Lỗ thủng tầng ozone hàng năm trên Nam Cực đang 'lớn hơn bình thường'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lỗ thủng hàng năm trong tầng ozone bảo vệ của Trái đất xuất hiện trên Nam Bán cầu đang “lớn hơn bình thường” - và hiện đã lớn hơn châu Nam Cực.

Hoạt động như một lá chắn, tầng ozone hấp thụ tia tử ngoại từ Mặt trời. Sự thiếu vắng của nó đồng nghĩa với việc những bức xạ năng lượng cao này có thể đến được Trái đất và gây hại cho các sinh vật sống trên đó. Quá trình sản xuất của con người sẽ thải ra các chất hóa học vào bầu khí quyển. Các chất này, với xúc tác là năng lượng Mặt trời, sẽ gây ra các các phản ứng làm suy giảm tầng ozone.

Theo Daily Mail, hàng năm, sự suy giảm tầng ozone sẽ gây ra một lỗ thủng hình thành phía trên cực nam của Trái đất trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 - mùa hè bán cầu nam - đạt cực đại vào đầu tháng 10.

Kích thước của lỗ thủng phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Điều kiện lạnh giá năm ngoái chứng kiến một trong những lỗ thủng lớn nhất từng được ghi nhận, trong khi năm 2019 lỗ thủng là nhỏ nhất.

Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus của Liên minh Châu Âu cho biết, sau khi bắt đầu với kích thước trung bình trong năm nay, kích thước của lỗ thủng đã tăng lên đáng kể.

Tính đến ngày hôm 16/9, lỗ thủng này có diện tích khoảng 8,8 triệu dặm vuông (23 triệu km vuông).

Trong những năm có điều kiện thời tiết bình thường, lỗ thủng thường phát triển đến diện tích tối đa khoảng 8 triệu dặm vuông (20,7 triệu km vuông).

Bất chấp những biến động tự nhiên này, các chuyên gia kỳ vọng lỗ thủng này sẽ đóng lại vĩnh viễn vào năm 2050, do hiệu lực của hiệp ước hạn chế các hóa chất làm suy giảm tầng ozone được đưa ra vào năm 1987.

Người đứng đầu Cơ quan Giám sát Khí quyển Copernicus Vincent-Henri Peuch cho biết: “Các dự báo cho thấy lỗ thủng năm nay đã phát triển thành một lỗ thủng khá lớn hơn bình thường. Chúng tôi đang nhìn thấy một lỗ thủng tầng ozone khá lớn và có khả năng cũng sâu”.

Theo Tiến sĩ Peuch, lỗ thủng tầng ozone được quan sát thấy vào năm ngoái cũng bắt đầu không đáng kể, nhưng tiến triển thành một trong những lỗ thủng tồn tại lâu nhất từng được ghi nhận.

Trên thực tế, các phép đo từ vệ tinh Copernicus Sentinel-5P cho thấy lỗ thủng năm ngoái cũng là một trong những lỗ thủng sâu nhất và lớn nhất trong những năm gần đây, với tổng diện tích khoảng 9,7 triệu dặm vuông (25 triệu km vuông).

Theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, lỗ thủng năm ngoái được thúc đẩy bởi một “xoáy cực có cường độ mạnh, ổn định và lạnh” khiến nhiệt độ của tầng ozone trên Nam Cực liên tục hạ thấp.

Sự tiến hóa của lỗ thủng tầng ozone năm nay dường như đang tiến triển theo một đường hướng tương tự, hiện tại nó lớn hơn so với 75% các lỗ thủng kể từ năm 1979 tại cùng thời điểm.

Nhà khoa học cấp cao Antje Inness của Trung tâm Dự báo Thời tiết Tầm trung Châu Âu cho biết: “Sự tiến triển này của tầng ozone là những gì chúng tôi kỳ vọng với điều kiện khí quyển hiện tại. Tiến trình của lỗ thủng tầng ozone trong những tuần tới sẽ cực kỳ thú vị”.

Năm nay, Tiến sĩ Peuch nói thêm, “xoáy thuận khá ổn định và nhiệt độ của tầng bình lưu thậm chí còn thấp hơn năm ngoái - vì vậy [lỗ thủng ozone] có thể tiếp tục phát triển nhẹ trong hai hoặc ba tuần tới”.

Giám đốc sứ mệnh Copernicus Sentinel-5P, Claus Zehner, cho biết: “Việc giám sát lỗ thủng ozone trên Nam Cực phải được giải thích cẩn thận vì kích thước, thời gian và nồng độ ozone của một lỗ thủng bị ảnh hưởng bởi các trường gió địa phương, hoặc khí tượng xung quanh Nam Cực”.

Ông nói thêm: “Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực sẽ đóng lại vào năm 2050”.

Đôi nét về tầng ozone

Tầng ozone, hoặc lá chắn ozone là một khu vực trong tầng bình lưu của Trái Đất, hấp thụ đến 99% các bức xạ cực tím của Mặt Trời.

Tầng ozone được phát hiện vào năm 1913 bởi các nhà vật lý người Pháp Charles Fabry và Henri Buisson. Các phép đo về Mặt trời cho thấy rằng bức xạ được phát ra từ bề mặt của nó tới mặt đất trên Trái Đất thường phù hợp với quang phổ của một vật thể màu đen với nhiệt độ trong khoảng 5.500–6.000 K (5.227–5.727 ℃), ngoại trừ việc không có bức xạ dưới bước sóng khoảng 310 nm ở đầu cực tím của phổ.

Sau đó, các nhà khoa học đã được suy luận rằng những bức xạ bị mất đã được hấp thụ bởi một cái gì đó trong khí quyển. Cuối cùng, họ phát hiện phổ của bức xạ bị thiếu chỉ phù hợp với một hóa chất duy nhất là ozone (O3).

Năm 1976, các nghiên cứu khí quyển cho thấy tầng ozone đã bị các hóa chất thải ra bởi ngành công nghiệp, đặc biệt là chất làm lạnh halocarbon và chlorofluorocarbon (CFC), làm cho suy giảm.

Năm 1987, việc sản xuất và tiêu thụ các hóa chất kể trên bắt đầu bị loại bỏ theo một hiệp ước quốc tế được gọi là Nghị định thư Montreal.

Tuy nhiên, thực tế là nhiều chất làm suy giảm tầng ozone có thể ở lại tầng bình lưu trong nhiều thập kỷ, có nghĩa là quá trình phục hồi của tầng ozone diễn ra rất chậm. Do đó, các chuyên gia đã dự đoán rằng phải đến những năm 2060, các chất độc hại được sử dụng trong chất làm lạnh và bình xịt mới hoàn toàn biến mất khỏi bầu khí quyển.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Lỗ thủng tầng ozone hàng năm trên Nam Cực đang 'lớn hơn bình thường'