Khi nào thế giới có vắc-xin chống virus corona Vũ Hán?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thử nghiệm vắc-xin trên người sẽ bắt đầu vào tháng Tư, nhưng vẫn có nhiều rào cản trước khi có thể tiến hành tiêm chủng toàn cầu.

Các biện pháp chống dịch bệnh mạnh tay nhất cũng chỉ có thể làm chậm sự lây lan của virus corona Vũ Hán (Covid-19). Trong khi Covid-19 đã trở thành một đại dịch, mọi con mắt đang đổ dồn về việc sản xuất vắc-xin chống dịch.

Khoảng 35 công ty và tổ chức đang chạy đua để chế tạo một loại vắc-xin như vậy, ít nhất có 4 đơn vị đã thử nghiệm trên động vật. Sản phẩm đầu tiên - được sản xuất bởi công ty công nghệ sinh học Moderna có trụ sở tại Boston (Mỹ) - sẽ tham gia thử nghiệm trên người vào tháng Tư năm nay.

Virus corona đã gây ra hai dịch bệnh gần đây, đó là hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Sars) ở Trung Quốc vào năm 2002-2004 và hội chứng hô hấp Trung Đông (Mers), bắt đầu ở Ả Rập Saudi vào năm 2012. Trong cả hai trường hợp, việc sản xuất vắc-xin đều phải gác lại sau khi các ổ dịch đã được ngăn chặn.

Virus corona Vũ Hán có từ 80% đến 90% gen di truyền giống với loại virus gây ra dịch Sars. Khi vào trong cơ thể, virus này chiếm quyền điều khiển bộ máy sinh sản của tế bào để tạo ra nhiều bản sao của chính nó, trước khi nó thoát ra khỏi và giết chết tế bào.

Tất cả các vắc-xin có một nguyên tắc cơ bản như nhau. Chúng đưa vào một phần hoặc toàn bộ mầm bệnh cho hệ thống miễn dịch của con người, thường dưới dạng tiêm với liều thấp, để thúc đẩy hệ thống kháng thể đối với mầm bệnh. Kháng thể là một loại bộ nhớ miễn dịch, sau khi xuất hiện một lần, thì có thể nhanh chóng xuất hiện trở lại nếu người bệnh tiếp xúc với virus ở dạng tự nhiên.

Các thử nghiệm lâm sàng là điều kiện tiên quyết để phê duyệt vắc xin, và thường diễn ra theo ba giai đoạn.

  • Đầu tiên, cần vài chục tình nguyện viên khỏe mạnh, kiểm tra mức độ an toàn của vắc-xin, đồng thời theo dõi các tác dụng phụ.
  • Thứ hai thử nghiệm đến hàng trăm người, xem xét hiệu quả của vắc-xin.
  • Thứ ba, thử nghiệm như vậy với vài nghìn người.

Tại sao cần thử nghiệm 3 lần? Vì cần kiểm tra sự an toàn hoặc hiệu quả của vắc xin. Do đó, không thể bỏ qua các thử nghiệm lâm sàng.

Vì những lý do này mà việc hoàn thành một vắc-xin chính thức thường phải mất một thập kỷ trở lên.

"Giống như hầu hết các bác sĩ vắc-xin, tôi không nghĩ rằng vắc-xin này sẽ sẵn sàng trước 18 tháng," theo Annelies Wilder-Smith, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Luân Đôn. Đây đã là khoảng thời gian cực kỳ nhanh chóng.

Trong khi đó, một vấn đề lớn khác cũng xuất hiện. Ngay cả khi vắc-xin được phê duyệt, nó sẽ cần số lượng lớn - và nhiều tổ chức đơn giản là không có năng lực sản xuất. Phát triển vắc-xin cũng là một vấn đề rủi ro về mặt kinh doanh. Bởi vì đại dịch có xu hướng tấn công mạnh nhất vào những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe thiếu thốn, nên có sự mất cân bằng giữa nhu cầu và sức mua.

Giáo sư Annelies Wilder-Smith nói: "Một đại dịch có thể lên đỉnh điểm và suy giảm trước khi con người kịp sản xuất vắc-xin". Dù vậy, vắc-xin vẫn có thể cứu mạng nhiều người, nếu virus tái bùng phát hoặc ở quy mô địa phương, như bệnh cúm.

(Theo The Guardian)

Nguyễn Sơn

Khoa học


BÀI CHỌN LỌC

Khi nào thế giới có vắc-xin chống virus corona Vũ Hán?