Kiểm duyệt Trung Quốc gây ra hậu họa toàn cầu, đại dịch virus Corona Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Cui Yongyuan có thể không phải là một cái tên quen thuộc ở phương Tây, nhưng cựu dẫn chương trình truyền hình nhà nước có đến gần 20 triệu người theo dõi trên Weibo, phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc...

Ông Cui là một trong những blogger có số người theo dõi cao nhất trên Weibo, nơi ông được biết đến với những bình luận xã hội và thổi còi. Nhưng năm ngoái, bài đăng của ông đã dừng lại. Vào tháng 5 năm nay, ông phát hiện ra rằng những bài đăng có tên nick là “Xiaocui” của ông cũng bị chặn.

Cùng tháng này, tài khoản của ông trên WeChat, nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất Trung Quốc với 1 tỷ người dùng hoạt động trên toàn thế giới, cũng bị đình chỉ vì lý do gian lận, theo ảnh chụp màn hình ông đăng trên Twitter.

Người dẫn chương trình và nhà sản xuất truyền hình Trung Quốc Cui Yongyuan đang tạo dáng tại xưởng của ông ở Bắc Kinh vào ngày 7/3/2017.
Người dẫn chương trình và nhà sản xuất truyền hình Trung Quốc Cui Yongyuan đang tạo dáng tại xưởng của ông ở Bắc Kinh vào ngày 7/3/2017. (Ảnh: FRED DUFOUR / AFP qua Getty Images)

Đề cập đến việc phải sử dụng phương tiện truyền thông xã hội phương Tây, ông viết trên Twitter vào ngày 15/5: “Tên tôi bị kiểm duyệt. Bạn [chính quyền] đang cố gắng buộc tôi sang phe bên kia phải không?”.

Ông Cui, giảng viên tại Đại học Truyền thông Trung Quốc ở Bắc Kinh, đã đăng các bài viết về sự bùng phát dịch bệnh Covid-19. Ông có thể là nạn nhân mới nhất của việc kiểm duyệt Trung Quốc và phải gia nhập hàng ngũ những người “di cư kỹ thuật số” - một thuật ngữ dành cho những người chuyển sang dùng các nền tảng truyền thông xã hội nước ngoài.

Người phát ngôn của WeChat đã từ chối bình luận về việc đóng tài khoản người dùng và kiểm duyệt nội dung. 3 email thắc mắc đã không được Weibo trả lời và công ty cũng không nhấc máy khi có một cuộc gọi điện thoại đến.

Ông Cui không trả lời một tin nhắn trên Twitter yêu cầu thêm thông tin.

Kiểm duyệt Trung Quốc

Ông Fu King-wa, phó giáo sư báo chí tại Đại học Hồng Kông, cho biết kiểm duyệt Trung Quốc không còn chỉ là vấn đề trong nước, bởi vì đại dịch Covid-19 cho thấy hậu quả quốc tế của việc bưng bít thông tin về các mối đe dọa kiểu như vậy.

Ông Fu, người đã điều hành dự án Weiboscope để theo dõi kiểm duyệt trên nền tảng kể từ năm 2011 cho biết: “Tại Trung Quốc, loại thông tin bị hạn chế đó thực sự có thể có ý nghĩa toàn cầu rất lớn”.

Ông nói: “Ở một quốc gia độc tài như Trung Quốc, thảo luận công khai về nhiều vấn đề quan trọng bị hạn chế, các phương tiện truyền thông bị nhà nước kiểm soát và các nhà báo độc lập thường bị bịt miệng”. Ông nói thêm rằng việc đưa ra những cảnh báo sớm trong một hệ thống như vậy là rất khó khăn.

Dự án Weiboscope hướng sự chú ý đến căn bệnh Covid-19, sàng lọc hơn 1,2 triệu bài đăng được rút ra từ ngân hàng của những người dùng được chọn ngẫu nhiên và các tài khoản cao cấp có chứa ít nhất một từ khóa liên quan đến virus Corona Vũ Hán.

Theo dữ liệu của ông Fu, khoảng 2.100 bài đăng đã được kiểm duyệt từ tháng 12 năm ngoái đến 27/2.

Theo một bài báo của ông Fu với đồng nghiệp Yuner Zhu xuất bản trên Journal of Risk Research vào tháng 4, kiểm duyệt không chỉ ngăn chặn ứng phó của người dân Trung Quốc mà còn khiến các phương tiện truyền thông toàn cầu cũng bị chậm trước dịch bệnh.

Theo Cơ quan Quản lý Không gian mạng của Trung Quốc, nước này có số lượng người dùng Internet cao nhất thế giới với hơn 854 triệu người vào năm 2019. Tuy nhiên, thế giới trực tuyến tại quốc gia này bị giới hạn trong cái gọi là “Vạn lý Tường lửa”, và mọi thứ từ sự chỉ trích của chính phủ đến nội dung khiêu dâm đều bị kiểm duyệt.

Các công ty công nghệ điều hành các nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc sử dụng hàng ngàn người để kiểm duyệt nội dung và phát triển thuật toán để ngăn chặn mọi thứ nhạy cảm được công bố hoặc nhanh chóng xóa nó. Trong khi đó, các trang web và nền tảng truyền thông xã hội nước ngoài như Twitter, YouTube và Facebook đều bị chặn tại đây.

Có thể phá vỡ bức tường kiểm duyệt bằng cách sử dụng mạng riêng ảo (VPN), một phần mềm che dấu vị trí mà người dùng đăng bài, nhưng việc sử dụng này được cho là bất hợp pháp nếu không có giấy phép và không có sẵn hợp pháp cho người dùng Apple và Android. Nhưng những người bán VPN có thể bị bỏ tù. Một người đàn ông đã bị tòa án Thượng Hải đưa ra bản án 3 năm tù vào năm 2018.

Bài báo trên Journal of Risk Research cũng cho biết đã có sự tăng đột biến trong kiểm duyệt trên Weibo khi những chỉ trích về chính quyền trung ương nổi lên.

Khoảng 19 trên 1.000 bài - 700 trên tổng số 37.226 bài đăng - đã bị xóa khi Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh của Trung Quốc xuất bản một bài báo trên New England Journal of Medicine vào ngày 29/1. Báo cáo này cho thấy các quan chức biết về việc Covid-19 có thể truyền từ người sang người sớm hơn so với công bố chính thức.

Bắc Kinh trước đây đã tuyên bố rằng không có bằng chứng nào về sự lây lan từ người sang người của bệnh. Vì vậy, “có rất nhiều người phàn nàn và phản ứng sau khi đọc bài báo đó”, ông Fu nói.

Bịt miệng, kiểm duyệt những người thổi còi

Tin tức về virus Corona Vũ Hán đã được công khai vào ngày 30/12/2019, sau khi ảnh chụp màn hình từ một nhóm trò chuyện của các bác sĩ cảnh báo về một bệnh hô hấp không xác định lan truyền trên mạng.

Cảnh sát đã khiển trách một số bác sĩ đã cố gắng gióng lên hồi chuông cảnh báo, bao gồm anh Li Wenliang, người sau đó đã chết vì căn bệnh này. Cái chết của anh đã khiến công chúng rất đau buồn và tức giận đối với chính quyền Trung Quốc. Ngoài ra, cái chết vào ngày 7/2 của anh Li cũng thúc đẩy một đợt kiểm duyệt khác khiến cho trung bình 3 trên 1.000 bài đăng - 117 trong tổng số 40,232 bài - liên quan đến chủ đề này bị xóa.

Các sinh viên Trung Quốc và những người ủng hộ tổ chức một đài tưởng niệm Tiến sĩ Li Wenliang, người thổi còi Covid-19, bên ngoài khuôn viên UCLA ở Westwood, California, ngày 15/2/2020.
Các sinh viên Trung Quốc và những người ủng hộ tổ chức một đài tưởng niệm Bác sĩ Li Wenliang, người thổi còi Covid-19, bên ngoài khuôn viên UCLA ở Westwood, California, ngày 15/2/2020. (Ảnh: Mark RALSTON / AFP qua Getty Images)

Các nhà báo độc lập cũng được coi là mục tiêu bịt miệng. Hai nhà báo công dân Chen Qiushi và Fang Bin mất tích vào tháng 2 sau khi đến Vũ Hán, thành phố trung tâm của vụ dịch Covid-19 ở Trung Quốc.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hồi tháng trước đã ước tính rằng nếu can thiệp mạnh mẽ đã được thực hiện chống lại Covid-19 ở Trung Quốc một tuần trước đó, các trường hợp có thể đã giảm đáng kể khoảng 66%.

Theo báo cáo của các nhà khoa học từ Trung Quốc, Hoa Kỳ và Anh, nếu Bắc Kinh hành động sớm hơn 3 tuần, vào đầu tháng 1, số trường hợp nhiễm Covid-19 ở nước này sẽ giảm 95%.

Ông Fu nói: “Cảnh báo sớm cho phép các chính phủ hành động sớm. Chúng tôi tìm thấy bằng chứng rằng các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội bao gồm các cảnh báo sớm cho công chúng đã bị kiểm duyệt, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của đại dịch”.

Bà Lin Yi, một người gốc Vũ Hán, là một người dùng trực tuyến đã thấy tài khoản Weibo của bà bị kiểm duyệt vì đăng thông tin liên quan đến Covid-19. Đầu tháng 1, bà đã dựa vào thông tin nhà nước để biết thông tin nhưng điều đó đã thay đổi sau khi Vũ Hán bị phong tỏa vào ngày 23/1.

Bà nói: “Chúng ta có thể thấy các phương tiện truyền thông chính thức đưa ra các tường thuật mâu thuẫn... Công chúng thực sự muốn tự do ngôn luận. Tại sao? Bởi vì chúng tôi muốn minh bạch trong thông tin chúng tôi nhận được. Sự minh bạch là rất quan trọng để chống lại dịch bệnh và cứu lấy cuộc sống của chính chúng ta”.

Sau khi bà Lin đăng lại nội dung về Li Wenliang, việc kêu gọi tự do ngôn luận và bài đăng từ những người khác tìm kiếm sự giúp đỡ, tài khoản Weibo của bà đã bị đình chỉ.

Bà nói: “Tôi thấy điều này cực kỳ khó mà chấp nhận được. Tôi không đăng bất kỳ bài phát biểu cực đoan nào. Tôi đã thất vọng. Tôi thấy hệ thống kiểm duyệt hiện tại rất nghiêm ngặt, đến mức xuyên tạc”.

Theo Weizen, một nhóm nghiên cứu của Đại học Toronto, WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất của Trung Quốc, đã kiểm duyệt 516 sự kết hợp từ khóa liên quan trực tiếp đến Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 1-15/2.

Trong số gần 200 sự kết hợp từ khóa bị kiểm duyệt đề cập đến các nhà lãnh đạo Trung Quốc và cách họ xử lý ổ dịch, phần lớn bao gồm tên, tiêu đề hoặc biệt danh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo báo cáo của Citizen Lab, 19 sự kết hợp từ khóa về bác sĩ Li Wenliang cũng bị kiểm duyệt.

Vào tháng 1, WeChat cho biết họ sẽ đình chỉ tạm thời hoặc vĩnh viễn các tài khoản mà lan truyền tin đồn về Covid-19 theo luật cấm truyền bá thông tin sai lệch liên quan đến thiên tai, dịch bệnh và các cuộc khủng hoảng khác.

Nhiều tài khoản bị buộc tội lan truyền tin đồn về Covid-19 đã bị đình chỉ vào tháng 2.

Ít nhất 345 người dùng đã đăng trên Weibo rằng tài khoản WeChat của họ đã bị đình chỉ mà không có lý do hợp lý. Các khiếu nại của họ đã trở thành một chủ đề được xem hơn 3 triệu lần trước khi bị xóa.

Phong trào phá vòng vây kiểm duyệt Trung Quốc

Việc đàn áp tiếng nói như vậy đã thúc đẩy một nhóm tình nguyện viên bắt đầu chiến dịch Escape WeChat, khuyến khích người dùng “di cư kỹ thuật số” và chuyển sang các nền tảng truyền thông xã hội nước ngoài.

Một tình nguyện viên cho biết, nhóm ban đầu dự định đề xuất luật để bảo vệ quyền tự do ngôn luận, “nhưng sau đó chúng tôi nhận ra rằng điều đó không thực tế và quá nhạy cảm”.

Một tình nguyện viên từ chối cung cấp tên vì sợ bị trả thù cho biết: “Vì vậy, chúng tôi đã có ý tưởng khuyến khích người dùng rời khỏi WeChat để cho việc nói ra có thể trở nên an toàn hơn”.

Escape WeChat đã xuất bản một bản tuyên ngôn vào tháng 2 để quảng bá cho chiến dịch của họ với nội dung: “Chúng tôi cần phải làm rõ rằng không có phương tiện truyền thông xã hội nào bên trong Vạn lý Tường lửa có thể cho phép chúng tôi tránh việc kiểm duyệt, xóa tài khoản và nội dung hoặc thậm chí gặp rắc rối với cơ quan thực thi pháp luật”.

Các nhà tổ chức của chiến dịch khuyến khích người dùng chuyển đến Telegram, một nền tảng nhắn tin nguồn gốc từ Nga, bị chặn ở Trung Quốc. Kênh Telegram họ thiết lập vào tháng 2 hiện có khoảng 1.870 người đăng ký.

Nhưng những nỗ lực như thế này phải đối mặt với các cuộc đàn áp ngày càng tăng từ chính quyền Trung Quốc.

Tháng trước, một nhóm thảo luận Telegram cho Escape WeChat đã ngừng hoạt động sau khi một số tình nguyện viên giúp bắt đầu sáng kiến về chiến dịch đã bị các nhân viên an ninh công cộng theo dõi.

Một tình nguyện viên nói: “Tôi đã từng nói đùa rằng Trung Quốc như Đức năm 1933. Nhưng mọi thứ gần đây đang xấu đi rất nhanh, tôi không thể nói đùa về điều này nữa”.

Văn Thiện

Theo SCMP



BÀI CHỌN LỌC

Kiểm duyệt Trung Quốc gây ra hậu họa toàn cầu, đại dịch virus Corona Vũ Hán