Khoa học đánh mất niềm tin của công chúng vì sự can thiệp chính trị quá lớn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ vấn đề biến đổi khí hậu đến đại dịch Covid-19, sự can thiệp của chính trị và tự mãn đã khiến các tổ chức khoa học xa rời tôn chỉ và phương pháp chân chính mà khoa học cần có. 

“Khoa học” đã trở thành một khẩu hiệu chính trị. “Tôi tin vào khoa học”, Joe Biden viết trên Twitter sáu ngày trước khi ông được tuyên bố thắng cử tổng thống.

Nhưng tin vào khoa học có nghĩa là gì? Nhà khoa học đồng thời cũng là thành viên Nghị viện Anh Matt Ridley đã phân biệt rõ ràng hai khái niệm “khoa học với tư cách là triết học” và “khoa học với tư cách là tổ chức”. Bài viết dưới đây chia sẻ quan điểm và góc nhìn của ông về vai trò của khoa học hiện đại trong bối cảnh dịch bệnh và thông tin đa chiều.

Khái niệm đầu tiên, “khoa học với tư cách là triết học”, được phát triển từ Thời kỳ Khai sáng, mà theo ông Ridley định nghĩa là "Ưu thế của lý luận khách quan và hợp lý”. Khái niệm còn lại, giống như các thể chế do con người lập nên, có tính chất thất thường, và thường không đạt được nguyên tắc đề ra. Ông Ridley nói rằng đại dịch Covid-19 đã “vạch trần sự khác biệt giữa khoa học với tư cách là triết học và khoa học với tư cách là một tổ chức”.

Nguồn gốc của Covid-19 bị né tránh

Cùng với nhà sinh học phân tử người Canada Alina Chan, ông đang hoàn thành cuốn sách nói về nguồn gốc của Covid-19, dự kiến sẽ được xuất bản vào tháng 11. Cuốn sách có thể khiến các tác giả không được chào đón ở Trung Quốc. Trong quá trình viết sách, ông chia sẻ rằng các nhà khoa học Trung Quốc “không được tự do giải thích và tiết lộ những thí nghiệm họ thực hiện với virus trên dơi”.

Những thông tin đó phải được công khai minh bạch và thảo luận tự do với các chuyên gia bên ngoài như ông và Alina Chan. Theo ông, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cho tất cả các nhà khoa học gửi kết quả liên quan đến virus để chính phủ phê duyệt trước khi các nhà khoa học khác hoặc các cơ quan quốc tế có thể kiểm chứng. Một cách thức kiểm duyệt đáng sợ đối với bệnh dịch đã và đang gây nên hàng triệu ca tử vong và tàn phá thế giới”.

Nếu Covid bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, và đặc biệt là nếu nó được phát triển từ phòng thí nghiệm, thì “khoa học chân chính phải đi đến cùng để tìm được câu trả lời”. (Ảnh minh họa: Pixabay)
Nếu Covid bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, và đặc biệt là nếu nó được phát triển từ phòng thí nghiệm, thì “khoa học chân chính phải đi đến cùng để tìm được câu trả lời”. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Ông Ridley lưu ý rằng câu hỏi về nguồn gốc của Covid "hầu hết đã được giải quyết bởi những người bên ngoài các tổ chức khoa học chính thống". Những người này không chỉ "thờ ơ đến mức đáng thất vọng" mà còn cố gắng đóng cửa cuộc điều tra "để bảo vệ danh tiếng của khoa học với tư cách là một tổ chức". Nếu Covid bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, và đặc biệt là nếu nó được phát triển từ phòng thí nghiệm, thì “khoa học chân chính phải đi đến cùng để tìm được câu trả lời”.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng như giới tinh hoa tri thức cũng sợ bị cho là phân biệt chủng tộc nên không dám phân tích sâu hơn. Đây là đặc điểm mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nắm được khi né tránh các câu hỏi về những hoạt động như “buôn bán động vật hoang dã để làm thực phẩm hoặc các thí nghiệm virus corona trên dơi ở thành phố Vũ Hán”.

Sự can thiệp của chính trị vào tư duy khoa học

Các nhà khoa học tạo nên một hiệp hội toàn cầu, và cộng đồng khoa học phương Tây đã “có mối quan hệ chặt chẽ, và thậm chí là phụ thuộc vào Trung Quốc”. Các tạp chí chuyên ngành có được “thu nhập và tư liệu đầu vào” đáng kể từ Trung Quốc, và các trường đại học phương Tây dựa vào sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc để thu học phí và nhân lực. Ông Ridley nói, tất cả những điều đó, “có thể phải thay đổi sau đại dịch”.

Ở Vương quốc Anh, ông cũng ghi nhận “xu hướng ngưỡng mộ Trung Quốc độc tài trong giới khoa học khiến một số người ngạc nhiên”. Còn bản thân ông không lấy làm ngạc nhiên. “Tôi đã quan sát trong nhiều năm”, ông chia sẻ, “bây giờ các nhà khoa học có cách tiếp cận từ trên xuống về thế giới chính trị, thật kỳ dị so với lối tiếp cận truyền thống từ dưới lên trên một cách tự nhiên”.

Ông hỏi: "Nếu bạn cho rằng các hình thái sinh học được hình thành một cách ngẫu nhiên mà không cần đến bàn tay thiết kế của một đấng cao cấp hơn, thì tại sao bạn lại nghĩ rằng xã hội loài người cần một 'chính phủ thông minh?"

Khoa học, với tư cách là một tổ chức, có “niềm tin ngây thơ rằng chỉ cần giao cho các nhà khoa học phụ trách, họ sẽ điều hành thế giới tốt đẹp”. Phải chăng đó là ý đồ của các chính trị gia khi họ tuyên bố “tin vào khoa học”? Như chúng ta đã thấy trong đại dịch, khoa học đã trở thành một nguồn sức mạnh.

Ông Ridley quan ngại rằng “ngay từ đầu, Đại dịch đã chính trị hóa vấn đề dịch tễ một cách nghiêm trọng". Một phần là "lỗi của các nhà bình luận bên ngoài", những người đã thúc đẩy các nhà khoa học theo xu hướng chính trị. “Tôi nghĩ đó cũng là lỗi của chính các nhà dịch tễ học, họ cố tình công bố những thứ phù hợp với định kiến chính trị hoặc phớt lờ những thứ không phù hợp”.

Một số nhà dịch tễ học ủng hộ phong tỏa và giãn cách xã hội, nhưng cũng có nhiều nhà khoa học cho rằng cách thức đó không hiệu quả và thậm chí phản tác dụng. Ông Ridley nghiêng về nhóm thứ hai, ông không quá quan tâm đến những trường hợp ở mức báo động dẫn đến phong tỏa. Ông nói: “Những khuôn mẫu khác nhau về đại dịch không hề liên quan đến chính trị. Nhưng có nhiều trường hợp các nhà dịch tễ học đưa ra đề xuất và khuôn mẫu dựa trên giả định khá cực đoan”.

Vấn đề biến đổi khí hậu

Về vấn đề biến đổi khí hậu, “đưa ra dự báo về một tương lai u ám khiến bạn dễ được chú ý hơn”. Ông Ridley nhắc đến Michael Crichton, tiểu thuyết gia về khoa học viễn tưởng. Sinh thời, ông Michael rất ghét cách người ta nói về hệ quả của các mô hình như thể chúng là “kết quả” của thí nghiệm. Những suy đoán hiện tại không thể coi là bằng chứng khoa học. Tư duy con người không nên hạn cuộc vào những mô hình hiện tại.

Khoa học nghiên cứu về khí hậu đã bị chính trị hóa từ rất lâu. “20 hoặc 30 năm trước”, ông Ridley cho hay, “bạn có thể nghiên cứu về kỷ băng hà và thảo luận về các lý thuyết cạnh tranh mà không bị ảnh hưởng bởi chính trị”. Bây giờ rất khó để thảo luận về chủ đề “mà không có người cố gắng giải thích nó qua lăng kính chính trị”. Về vấn đề biến đổi khí hậu, ông Ridley đồng ý rằng con người là tác nhân khiến trái đất nóng lên; nhưng ông cũng không theo quan điểm “thảm họa”, kêu gọi con người thay đổi hành vi và tiêu dùng. Thái độ của ông bị chỉ trích, và những người Anh theo xu hướng cánh tả phỉ báng ông là “kẻ phủ nhận”.

Khoa học nghiên cứu về khí hậu đã bị chính trị hóa từ rất lâu. (Ảnh minh họa: Pixabay)
Khoa học nghiên cứu về khí hậu đã bị chính trị hóa từ rất lâu. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Theo ông Ridley, khoa học về khí hậu cũng bị ảnh hưởng bởi văn hóa và chủ nghĩa hậu hiện đại. Đã từng có bài báo chỉ trích ngành nghiên cứu các sông băng và cho rằng những nghiên cứu này “không đủ tính nữ quyền”. Nữ quyền và nghiên cứu về sông băng có liên quan đến nhau? Nghe như chuyện đùa, nhưng thực tế là vào năm 2016, tạp chí Progress in Human Geography đã công bố bài viết “Glaciers, gender, and science: A feminist glaciology framework for global environmental change research” (Tạm dịch: Sông băng, giới tính và khoa học: Khung nghiên cứu về sông băng mang tính nữ quyền cho các nghiên cứu thay đổi môi trường toàn cầu).

Vấn đề tiêm vắc xin

Nếu bạn từ chối tiêm chủng Covid-19, ông Ridley sẽ “nhiệt thành nói” rằng đó là “nguy cơ ít hơn trong hai nguy cơ, ít nhất là đối với người lớn”. “Chúng tôi có dữ liệu phong phú để cho thấy điều đó, đối với loại vắc xin này và những loại khác, đã có từ nhiều thế kỷ trước”. Ông gọi tiêm chủng "có lẽ là lợi ích to lớn và đáng kinh ngạc nhất của kiến thức khoa học." Tuy nhiên, nó “vẫn gây nên cảm giác bất an về trực giác một cách khó hiểu” đối với con người, và đó là lý do việc ủng hộ tiêm chủng vẫn luôn gây tranh cãi qua nhiều thế kỷ.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, tiêm chủng cũng liên quan đến vấn đề “thông tin sai lệch” và áp lực của Nhà Trắng trong việc kiểm duyệt mạng xã hội. Nhưng ông Ridley lại lo lắng về thái cực ngược lại: chính mạng xã hội và phương tiện truyền thông lại đồng thuận với chính trị một cách lén lút, thông qua kiểm duyệt về từ khóa trên điện thoại và ứng dụng. Ví dụ điển hình là Facebook và Wikipedia từ lâu đã cấm mọi tiêu đề và bình luận về khả năng virus bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Thế nào là tư duy khoa học chân chính?

Ông Ridley nói: “Sự đồng thuận và thỏa hiệp là kẻ thù của tiến bộ khoa học, thứ vốn được xây dựng dựa trên ý kiến đa chiều, tranh luận và thách thức”. Ông giữ vững thái độ chỉ trích về quan niệm “khoa học như một nghề”, mà ông cho rằng “khoa học trở nên ngạo mạn và chính trị hóa một cách phiến diện, được thấm nhuần bởi lý luận có động cơ và thành kiến”. Ngày càng có nhiều nhà khoa học “dường như trở thành mồi ngon của tư duy nhóm”. Quá trình đánh giá (peer-review) và công bố tạo điều kiện cho những kẻ giáo điều ngăn cản những ý tưởng mới và tư duy cởi mở.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là một trường hợp cụ thể về khuôn mẫu giáo điều và kém hiệu quả. “Chúng tôi đã có hàng chục nhà khoa học phương Tây đến Trung Quốc vào tháng 2 cùng hợp tác với các nhà khoa học Trung Quốc dưới sự bảo trợ của WHO”. Tại cuộc họp báo sau đó, họ tuyên bố lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra”. Tổ chức cũng phớt lờ lời kêu cứu của người Đài Loan về Covid-19 vào tháng 1 năm 2020: “Chúng tôi đang phát hiện những dấu hiệu cho thấy đây là một bệnh lây truyền từ người sang người đe dọa một đại dịch. Xin hãy điều tra kỹ hơn”. Và WHO đã trả lời như thế nào? “Chúng tôi không được phép nói chuyện với người Đài Loan.”

Ridley nhấn mạnh rằng nhiệm vụ tiên quyết của WHO là dự đoán và ngăn chặn các đại dịch. Tuy nhiên, vào năm 2015, tổ chức đưa ra tuyên bố rằng mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người trong thế kỷ 21 là biến đổi khí hậu. “Bây giờ, tôi đã thấy rằng đó là một tổ chức không tập trung vào công việc của mình”.

Theo quan điểm của ông Ridley, các tổ chức khoa học luôn có xu hướng “biến thành nhà thờ, yêu cầu các thành viên tuân thủ đúng giáo điều và sẵn sàng trục xuất những kẻ dị giáo và báng bổ”. Những người tin vào khoa học như triết học, nghĩa là "giữ tư tưởng cởi mở và sẵn sàng thay đổi suy nghĩ của mình”, ngày càng bị ghẻ lạnh với quan điểm “khoa học như một tổ chức”.



BÀI CHỌN LỌC

Khoa học đánh mất niềm tin của công chúng vì sự can thiệp chính trị quá lớn