Lý thuyết 10.000 bước chân mỗi ngày có thực sự đúng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo bà I-Min Lee, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế công cộng Harvard, mục tiêu 10.000 bước chân mỗi ngày được phổ biến từ thập niên 60 của thế kỷ XX tại Nhật Bản. Đó là tinh thần tiếp thị của một sản phẩm là bộ đếm bước chân của một nhà sản xuất đồng hồ, người đã muốn nâng cao tinh thần thể thao của người Nhật sau Thế vận hội Tokyo 1964. Khoa học hiện nay đã có quan điểm khác sau một số nghiên cứu thực địa.

Sự thật bất ngờ về "lý thuyết 10.000 bước chân" vừa được chia sẻ trên báo New York Times mới đây. Theo đó, tờ báo dẫn lời giải thích của tiến sĩ I-Min Lee và T.H. Chan, cũng là một chuyên gia về sức khỏe và đếm bước chân.

Tên gọi của thiết bị đếm bước chân khi được viết bằng chữ Nhật thì có hình dạng tựa như một người đang bước đi. Thiết bị được thiết kế cho "bộ đếm 10.000 bước". Và vô tình, số đếm đó đã tạo ra một mục tiêu đi bộ mà trong suốt nhiều thập kỷ sau đã trở thành "tiêu chuẩn vàng" đi vào quan niệm chung của thế giới cũng như của nhiều thiết bị theo dõi sức khỏe hiện nay.

Tuy nhiên khoa học ngày nay đã chứng minh chúng ta không cần phải đi tới 10.000 bước (khoảng 8km) mỗi ngày để được sống khỏe, sống lâu.

Một nghiên cứu quy mô lớn về vấn đề này đăng trên tạp chí JAMA tháng 3 năm 2020 đã thực hiện với gần 5.000 người trung niên (gồm cả hai giới) ở nhiều chủng tộc khác nhau cho thấy tiêu chuẩn 10.000 bước chân một ngày không phải điều kiện tất yếu để sống thọ.

Trong nghiên cứu đó, những người đi khoảng 8.000 bước/ngày có thể giảm một nửa nguy cơ chết sớm vì bệnh tim hay bất cứ nguyên nhân nào khác. Tuy nhiên những người chỉ đi 4.000 bước/ngày cũng đạt được mức giảm nguy cơ tương tự.

Một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2019 của chính tiến sĩ Lee và các cộng sự đã nhận thấy ở những phụ nữ trong độ tuổi 70, những người có thể đi bộ khoảng 4.400 bước mỗi ngày có thể giảm 40% nguy cơ chết sớm so với người chỉ đi 2.700 bước hoặc ít hơn.

Nguy cơ tử vong cũng tiếp tục giảm thêm nữa ở những phụ nữ đi được hơn 5.000 bước mỗi ngày, song nguy cơ này không còn giảm thêm ở khoảng 7.500 bước/ngày.

Nói cách khác, phụ nữ lớn tuổi chỉ cần hoàn thành đều đặn 1/2 mục tiêu 10.000 bước/ngày vẫn có thể sống khỏe và sống lâu hơn đáng kể so với những người vận động ít hơn hoặc không vận động.

Theo Thanhnien, một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, đi bộ ít nhất 2.000 bước mỗi ngày liên tục có thể làm giảm đến 32% nguy cơ tử vong sớm. Các nhà khoa học từ Đại học Bắc Carolina (Mỹ), trong một nghiên cứu mới, đã phát hiện, đi tổng cộng 4.500 bước mỗi ngày, chia làm vài lần đi bộ thật nhanh, sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất, vì các nhà nghiên cứu nhận thấy, đi nhiều hơn 4.500 bước không mang thêm lợi ích.

Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng nhận thấy, chỉ cần đi bộ thêm mỗi 1.000 bước là đã góp phần giảm 28% nguy cơ tử vong so với không đi bộ.

Các lợi ích thống kê khác của việc tăng thêm số bước chân mỗi ngày không đáng kể. Điều này có nghĩa, mặc dù việc đi nhiều hơn 10.000 bước chân/ngày không gây hại gì, song cũng không giúp tăng thêm hiệu quả trong việc phòng ngừa chết sớm.

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Lý thuyết 10.000 bước chân mỗi ngày có thực sự đúng?