Lãnh đạo Pháp, Đức, Úc chỉ trích Greta Thunberg

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức và Úc đã chỉ trích nhà hoạt động khí hậu trẻ tuổi Greta Thunberg sau khi cô cáo buộc rằng họ đã không hành động quyết liệt để ngăn chặn “sự tuyệt chủng hàng loạt” của các loài sinh vật trong diễn đàn thế giới về biến đổi khí hậu .

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tỏ thái độ không đồng tình với Thunberg do bài phát biểu của cô tại Liên Hợp Quốc và một khiếu nại pháp lý mà Thunberg đã đệ trình cáo buộc Pháp và Đức, cùng các quốc gia khác, đã không hành động quyết liệt đối với việc biến đổi khí hậu. Thủ tướng Úc Scott Morrison đã trách Thunberg vì đã khiến trẻ em Úc phải “lo lắng không cần thiết”.

“Bọn trẻ đã có đủ thứ phải lo lắng”, ông Morrison nói về các con gái của mình. “Chúng ta phải để trẻ em là trẻ em. Chúng ta không thể để chúng lớn trước tuổi, nhưng chúng ta cần hiểu nguyên nhân vấn đề này”.

Thunberg, 16 tuổi, đã trở thành đại diện của phong trào báo động môi trường toàn cầu. Trong bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc, cô bé đã cáo buộc các nhà lãnh đạo thế giới đã phá hủy “mơ ước” và “tuổi thơ” của mình với những lời phát biểu “trống rỗng” của họ.

“Con người đang chết dần. Toàn bộ hệ sinh thái đang sụp đổ. Thế giới đang bắt đầu một cuộc tuyệt chủng hàng loạt, và tất cả những gì các người nói đến chỉ là tiền và truyện cổ tích về sự tăng trưởng kinh tế vĩnh cửu. Sao các người dám làm vậy!”, Thunberg nói.

Thunberg và 15 nhà hoạt động khí hậu nhỏ tuổi khác đã đệ đơn khiếu nại chính thức lên Ủy ban Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc cáo buộc Argentina, Đức, Pháp, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm quyền trẻ em do hành động thiếu kiên quyết để giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu. Khiếu nại không nhắc tới Trung Quốc và Ấn Độ, những nước đang gây ô nhiễm lớn nhất thế giới.

Tổng thống Macron, người trước đây đã đứng về phía phong trào của Thunberg, đã chỉ trích giới trẻ vì đã tự đặt mình về phía cực đoan và đối kháng với xã hội.

“Tất cả các phong trào trong giới trẻ của chúng ta, hoặc những trẻ em ít tuổi hơn, đều có ích”, Macron nói với kênh tiếng Pháp đài truyền hình Europe 1. “Tuy nhiên, bây giờ người trẻ cần tập trung vào những nước đang phát triển, những nước mà đang cố gắng ngăn chặn [các sáng kiến bền vững]. Sự cực đoan này đương nhiên sẽ đối kháng với xã hội của chúng ta”.

Bộ trưởng Sinh thái học Pháp Brune Poirson cũng chỉ trích Thunberg vì đã tạo ra sự chia rẽ không thể cứu vãn.

“Tôi không tin rằng chúng ta có thể huy động dân chúng dựa trên sự thất vọng và thù hận, làm cho mọi người chống lại nhau”, ông Poirson nói với Radio France. “Thật đáng lo ngại, cô bé ấy đã huy động mọi người. Nhưng những giải pháp cô ta đặt ra là gì? Tôi không biết”.

Bà Merkel đã dùng cách tinh tế hơn để chỉ trích nhà hoạt động khí hậu tuổi teen, khi nói rằng phong trào của Thunberg đã “dồn” nước Đức vào thế buộc phải hành động vì môi trường.

“Tôi muốn có cơ hội để nói lên sự phản đối mạnh mẽ của tôi với cô bé đó về một vấn đề”, bà Merkel nói, theo tờ Thời báo Luân Đôn. “Cô ấy đã không đưa ra giải pháp thỏa đáng về việc công nghệ và đổi mới, đặc biệt không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn trong việc lưu trữ năng lượng, có thể nâng cao khả năng đạt được mục tiêu của chúng ta đối với việc biến đổi khí hậu”.

Ông Macron, bà Merkel và ông Morrison không phải là những lãnh đạo đầu tiên chỉ trích các nhà báo động khí hậu. Người đứng đầu Tổ chức Khí tượng Thế giới, ông Petteri Taalas, nói với tạp chí Phần Lan vào đầu tháng 9 rằng những kẻ cực đoan về khí hậu và những “doomster” (những kẻ lo sợ ngày tận thế) đang tấn công các nhà khoa học chính thống nhằm thay đổi triệt để quan điểm của họ về biến đổi khí hậu.

“Trong khi thái độ hoài nghi về biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề ít được quan tâm hơn, chúng ta lại đang bị thách thức bởi những kẻ đối lập. Các chuyên gia khí hậu đã bị tấn công bởi những người này và họ cho rằng chúng ta nên quyết liệt hơn. Họ là những doomster và những kẻ cực đoan. Họ tạo ra các mối đe dọa”, Taalas nói với tạp chí Talouselama vào ngày 6 tháng 9.

Ông Taalas nói rằng những kẻ cực đoan về khí hậu đang chọn lọc các dữ liệu cần thiết từ các báo cáo của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc.

“Các báo cáo của IPCC đã được đọc đi đọc lại giống như đọc Kinh thánh: họ cố gắng tìm những phần hoặc những đoạn nhất định để cố gắng biện minh cho quan điểm cực đoan của mình. Đây giống như chủ nghĩa tôn giáo cực đoan”.

Theo ông Benny Peiser, giám đốc của Quỹ chính sách làm nóng lên Toàn câu (Global Warming Policy Foundation) tại London, “các lãnh đạo chính trị của châu Âu đang ngày càng lo ngại về việc mất chương trình nghị sự về khí hậu của họ vào tay những kẻ cuồng tín và cực đoan về sinh thái”.

Ông Peiser đã viết trong một email cho The Epoch Times: “Phong trào ngày tận thế của Greta Thunberg đang biến hàng triệu thanh thiếu niên Pháp, Đức và châu Âu chống lại chính phủ, tổ chức và đất nước của họ, biến họ thành một đám đông phẫn nộ, giận dữ”.

“Các quan chức và chính trị gia đang bắt đầu lên tiếng vì họ sợ họ có thể không kiểm soát nổi những thanh thiếu niên ngày càng nguy hiểm này, những người mà trước đây họ nghĩ rằng họ có thể kiểm soát mãi mãi”.

Văn Thiện (biên dịch)

Theo Epochtimes

 

 

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Lãnh đạo Pháp, Đức, Úc chỉ trích Greta Thunberg