Luật an ninh mạng mới cho phép chính quyền Trung Quốc kiểm soát dữ liệu bên ngoài lãnh thổ của họ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ Hoa Kỳ đang “rất lo lắng” về các biện pháp an ninh mạng mới của Trung Quốc sẽ khiến các công ty Mỹ có nguy cơ mất các dữ liệu nhạy cảm.

Vào tháng 10 năm 2019, Bắc Kinh đã ban hành một đạo luật về mật mã mà sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2020. Luật mới này, kết hợp với các biện pháp an ninh mạng toàn diện mà Trung Quốc đã thông qua trong nhiều năm qua, tạo ra một loạt thách thức đối với các công ty nước ngoài hoạt động tại nước này.

Ngày 10 tháng 1, ông Robert Strayer, phó trợ lý bộ trưởng phụ trách chính sách thông tin và truyền thông quốc tế và mạng, cho biết: “Chúng tôi rất lo ngại về các luật như thế ở Trung Quốc”.

Các công ty sẽ được yêu cầu cung cấp các khóa mã hóa, thành phần rất quan trọng để bảo vệ tính bảo mật của thông tin được truyền và lưu trữ trên mạng, làm cho các mạng trở nên minh bạch đối với chính quyền Trung Quốc.

Theo Strayer, các quy tắc mới sẽ cảnh báo các nhà khai thác viễn thông trên toàn thế giới, vì các biện pháp này “cho phép Bắc Kinh có quyền truy cập vào dữ liệu lưu trữ trên các mạng ở một nước thứ ba, ở châu Âu hoặc một nơi nào khác”.

Một khi họ có được quyền truy cập vào mạng lưới của một công ty nước ngoài ở Trung Quốc, các quan chức nước này sẽ có thể thâm nhập vào các mạng lưới của công ty đó bên ngoài đất nước.

Ông cảnh báo rằng các công ty sẽ không có khả năng chống lại yêu cầu của chế độ Trung Quốc bằng cách đến một cơ quan tư pháp độc lập hoặc kêu gọi các thể chế pháp quyền ngăn chặn loại phạm vi ngoài lãnh thổ đó.

Các quy tắc an ninh mạng mới của Trung Quốc dự kiến sẽ có tác động đáng kể đối với các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc. Nước này đã thực hiện các chính sách để quản lý dữ liệu, bao gồm nội địa hóa dữ liệu, buộc cả các thực thể nước ngoài và Trung Quốc phải lưu trữ dữ liệu của họ tại địa phương. Luật mật mã mới là nỗ lực mới nhất để truy cập dữ liệu và thông tin nhạy cảm của các công ty nước ngoài.

Robert Strayer, phó trợ lý bộ trưởng phụ trách chính sách thông tin và truyền thông quốc tế và mạng, tổ chức một cuộc họp báo tại Trung tâm báo chí nước ngoài ở Washington vào ngày 10 tháng 1 năm 2020. (Emel Akan / Epoch Times)

Tác giả và chuyên gia về Trung Quốc Gordon Chang cho biết trong một báo cáo: “Vì các công ty nước ngoài sẽ không còn được phép mã hóa dữ liệu từ đầu đến cuối, nên gần như chắc chắn họ sẽ bị coi là vi phạm các quy tắc của Hoa Kỳ đối với công nghệ được lưu trữ trên mạng ở Trung Quốc”.

Một số nhà lập pháp đã đưa ra quan ngại về các quy tắc an ninh mạng mới của Trung Quốc, thậm chí kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ ngừng làm việc với Trung Quốc.

Đe dọa từ công nghệ 5G của Trung Quốc

Strayer cho biết, các vấn đề về mạng và an ninh mạng đã trở thành một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong những năm gần đây.

Ông nói thêm: “Có bốn quốc gia mà chúng ta coi là đối thủ chiến lược hoặc đối thủ trên không gian ảo, và đó là Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên và Iran”.

Strayer cho biết một trong những mục tiêu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khác, đặc biệt là những nước ở châu Âu, trong việc xây dựng các biện pháp bảo mật cho mạng công nghệ không dây thế hệ thứ năm (5G).

Washington đã cố gắng thuyết phục các đồng minh của mình ở châu Âu cấm sử dụng thiết bị của Huawei Technologies trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, gọi nhà cung cấp Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Strayer nói tiếp: “Cuối cùng thì chúng tôi biết rằng mỗi quốc gia sẽ phải đưa ra quyết định của riêng mình về các biện pháp bảo mật mà họ muốn có để triển khai công nghệ 5G”.

Chính phủ Anh dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về sự tham gia của Huawei vào cơ sở hạ tầng 5G của Anh vào cuối tháng này.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã tỏ ra bức xúc với các quan chức Anh bằng cách nói rằng việc chia sẻ thông tin tình báo có thể bị ảnh hưởng nếu thiết bị Huawei được sử dụng ở Anh.

“Khi chúng tôi nói chuyện với các quốc gia khác, chúng tôi nhận thức được các mối quan hệ về chia sẻ thông tin rất mạnh mẽ mà chúng tôi có với nhiều quốc gia trong số đó”, Strayer nói. “Chúng tôi không muốn thấy sự xuống cấp gây ra bởi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông không đáng tin cậy”.

Vào ngày 8 tháng 1, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Tom Cotton đã giới thiệu một dự luật sẽ ngăn nước Mỹ chia sẻ thông tin tình báo với các quốc gia cho phép Huawei vận hành mạng 5G của họ.

“Hoa Kỳ không nên chia sẻ thông tin tình báo có giá trị với các quốc gia cho phép một nhánh thu thập thông tin tình báo của chính quyền Trung Quốc hoạt động tự do trong biên giới của họ”, Cotton cho biết trong một thông cáo báo chí . “Tôi yêu cầu các đồng minh của chúng tôi trên khắp thế giới cân nhắc cẩn thận về hậu quả đối với lợi ích quốc gia của họ của việc hợp tác với Huawei”.

Văn Thiện (biên dịch)

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Luật an ninh mạng mới cho phép chính quyền Trung Quốc kiểm soát dữ liệu bên ngoài lãnh thổ của họ