Khoa học khám phá ra những vật chất tạo nên cảm giác của tình yêu

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Hỏi thế gian tình là gì?” là câu hỏi nhân loại đau đáu tìm câu trả lời suốt bấy lâu. Và đến hôm nay, khoa học có thể cho bạn câu trả lời: Tình yêu rốt cục là gì mà khiến con người phải điên đảo?! Tình yêu có thể được giải thích bằng các phản ứng hóa học. 

Khi gặp một người bạn thấy hấp dẫn, hẳn ai cũng có các triệu chứng sau: lòng bàn tay đổ mồ hôi hoặc tim đập thình thịch?! Bạn tưởng rằng đó là phản ứng của trái tim, nhưng thực ra đó chính là phản ứng của não bộ.

Theo một nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi Tiến sĩ Helen Fisher tại Rutgers, tình yêu có thể được chia thành ba loại: ham muốn, hấp dẫn và gắn bó. Mỗi loại được đặc trưng bởi bộ hormone riêng bắt nguồn từ não. Như vậy cảm xúc cũng là do các loại vật chất cấu thành.

Chất tạo ra ham muốn

Sự ham muốn được thúc đẩy bởi mong muốn thỏa mãn tình dục, bắt nguồn từ nhu cầu sinh sản của con người, cũng là nhu cầu chung của các loài động vật.

Vùng dưới đồi của não đóng một vai trò lớn trong việc này, kích thích sản xuất hormone sinh dục testosterone và estrogen từ tinh hoàn và buồng trứng. Mặc dù những hóa chất này thường được định kiến là “nam” và “nữ”, nhưng cả hai đều có vai trò đối với cả hai giới. Hóa ra, testosterone (thường được nghĩ chỉ có ở nam) là chất làm tăng ham muốn ở cả hai giới. Tác động của estrogen ít rõ rệt hơn, nhưng một số phụ nữ cho biết họ có động lực tình dục nhiều hơn vào khoảng thời gian họ rụng trứng, khi mức estrogen cao nhất.

Chất tạo ra sự hấp dẫn

Hấp dẫn và ham muốn là hai phạm trù cảm xúc hoàn toàn độc lập vì các chất hóa học cấu thành nên từng trạng thái cảm xúc này khác nhau. Do đó, dù chúng ta có thể phát sinh ham muốn với người chúng ta cảm thấy hấp dẫn và ngược lại, nhưng từng trạng thái có thể xảy ra độc lập. Tức là, chúng ta có thể không có ham muốn tình dục với người mà ta cảm thấy hấp dẫn, hoặc quan hệ với người mà ta không cảm thấy hấp dẫn.

Sức hấp dẫn liên quan đến cách não bộ kiểm soát hành vi “khen thưởng”. Điều này giải thích một phần lý do tại sao vài tuần hoặc tháng đầu tiên của một mối quan hệ có thể cảm thấy rất phấn khích, thậm chí là mất hết sức lực.

Tất cả là do Dopamine tiết ra bởi vùng dưới đồi trong não bộ. Nó là một chất đặc biệt trong lộ trình ‘khen thưởng’ của não bộ, được giải phóng khi chúng ta làm những điều chúng ta cảm thấy tốt, như dành thời gian cho những người thân yêu và quan hệ tình dục.

Một lượng lớn Dopamine và một loại hormone liên quan - Norepinephrine, được giải phóng tạo nên cảm giác hấp dẫn. Những chất hóa học này khiến chúng ta trở nên ham chơi, tràn đầy năng lượng và hưng phấn, thậm chí dẫn đến giảm cảm giác thèm ăn và mất ngủ. Chúng chính là những hoạt chất khiến bạn thực sự có thể “yêu” đến mức quên ăn, quên ngủ.

Trên thực tế, norepinephrine, còn được gọi là noradrenalin, nghe có vẻ quen thuộc vì nó đóng một vai trò lớn trong phản ứng chiến đấu hoặc bay lượn, phát huy tác dụng cao khi chúng ta căng thẳng và giữ cho chúng ta tỉnh táo.

Hình ảnh quét não của những người đang yêu cho thấy các trung tâm "phần thưởng" chính của não bùng cháy như điên khi người ta xem một bức ảnh của người mà họ bị thu hút mãnh liệt so với khi họ xem ảnh của người mà họ cảm thấy trung lập (như một người quen cũ ở trường trung học).

Cuối cùng, sự hấp dẫn dường như dẫn đến giảm serotonin, một loại hormone liên quan đến sự thèm ăn và tâm trạng. Điều thú vị là những người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng có mức serotonin thấp. Nó khiến các nhà khoa học suy đoán rằng đây chính là nguyên nhân tạo nên sự mê đắm quá mức đặc trưng cho giai đoạn đầu của tình yêu.

Chất tạo sự gắn bó

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, sự gắn bó là yếu tố chính trong các mối quan hệ lâu dài.

Trong khi ham muốn và sự hấp dẫn dành cho các mối quan hệ lãng mạn, thì sự gắn bó tạo nên tình bạn, mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ sơ sinh, tình thân ái xã hội và nhiều sự thân mật khác. Hai hormone chính ở đây là oxytocin và vasopressin. Vì vậy Oxytocin thường được đặt biệt danh là “hormone âu yếm”.

Giống như dopamine, oxytocin được sản xuất bởi vùng dưới đồi và được giải phóng với số lượng lớn trong quá trình quan hệ tình dục, cho con bú và sinh con. Yếu tố chung ở đây là sự liên kết trực tiếp.

Như vậy các hoạt chất cấu thành khác nhau giải thích cho hiện tượng gắn bó, ham muốn và hấp dẫn là ba phạm trù riêng biệt. Chúng ta gắn bó với gia đình trực tiếp của mình, nhưng không có sự ham muốn hay hấp dẫn từ những người thân của mình.

Công thức hóa học của tình yêu

Tất cả những chất này là cơ sở để tìm ra công thức tình yêu. Đầu tiên, hormone được tiết ra, khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu, tiếp theo là các hormone liên quan tới “sự khen thưởng” và gần gũi, tạo nên sự gắn bó với người yêu. Nhưng tình yêu còn thường đi kèm với sự ghen tuông, hành vi thất thường, sự phi lý, cùng với một loạt các cảm xúc và tâm trạng kém tích cực khác. Hormone nào gây ra điều này? Câu trả lời chính là do nhóm hormone “thân thiện”.

Ví dụ, Dopamine là hormone chịu trách nhiệm cho phần lớn con đường ‘khen thưởng’ của não bộ, điều đó nghĩa là kiểm soát cả điều tốt và điều xấu. Tác động của Dopamine thể hiện rõ ràng nhất ở những người nghiện. Ví dụ, ở người nghiện cocain duy trì tín hiệu dopamine lâu hơn bình thường. Theo một cách nào đó, sự hấp dẫn cũng giống như sự nghiện ngập nhưng là đối với một con người.

Câu chuyện diễn ra tương tự đối với oxytocin: quá nhiều điều tốt cũng có thể trở thành xấu. Oxytocin là hormone đằng sau những hiệu ứng tạo cảm giác dễ chịu, hòa đồng khi nghiên cứu những người thích tiệc tùng. Trong trường hợp này, những cảm giác tích cực này bị coi là cực đoan, khiến người dùng tách rời khỏi môi trường của mình, hành động một cách ngông cuồng và liều lĩnh.

Hơn nữa, vai trò của oxytocin là hormone “liên kết” giúp củng cố những cảm xúc tích cực đối với những người chúng ta yêu thương, giúp chúng ta trở nên gắn bó hơn với gia đình, bạn bè. Oxytocin nhắc nhở chúng ta lý do tại sao thích ai đó và tăng tình cảm gắn bó với họ.

Nhưng mối liên hệ như vậy không phải lúc nào cũng tích cực. Ví dụ, oxytocin cũng được cho là đóng một vai trò trong chủ nghĩa dân tộc. Nó làm ta yêu mến những người trong các nhóm văn hóa đã được thiết lập, nhưng lại làm ta trở nên xa lạ với những người không giống mình. Vì vậy, giống như dopamine, oxytocin có thể là một con dao hai lưỡi.

Tóm lại, các trạng thái cảm xúc không đơn thuần là những điều chỉ thuộc về tinh thần. Nghiên cứu khoa học trên cho thấy, rõ ràng chúng được cấu thành bởi những vật chất hóa học. Tuy nhiên, cơ chế kiểm soát sự xuất hiện và vận động của những hóa chất trên vẫn còn là điều khoa học cần phải nghiên cứu tiếp.

Lê Na

Theo Havard

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Khoa học khám phá ra những vật chất tạo nên cảm giác của tình yêu