Lần đầu tiên tìm thấy các tuyến nọc độc trong miệng của một loài lưỡng cư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng về các tuyến răng giống như rắn trong một loài lưỡng cư.

Một nhóm các nhà khoa học từ Viện Butantan ở Brazil và Đại học Bang Utah Mỹ đã phát hiện ra "bằng chứng đầu tiên về tuyến nọc độc ở động vật lưỡng cư" bên trong miệng của loài Caecilian Ring hay còn có tên khoa học là Siphonops Annulatus. Sinh vật này thường sống trong hang và trông giống như con lai giữa rắn và sâu, nhưng thực ra nó có họ hàng với ếch và kỳ nhông.

Nhà sinh vật học đến từ Đại học Bang Utah Edmund Brodie cho biết: "Chúng ta biết một số loài lưỡng cư lưu trữ chất tiết độc hại, khó chịu trên da để ngăn chặn những kẻ săn mồi. Nhưng để tìm hiểu ra ít nhất một loài có thể gây thương tích từ miệng của nó là một điều phi thường".

Nhóm nghiên cứu trước đây đã nghiên cứu các tuyến da của Caecilian, nhưng sau đó đã tìm thấy những gì Brodie mô tả là "các tuyến nhỏ chứa đầy chất lỏng ở hàm trên và hàm dưới, với các ống dẫn dài mở ra ở đáy của mỗi chiếc răng hình thìa của chúng”.

Caecilian Ring hay Siphonops Annulatus có tuyến răng giống như rắn.
Caecilian Ring hay Siphonops Annulatus có tuyến răng giống như rắn. (Ảnh: Viện Butantan, Brazil)

Một số loài lưỡng cư, như ếch phi tiêu độc khét tiếng, được biết đến vì tiết ra các chất độc hại trên da.

Tác giả chính Pedro Luiz Mailho-Fontana cho biết: "Các tuyến da độc hại hình thành từ lớp biểu bì, nhưng các tuyến miệng này phát triển từ mô răng và đây là nguồn gốc phát triển giống như chúng ta tìm thấy trong các tuyến nọc độc của loài bò sát".

Bước tiếp theo là tìm hiểu xem dịch tiết từ các tuyến răng có độc hại hay không. Nếu vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng các tuyến nọc độc có thể đã phát triển ở động vật lưỡng cư sớm hơn so với ở rắn.

Đồng tác giả Carlos Jared cho biết: "Bởi vì các loài Caecilian là một trong những động vật có xương sống ít được nghiên cứu nhất, nên ngành sinh học của chúng ta là một hộp đen đầy bất ngờ".

Con người không thực sự cần phải lo lắng về Siphonops Annulatus. Loài lưỡng cư nhỏ bé này thích đuổi theo côn trùng, sâu và ếch. Chúng không quan tâm đến việc cắn người.

Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện của họ trên tạp chí iScience vào thứ Sáu (3/7).

Văn Thiện

Theo Cnet



BÀI CHỌN LỌC

Lần đầu tiên tìm thấy các tuyến nọc độc trong miệng của một loài lưỡng cư