Kim tự tháp khổng lồ của người Maya được xây dựng từ tro bụi núi lửa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khoảng 1.500 năm trước, người Maya đã tạo dựng kim tự tháp khổng lồ bởi nguồn tro bụi và đá phun trào ra từ ngọn núi lửa Ilopango.

Núi lửa Ilopango phun trào tại khu vực ngày nay là San Andrés, El Salvador vào năm 539 sau Công nguyên. Sự kiện này được đặt tên là Tierra Blanca Joven (TBJ). Ngọn núi lửa phun trào mạnh nhất ở Trung Mỹ trong 10.000 năm qua, giải phóng khoảng 55 tỷ mét khối magma vào không khí, bao phủ khu vực xung quanh trong lớp trầm tích dày khoảng 0,5 mét, tạo ra các dòng dung nham kéo dài hàng chục dặm, mang rất nhiều tro bụi vào bầu khí quyển khiến khí hậu lạnh đi khắp Bắc bán cầu.

Các nhà khoa học cho rằng nhiều khu định cư của người Maya trong khu vực đã bị bỏ hoang trong nhiều thế kỷ bởi sự phun trào và sức tàn phá của núi lửa.

Nhưng theo Akira Ichikawa, nhà khảo cổ học và các cộng sự của ông tại Khoa Nhân chủng học, Đại học Colorado Boulder (UCB), Hoa kỳ, trong một dự án nghiên cứu gần đây về kim tự tháp của người Maya, cho thấy người dân đã quay trở lại sớm hơn nhiều và họ đã quyết định xây dựng kim tự tháp khổng lồ với cấu trúc có tên gọi là Campana, cách núi lửa khoảng 40km.

Kim tự tháp được xây dựng bởi các khối đá trộn với đất, tro (đá và thủy tinh ở dạng bột) phun trào ra từ miệng núi lửa. Điều này phản ánh ý nghĩa, tín ngưỡng đối với núi lửa trong văn hóa tâm linh của người Maya.

Các nhà khoa học đã tranh luận trong nhiều thập kỷ về thời điểm xảy ra sự kiện núi lửa Ilopango phun trào. Một số nhà khoa học cho rằng núi lửa phun trào sớm hơn, khoảng từ năm 270 đến năm 400. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng các mẫu carbon lấy từ các loại vật liệu khác nhau được xây dựng trong kim tự tháp, so sánh tỷ lệ đồng vị cacbon phóng xạ, theo sự tính toán của Ichikawa, công trình được xây dựng vào năm 539 là kết quả chính xác hơn.

Kim tự tháp với cấu trúc Campana hình chóp quen thuộc, được thiết kế trên khối nền cao 6 mét, dài 80 mét, rộng 55 mét. Kim tự tháp có độ cao khoảng 13 mét. Tổng thể cấu trúc có thể tích khoảng 33.000 mét khối, trở thành cấu trúc lớn nhất tại khu vực thung lũng San Andrés vào thời điểm đó.

Bản vẽ 3D của cấu trúc Campana, chỉ đến nơi diễn ra cuộc khai quật đã phát hiện ra kim tự tháp bằng đá và bằng chứng về vụ phun trào TBJ. (Hình ảnh: A. Ichikawa)
Bản vẽ 3D của cấu trúc Campana, chỉ đến nơi diễn ra cuộc khai quật đã phát hiện ra kim tự tháp bằng đá và bằng chứng về vụ phun trào TBJ. (Hình ảnh: A. Ichikawa/UCB)

Lượng tro núi lửa được sử dụng để xây dựng kim tự tháp là con số đáng ngạc nhiên. Khoảng một thập kỷ trước, các nhà khảo cổ học của UCB và giáo sư Payson Sheets đã phát hiện ra tro núi lửa cũng được sử dụng để làm ra những "con đường đá" hay còn gọi là "con đường trắng" là các tuyến đường hành hương, các dấu hiệu kết nối chính trị, truyền tải các khái niệm về quyền lực và sự hòa nhập. Những con đường cùng người dân Cerén đã bị chôn vùi trong một vụ phun trào núi lửa vào khoảng năm 600 và được biết đến với cái tên "Pompeii của châu Mỹ".

Tuy nhiên, Campana là di tích đầu tiên được biết đến của người Maya sử dụng tro núi lửa làm vật liệu xây dựng và được coi là “có ý nghĩa về mặt tâm linh hay vũ trụ học”.

Thời cổ đại, các thảm họa núi lửa có khi làm sụp đổ hay suy tàn cả một nền văn minh. Chẳng hạn như, triều đại Ptolemaic ở Ai Cập (305 TCN đến 30 TCN) đã bị tiêu vong bởi một ngọn núi lửa. Khi núi lửa Alaska thức tỉnh và phun trào vào năm 43 TCN, đã đánh dấu sự kết thúc của Cộng hòa La Mã. Nhưng kim tự tháp Campana đã kể một câu chuyện khác, người Maya cổ đại kiên cường đã biến đống tro tàn của sự hủy diệt thành một kim tự tháp khổng lồ, Ichikawa cho biết.

Theo Live Science

May May biên dịch.



BÀI CHỌN LỌC

Kim tự tháp khổng lồ của người Maya được xây dựng từ tro bụi núi lửa