Những chiếc đồng hồ mặt trời khổng lồ của người La Mã cổ đại và thời gian ngày nay

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người La Mã cổ đại chia ngày thành ban ngày và ban đêm nhưng cách họ phân định thời gian lại khác nhau. Ban ngày gồm có mười hai giờ. Tùy theo mùa, một giờ dao động từ 45 phút đến 1 giờ 15 phút (1h15). Ban đêm cũng được chia thành mười hai giờ hoặc bốn khoảng thời gian, tương ứng với mỗi lần lính gác thay ca.  

Người La Mã cổ đại theo dõi thời gian như thế nào?

Từ thuở sơ khai, người La Mã đã sử dụng đồng hồ mặt trời để xác định thời gian. Theo Pliny (Gaius Plinius Secundus hay Pliny the Elder là tác giả, nhà triết học, nhà chỉ huy quân sự và hải quân thời La Mã cổ đại), đồng hồ mặt trời đầu tiên được sử dụng ở nơi công cộng vào năm 263 trước Công nguyên. Là chiến lợi phẩm từ Chiến tranh Punic lần thứ nhất (cuộc chiến giữa Cộng hòa La Mã và thế lực đối nghịch tranh quyền làm chủ phía Tây Địa Trung Hải, năm 264-241 trước Công nguyên), đồng hồ mặt trời này được mang từ Sicily về Rome và đặt trên đỉnh cao nhất trong bảy ngọn đồi La Mã - đồi Quirinale.

Chiếc đồng hồ cổ đại này đã được sử dụng trong khoảng một trăm năm, mà không ai nhận ra rằng nó hiển thị thời gian không chính xác do sự khác biệt về vĩ độ địa lý so với ở Sicily. Vào năm 164 trước Công nguyên, một chiếc đồng hồ chính xác đã được thiết kế và lắp đặt tại Quảng trường La Mã (hay còn gọi là Công trường La Mã).

Được sử dụng để theo dõi thời gian, phiên bản La Mã của đồng hồ mặt trời bao gồm một tấm bia (còn gọi là gnomon, có thể hiểu là kim đồng hồ), từ đó tạo nên bóng khi mặt trời chiếu vào, và một kinh tuyến làm mặt đồng hồ. Kinh tuyến được chia thành mười hai cung có độ dài khác nhau. Theo đó, thời gian được xác định bởi kích thước của bóng râm khi mặt trời đổ bóng lên gnomon.

Theo lệnh của Hoàng đế Augustus, đồng hồ mặt trời lớn nhất thời cổ đại, Horologium Augusti, được dựng trên Cánh đồng Sao Hoả (Champ de Mars). Kim đồng hồ - gnomon là một tượng đài bằng đá granit cao 30 mét được Hoàng đế mang về từ Ai Cập. Mặt đồng hồ có đường kính 160 m.

Với kích thước khổng lồ, đồng hồ có thể đo lường thời gian với độ chính xác cao. Sau đó, đồng hồ bị hư hại do lũ lụt, và cuối cùng bị phá hủy bởi một trận động đất. Phần tượng đài đã được khôi phục ở một nơi khác vào thế kỷ 16 khi người ta phát hiện ra những phế tích của nó.

Chiếc đồng hồ mặt trời 2000 năm tuổi, được Marcus Novius Tubula hiến tặng sau chiến thắng bầu cử.
Chiếc đồng hồ mặt trời 2000 năm tuổi, được Marcus Novius Tubula hiến tặng sau chiến thắng bầu cử. (Nguồn: National Geographic)

Mặt đồng hồ được phục dựng từ những mảnh vỡ được tìm thấy vào thế kỷ 18. Hiện tại, kim đồng hồ - gnomon, được gọi là Obelisk của Montecitorio, được đặt trên quảng trường cùng tên. Vào năm 1998, một kinh tuyến mới được vẽ trên hình vuông để tưởng nhớ đến chiếc đồng hồ vĩ đại xưa kia.

Vào thời La Mã, khi đồng hồ cầm tay chưa phổ biến, những người nô lệ đã phải chạy đến trung tâm thành phố để xem đồng hồ và quay lại báo cáo với chủ nhân về thời gian theo đồng hồ.

Sau này, quadrant (dụng cụ đo góc 90 độ dùng để xác định kinh độ, vĩ độ thời cổ đại) trở nên phổ biến ở Rome và quadrant được sử dụng như đồng hồ dùng cho gia đình. Vì chiếc đồng hồ này chiểu theo vĩ độ địa phương nên không thể dùng nó bên ngoài thành Rome.

Xuất hiện Đồng hồ nước Clepsydra

Nhược điểm của đồng hồ mặt trời là nó chỉ được sử dụng vào những ngày trời quang mây. Khắc phục được nhược điểm trên, đồng hồ nước (clepsydra) đã xuất hiện ở Rome vào năm 158 trước Công nguyên. Đồng hồ nước là tên gọi các loại đồng hồ đo thời gian bằng thời gian chảy của một lượng chất lỏng định trước. Thường đồng hồ nước có hai bộ phận chính là bộ phận chứa nước và bộ phận hứng.

Ảnh trưng bày hai đồng hồ nước từ Bảo tàng Agora cổ đại ở Athens. Ảnh trên là một bản gốc từ cuối thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Ảnh bên dưới là bản tái tạo lại nguyên bản bằng đất sét.
Ảnh trưng bày hai đồng hồ nước từ Bảo tàng Agora cổ đại ở Athens. Ảnh trên là một bản gốc từ cuối thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Ảnh bên dưới là bản tái tạo lại nguyên bản bằng đất sét. (Ảnh: Wikipedia)

Clepsydra thường được sử dụng đối với các bài phát biểu của diễn giả mà cần giới hạn thời lượng của bài phát biểu đó. “Yêu cầu có clepsydra” nghĩa là yêu cầu có hạn chế thời gian. Ví dụ, thời lượng của bài phát biểu ở tòa án đã được quy định, nhưng một người có thể yêu cầu thẩm phán gia hạn thêm clepsydra nếu anh ta không có đủ thời gian để trình bày lý lẽ biện hộ.

Pliny the Younger (Gaius Plinius Caecilius Secundus là một tác giả và luật sư thời La Mã cổ đại, cháu của Pliny the Elder) kể lại rằng ông đã nhận thêm 4,4 clepsydra trên tổng 12 clepsydra. Cụ thể, 4 clepsydra tương ứng với một giờ. Như vậy, bài phát biểu của Pliny kéo dài khoảng bốn giờ.

Đồng hồ nước có thể vừa đơn giản vừa rất tinh xảo. Các văn bản La Mã cổ đại cho thấy một số đồng hồ nước (clepsydra) được trang bị cơ chế đặc biệt. Nó có thể phát ra tiếng còi lớn ở một mực nước nhất định hoặc ném ra một vật gì đó để nhắc nhở mọi người về thời gian.

Trong loạt tác phẩm mang tên “Lịch sử tự nhiên”, Pliny the Elder đã mô tả những khó khăn trong việc tính toán thời gian ở thời cổ đại. “Luật 12 Bảng” (bộ luật đầu tiên thời La Mã cổ đại, được khắc trên 12 bảng đồng đặt ở quảng trường La Mã) chỉ đề cập đến hai thời điểm trong ngày - mặt trời mọc và mặt trời lặn. Về sau, buổi trưa mới được thêm vào.

Thời gian hiện nay lại đang tăng tốc

Trong thời đại ngày nay, mọi người đều cảm giác thời gian đang trở nên nhanh hơn. Cũng là một ngày, cũng là 24 giờ, trong quá khứ người ta cảm thấy thời gian qua đi rất chậm, rất lâu và con người dường như chia sẻ được với nhau rất nhiều những điều thú vị về tình yêu và cuộc sống.

Còn ngày nay, từng giờ từng ngày, chỉ trong nháy mắt đã trôi qua. Mọi người đều như đang sống gấp, làm thế nào để cạnh tranh tốt hơn, thắng được người khác với bất kể giá nào, làm thế nào để được giàu hơn, thỏa mãn dục vọng cá nhân nhiều hơn v.v… Từ sáng sớm thức dậy đến tối khuya, mọi người chỉ muốn thật nhanh chiếm được nhiều vật chất cho bản thân. Vậy nên ai ai cũng cảm thấy bản thân chưa làm được gì mà trời đã tối. Vừa mới nhắm mắt, chưa kịp xua tan mệt mỏi, trời đã sáng rồi. Thế nhưng thời gian thực sự đang trôi nhanh hơn, vũ trụ cũng vẫn đang giãn nở. Nhiều người cảm thấy không thể nào hiểu được, không thể giải thích được.

Như chúng ta đều biết đồng hồ là công cụ tính toán thời gian, vài ngàn năm nay con người đều ỷ lại vào nó. Kết cấu chặt chẽ của nó rất tinh vi và không thể bị xâm phạm. Những bánh răng cưa của đồng hồ cắn chặt vào nhau, cùng chuyển động để tính toán từng giây từng phút.

Nhưng bởi vì thời gian thực sự đã biến thành nhanh hơn đã làm thay đổi cả cấu trúc tinh vi không thể xâm phạm này. Đồng hồ của vài chục năm trước có thể ghi lại chính xác thời gian từng giây từng phút dài như thế. Dùng tới ngày này vẫn có thể ghi lại chính xác từng giây từng phút trong thời gian đã tăng nhanh hiện nay. Đó là vì đồng hồ cũng như con người, đang chịu sự tăng tốc của thời gian, hơn nữa không sai khác chút nào. Cho đến như múi giờ tiêu chuẩn Greenwich theo quy định của thế giới cũng tùy theo đó mà thay đổi theo một cách chính xác.

Hiện tượng kỳ lạ này phải chăng là tự nhiên? Thời gian được tăng nhanh hơn liệu có phải đang báo hiệu điều gì sẽ triển hiện tại nhân gian? Năm cũ đang qua và năm mới đang đến, chúng ta hãy cùng chờ xem những gì sẽ diễn ra sắp tới.

Nguyễn Hảo - Ánh Dương

Theo Curiosmos

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Những chiếc đồng hồ mặt trời khổng lồ của người La Mã cổ đại và thời gian ngày nay