoạch gửi 4 sứ mệnh không gian mang phi hành đoàn và cùng với tàu chở hàng để hoàn thành công việc trên một trạm không gian cố định. Những lần phóng tiếp theo của tên lửa Trường Chinh 5B dự kiến sẽ lại gây ra các vụ tên lửa mất kiểm soát và rơi trở lại Trái đất khi Trung Quốc có kế hoạch đưa các mô-đun của trạm vũ trụ trong tương lai lên quỹ đạo. Trung Quốc, cùng với Hoa Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cũng cho biết họ đang lên kế hoạch cho các nhiệm vụ Sao Hỏa vào mùa hè này.

Nhưng theo Richard Fisher, một chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế, có trụ sở tại Washington và chuyên nghiên cứu về an ninh cho chính phủ Mỹ, động lực của Bắc Kinh đằng sau chương trình không gian luôn luôn là để duy trì chế độ và “cuối cùng thay thế Hoa Kỳ tại vị trí lãnh đạo toàn cầu”.

Nguồn ảnh đầu bài: Facebook/Animata 24

Văn Thiện

Theo Dailymail, The Epoch Times, Independent



BÀI CHỌN LỌC

Tên lửa Trung Quốc có thể đã rơi trúng New York nếu trở lại bầu khí quyển sớm hơn 15 phút