Lý do nào khiến người cao tuổi kiểm soát cảm xúc tốt hơn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà tâm lý học Susan Turk Charles đưa ra kết quả nghiên cứu cho thấy người cao tuổi có sức khỏe tinh thần tốt hơn.

Khi còn trẻ, các kỹ năng của chúng ta có xu hướng phát triển hoàn thiện theo tuổi tác và kinh nghiệm. Nhưng khi bước vào giai đoạn trưởng thành, từ giai đoạn này, chúng ta cảm thấy mọi thứ dường như bắt đầu xuống dốc. Khi tuổi tác mỗi ngày thêm nhiều, lại thấy mình đang đãng trí hơn một chút, phản ứng chậm hơn một chút, năng lượng giảm hơn một chút.

Tuy nhiên, có duy nhất một ngoại lệ quan trọng: người cao tuổi kiểm soát được cảm xúc của mình tốt hơn nhiều so với các lứa tuổi khác.

Trong 20 năm qua, nhà tâm lý học Susan Turk Charles từ đại học California, Irvine, Hoa Kỳ đã theo dõi diễn biến tâm lý thay đổi của nhiều người, nhiều lứa tuổi, từ cảm giác hài lòng đến những khoảnh khắc trầm ngâm, đôi khi cả sự bộc phát tức giận, buồn bã và tuyệt vọng. Bà đặc biệt quan tâm đến cách mọi người xử lý và trải nghiệm những cảm xúc này khi tuổi tác mỗi ngày một thêm lên. Nhà tâm lý học Charles và các cộng sự đã phát hiện ra rằng, trung bình, những người lớn tuổi giảm dần tiếp xúc xã hội hơn nhưng lại đạt được trạng thái cảm xúc tốt hơn.

Vậy bí mật bên trong những mái tóc hoa râm này là gì? Làm thế nào để có nhiều hơn nữa người hưởng lợi từ kết quả nghiên cứu này? Và người trẻ tuổi tận dụng cơ hội này như thế nào?

Năm 2010, hai nhà tâm lý học Susan Turk Charles và Stanford Laura Carstensen, đồng tác giả một bài báo viết về Trải nghiệm xã hội và cảm xúc khi chúng ta già đi đăng trên tạp chí Annual Review of Psychology. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng nhà tâm lý học Charles để tìm hiểu và làm rõ hơn về kết quả nghiên cứu. Cuộc trò chuyện đã được biên tập để chuyển tải nội dung tới độc giả rõ ràng và xúc tích hơn.

Điều gì đã khiến một nhà khoa học trẻ như bà quyết định nghiên cứu cảm xúc của những người lớn tuổi?

Khi tôi còn là một sinh viên đại học, vào đầu những năm 90, tôi thực sự quan tâm đến sự phát triển cảm xúc. Vào thời điểm đó, các tài liệu khoa học nói rằng tính cách và cảm xúc của con người được phát triển đầy đủ khi bước vào tuổi 18. Điều này khiến tôi nghĩ, “Ôi chao, trong vòng 50 năm tới, tôi cũng không có gì tiến triển tốt hơn? Không lẽ lại như vậy?".

Sau đó, tôi tham gia một khóa học của Laura Carstensen, khi ấy bà là giảng viên tâm lý học tại Đại học Stanford, bà là người đầu tiên nói rằng, con người còn tiếp tục có nhiều sự phát triển sau tuổi 18. Tuy thể chất và nhận thức của người trưởng thành sẽ phát triển chậm lại, thậm chí là sẽ suy giảm đi. Nhưng khả năng cân bằng và quản lý cảm xúc lại ở chiều hướng tốt dần lên, thậm chí là tốt hơn rất nhiều.

Được chia sẻ với giảng viên Carstensen khiến tôi thấy hứng thú với lĩnh vực này. Tôi mải mê với ý tưởng nghiên cứu về một quá trình không suy giảm khi con người bước vào giai đoạn lão niên.

Điều gì khiến bộ não khi già đi lại có khả năng quản lý cảm xúc tốt hơn?

Một số nhà thần kinh học cho rằng, khi tuổi tác tăng lên, chúng ta thường xử lý thông tin chậm hơn. Do vậy, thay vì sử dụng khả năng ứng biến, chúng ta cần suy nghĩ trước khi hành động. Con người có sự suy giảm khối lượng và thể tích ở thùy trán não theo tuổi tác, đây là bộ phận chịu trách nhiệm điều chỉnh cảm xúc, suy luận phức tạp và tốc độ xử lý. Các nhà nghiên cứu khác như Mara Mather tại Đại học Nam California phát hiện ra rằng, khi quản lý cảm xúc, vỏ não trước trán của người lớn tuổi thường biểu hiện hoạt động nhiều hơn so với người trẻ.

Nhiều nghiên cứu khác cũng cho biết, người lớn tuổi có khuynh hướng suy nghĩ tích cực, ngay cả khi họ không tự nhận ra họ đang thực sự như vậy. Họ tự mặc định: "Đừng bận tâm với những điều nhỏ nhặt". Người lớn tuổi thường bỏ qua những cảm xúc tiêu cực xảy ra trước kia, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực từng xảy ra với gia đình hay bè bạn. Do vậy chúng tôi cho rằng, người lớn tuổi điều chỉnh cảm xúc tốt hơn. Nhưng với những người lớn tuổi bị sa sút trí tuệ, họ lại không cho đó là điều tích cực.

Ở độ tuổi nào đạt được đến đỉnh cao trong việc quản lý cảm xúc?

Điều này phụ thuộc vào khía cạnh bạn đang quan tâm, ngưỡng cao nhất mà kết quả nghiên cứu cho thấy là ở nhóm tuổi từ 55 - 70. Còn phải xét đến thước đo “sự hài lòng trong cuộc sống”, bao gồm cả hạnh phúc và nỗi bất hạnh, bạn cảm nhận cuộc sống của bạn đang diễn ra như thế nào. Vì vậy, trong nhóm tuổi từ 55 đến 70, độ tuổi trung niên quản lý cảm xúc kém hơn một chút, nhất là những người mới ngoài 50 tuổi và sau đó sẽ tốt dần lên cho đến khi bước vào ngưỡng tuổi 70 tuổi. Chỉ sau tuổi 75, những cảm xúc tiêu cực mới bắt đầu gia tăng trở lại.

Với những người sống đến trăm tuổi, trong bài đánh giá của mình, bà cho rằng họ vẫn có được khả năng quan lý cảm xúc tốt. Tôi tưởng tượng, một số người bắt đầu tự hỏi liệu có thể chỉ là những người có thái độ sống tích cực, ít gặp nghịch cảnh, sẽ sống lâu được như vậy đúng không?

Đúng là những người có những mối quan hệ tốt đẹp và cảm xúc tích cực sẽ sống lâu hơn. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu và giải thích rằng những người có trạng thái tâm lý thoải mái có lượng hormone cortisol căng thẳng thấp, sức khỏe tim mạch tốt. Đó là một lợi thế liên quan đến tuổi cao ở người cao tuổi.

Vì vậy, một lần nữa chúng tôi nhận thấy điều tiết cảm xúc được cải thiện theo tuổi tác. Đây là những hiệu ứng nhỏ, nhưng chúng nhất quán và ổn định. Sự cải thiện này dành cho đa số người nhưng không phải cho tất cả mọi người.

Vậy tại sao một số người không có được những trải nghiệm những tốt đẹp này?

Hầu hết những người tham gia vào nghiên cứu này được những nhà khoa học định nghĩa là “khác thường” - là những người đến từ những xã hội phương Tây, có nền tảng giáo dục, công nghiệp hóa, giàu có và dân chủ. Chúng tôi cũng biết rằng họ không chỉ đến từ các xã hội “khác thường” ấy, họ còn đại diện cho những người đến từ nền văn hóa da trắng, thống trị. Điều này có nghĩa là họ có khoản tài chính an toàn, có lương hưu, có hệ thống xã hội tiêu chuẩn. Những người chúng tôi phỏng vấn thường là những người da trắng thuộc tầng lớp trung lưu có việc làm, có trình độ học vấn cao. So với những người trẻ với tình trạng kinh tế xã hội tương đương, những người lớn tuổi trông phong độ hơn rất nhiều.

Nhưng nếu những người lớn tuổi ở trong những hoàn cảnh rất dễ bị tổn thương, không có nhà ở ổn định, đối mặt với những tác nhân gây căng thẳng thường xuyên hoặc nếu họ đang phải sống trong nỗi đau nào đó, bạn có thể sẽ không nhìn thấy được những trải nghiệm ích lợi từ tuổi tác cao mang lại.

Nhà ở ổn định cũng là mối bận tâm chung của giới trẻ. Đây có phải là những thứ đè nặng lên tinh thần của họ không?

Tôi nghĩ điều thực sự quan trọng đối với trạng thái cảm xúc thỏa mãn của ai đó là họ không phải lo lắng về tài chính và có được cuộc sống sung túc trong tương lai.

Khi còn trẻ, chúng ta có rất nhiều điều phải lo lắng. Đôi khi tôi nói với những bạn trẻ kém tuổi mình: Khi những người lớn tuổi thường nói, “Tuổi trẻ là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời, hãy tận hưởng khi còn có thể”, đó là câu nói có thể gây ra sự lạm dụng. Người trẻ tuổi phải chịu khổ đau chiếm tỷ lệ rất cao.

“Lý thuyết chọn lọc xã hội” được phát triển bởi giáo sư tâm lý học và là người hướng dẫn của tôi, Laura Carstensen, nói về việc mọi người hiểu được chúng ta còn bao nhiêu thời gian nữa trong cuộc đời.

Người trẻ tuổi khi còn khỏe mạnh, họ nhìn về một cuộc sống còn dài phía trước, họ còn phải nỗ lực phấn đấu hết mình để tiếp thu kiến thức, lập kế hoạch cho tương lai.

Nhưng với người lớn tuổi, họ thấy rằng thời gian còn lại ngày càng ít đi và bắt đầu coi trọng các mục tiêu chọn lọc thiên về giá trị cảm xúc. Những người lớn tuổi thích dành thời gian cho gia đình và bạn bè hơn là gặp gỡ những người bạn mới dù họ có thể thú vị.

Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Science cho thấy, giống như con người, những con tinh tinh già có xu hướng ít tương tác xã hội hơn nhưng sống tích cực hơn, và do đó, các nhà nghiên cứu kết luận rằng sự phát triển này không nhất thiết phụ thuộc vào nhận thức về thời gian sắp hết. Bà có cho rằng cơ chế đằng sau sự thay đổi này có thể là điều cốt yếu hơn chúng ta tưởng?

Tôi nghĩ rằng những con tinh tinh già đã biết áp dụng những thói quen lành mạnh để thúc đẩy và duy trì sự sống. Tôi không cho rằng tinh tinh già nhận ra cuộc sống của chúng đang ngày càng ngắn lại.

Giống như con người, tinh tinh già cũng có nhiều tương tác xã hội tích cực hơn so với những con tinh tinh trẻ tuổi, một nghiên cứu năm 2020 cho biết.
Giống như con người, tinh tinh già cũng có nhiều tương tác xã hội tích cực hơn so với những con tinh tinh trẻ tuổi, một nghiên cứu năm 2020 cho biết. (Photostock-Israel / Thư viện ảnh khoa học qua Getty Images)

Suy luận của tôi về một số điều có thể đang xảy ra. Con người khi ở độ tuổi thanh thiếu niên thực sự bị kích thích bởi những điều mới lạ. Họ thích những cảm xúc dâng trào, và họ chấp nhận rủi ro. Điều này cũng có thể đúng với loài tinh tinh, chúng thích được trải nghiệm những điều mới mẻ, sinh sản và đạt được sự thống trị và địa vị trong loài. Nhưng khi thân hình già yếu đi thì chúng trở nên mệt mỏi với những trải nghiệm này, chúng thấy có lẽ tốt hơn khi sống trong môi trường thân quen và thoải mái.

Giảm năng lượng khi về già ở loài tinh tinh có thể tương tự như đối với con người. Ngoài ra, tại trung tâm nghiên cứu đại học Stanford, Robert Sapolsky phát hiện ra rằng hành vi chải lông của những con khỉ đầu chó đực lớn tuổi hơn có liên quan đến việc giúp chúng giảm căng thẳng hơn. Vậy nên, những con tinh tinh ưa chải lông, có thái độ thân thiện hơn và tập trung vào những người bạn đồng hành đã thu được những lợi ích từ môi trường đồng loại.

Phát hiện này của bà chắc chắn sẽ truyền cảm hứng cho những người theo đuổi thái độ sống tích cực hơn. Nhưng nếu bà cũng là một người đang già đi và không hạnh phúc, điều này có thể khiến bà cảm thấy không vui?

Với những người không tìm thấy niềm hạnh phúc, điều thực sự quan trọng là họ cần cấu trúc lại hoạt động trong ngày để cảm thấy hài lòng hơn.

Tôi đoán rằng, khi bạn lập danh sách cho các hoạt động nâng cao sức khỏe, hầu hết mọi người đều đồng ý nên đưa vào các nội dung quan trọng như ngủ đủ giấc, tập thể dục và ăn uống đúng cách, ... nhưng lại thường lãng quên các mối quan hệ xã hội, không biết rằng nó quan trọng như lượng cholesterol điều độ.

Dù ở độ tuổi nào, bạn cũng cần đảm bảo dành đủ thời gian vun đắp các mối quan hệ xã hội của mình, quý trọng và ưu tiên những người bạn thân và các thành viên trong gia đình.

Tìm kiếm mục đích và ý nghĩa cuộc sống là điều vô cùng quan trọng. Người khác nhau có mục đích sống khác nhau, nhưng khi tìm được mục đích sống và cố gắng để đạt được mục đích ấy sẽ khiến cảm xúc được thỏa mãn.

Liệu điều đó có khiến chúng ta trở nên quá thoải mái về mặt cảm xúc không?

Có thể. Điều đó có thể khiến chúng ta thoải mái đến mức không còn gặp phải bất kỳ thử thách nào nữa. Khi đó, chúng ta cần tiếp tục tham gia vào các thử thách về nhận thức.

Trong một nghiên cứu được công bố gần đây, chúng tôi đã theo dõi một nhóm người trong tám ngày. Mỗi tối, họ được phỏng vấn về những yếu tố gây căng thẳng xem trong ngày có tranh cãi nhau không? Có tình huống nào có thể dẫn đến tranh cãi nhưng đã không để nó xảy ra? Gia đình và công việc có vướng mắc gì không?

Chúng tôi đã phỏng vấn hơn 2.500 người về những tác nhân gây căng thẳng tương đối nhỏ mà họ đã trải qua, chẳng hạn như một vấn đề trong công việc hoặc một cuộc tranh cãi nào đó, mỗi tối trong tám ngày.

Khoảng 10% số người cho biết không một tác nhân gây căng thẳng nào xảy đến. Những người này cảm thấy hạnh phúc hơn so với những người dù chỉ phải chịu ảnh hưởng của một tác nhân. Nhưng chúng tôi cũng phát hiện ra là họ hoạt động kém hơn trong các câu hỏi kiểm tra về nhận thức so với những người phải chịu ít nhất một tác nhân gây căng thẳng. Họ nhận được sự trợ giúp ít hơn, và cũng ít giúp đỡ người khác hơn, dành nhiều thời gian để xem TV nhiều hơn.

Hai mươi năm trước, chúng tôi đã nghĩ rằng nếu bạn có những mối quan hệ tích cực và một lối sống ổn định, bạn có thể đạt được mức cân bằng cảm xúc cao nhất, khả năng nhận thức cao nhất, sức khỏe thể chất tốt nhất, cuộc sống hoàn hảo dành cho bạn. Còn bây giờ, chúng tôi suy nghĩ khác hơn một chút. Theo kết quả khảo sát, những người đạt được trạng thái tinh thần tốt nhất nhưng lại không đạt được khả năng nhận thức cao tương xứng.

Điều này có thể là do những người không chịu tác nhân gây căng thẳng đang dành ít thời gian để tương tác với người khác. Những người bạn quen biết và yêu thương đôi khi cũng là nguồn gốc khiến bạn căng thẳng nhưng họ cũng thách thức và lôi cuốn bạn vào các hoạt động giải quyết vấn đề.

Vì vậy, bạn có thể không tìm thấy hạnh phúc tối ưu khi không làm gì; xem ra phải cần đến một sự đánh đổi. Nó giống như: “Tôi muốn trở thành một tình nguyện viên, tuy bận rộn, vất vả nhưng nó mang lại cho tôi ý nghĩa về mặt cảm xúc. Hay, tôi có rất nhiều mục đích trong cuộc sống cần phải thực hiện, để đạt được, tôi có thể sẽ gặp phải một số người khiến tôi buồn phiền”.

Do vậy, mọi người nên phấn đấu để đạt được điểm cân bằng cảm xúc? Làm thế nào để đạt được điểm cân bằng đó?

Mọi người chắc chắn đều nên cố gắng để đạt được mức điểm cân bằng, nhưng không có một tiêu chuẩn chung nào phù hợp cho tất cả. Ví dụ, chúng ta biết rằng mọi người đều được hưởng lợi khi có mối quan hệ xã hội bền chặt, nhưng mỗi người có số lượng bạn bè thân thiết khác nhau và thời gian họ dành cho bạn bè cũng khác nhau. Chúng ta cũng biết rằng mọi người cần phải duy trì hoạt động thể chất, nhưng một số người thích bơi lội trong khi những người khác thích chạy bộ. Những hoạt động mang tính thử thách đối với một số người này nhưng lại gây nhàm chán cho một số người khác.

Để đạt được điểm cân bằng, mọi người cần hiểu rõ bản thân và đưa ra quyết định trong việc tạo ra một cuộc sống năng động, cách tham gia vào các hoạt động xã hội như thế nào khiến họ cảm thấy thân thuộc và cần thiết. Nếu một số người cần những hoạt động có tính thử thách cao như học một loại nhạc cụ mới, học cách sắp xếp một công viên mới, hay thậm chí là nghĩ ra một thế giới mới trong trò chơi điện tử - họ sẽ phải học những điều mới mẻ, ghi nhớ và ứng dụng những điều đã học. Hoạt động thể chất cũng phải được chú trọng và duy trì để tăng cường sức khỏe.

Chúng ta cần suy nghĩ về cuộc sống hàng ngày, về hoạt động sống như thế nào để tối ưu hóa sức khỏe thể chất, chức năng nhận thức và lợi ích cảm xúc của mình.

Có cách nào để những người trẻ tuổi nhanh chóng đạt được một số lợi ích cảm xúc giống như những người lớn tuổi, hay họ chỉ nên kiên nhẫn chờ đợi?

Trong 10 năm qua, người ta nói nhiều hơn về chánh niệm như một phương pháp hữu hiệu trong việc điều chỉnh cảm xúc. Điều này thật thú vị, chánh niệm giúp bạn không bận tâm suy nghĩ về tương lai, luôn nhắc nhở bạn từng khoảnh khắc hiện tại mới là quan trọng nhất. Đây là điều mà những người lớn tuổi thường hướng tới và thực hành, những người trẻ hơn hoàn toàn có thể áp dụng.

Rất tuyệt vời nếu những người trẻ tuổi dành một chút thời gian vào cuối tuần để học hỏi và thực hành từ những người lớn tuổi: "Hiện tại, mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp - hãy cứ tận hưởng điều đó cho ngày hôm nay". Tôi hiểu điều này ngày một sâu sắc hơn và luôn cảm thấy hứng thú khi có các trải nghiệm từ kết quả của nghiên cứu.

Tác giả: Tim Vernimmen

Theo Tạp chí Smithsonian

May May biên dịch

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Lý do nào khiến người cao tuổi kiểm soát cảm xúc tốt hơn?