Khảo cổ học dạy chúng ta phương thức canh tác lương thực bền vững

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phương pháp sản xuất lương thực đầy đủ dinh dưỡng mà không gây hại tới môi trường hoặc các khía cạnh có ích khác cho nhân loại là vô cùng cần thiết trong thời đại ngày nay. Một bài báo gần đây trên tạp chí World Archaeology (Khảo cổ học thế giới) khảo sát các hệ thống nông nghiệp trong quá khứ và đưa ra các giải pháp giúp cho nông nghiệp phát triển bền vững hơn.

Những gì chúng ta ăn có thể gây hại không chỉ cho sức khỏe của chúng ta, mà cả chính hành tinh này. Khoảng một phần tư lượng khí thải nhà kính mà con người tạo ra mỗi năm đến từ cách chúng ta sản xuất lương thực. Hầu hết trong số chúng là khí mêtan được giải phóng bởi gia súc, oxit nitơ từ phân bón hóa học và carbon dioxide từ việc phá hủy rừng để trồng trọt hoặc chăn nuôi.

Tất cả các khí này làm bầu khí quyển Trái đất đang ngày càng nóng lên. Những hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn làm phá hủy mùa màng và gián đoạn mùa sinh trưởng. Do đó, biến đổi khí hậu có thể tàn phá nguồn cung cấp thực phẩm. Điều này đặt ra những thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp, và sẽ tăng lên cùng với sự phát triển của dân số thế giới.

Báo cáo đặc biệt mới về khí hậu và đất đai của IPCC (Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu) cảnh báo rằng nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ trong sử dụng đất toàn cầu, nông nghiệp và chế độ ăn uống của con người, các nỗ lực kiềm chế khí thải nhà kính thì các mục tiêu để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 1,5°C sẽ thất bại hoàn toàn.

Một hệ thống sản xuất thực phẩm bổ dưỡng mà không gây hại cho môi trường hoặc các khía cạnh có ích khác cho chúng ta là vô cùng cần thiết. Nhưng liệu có thể sản xuất đủ lương thực để nuôi sống hàng tỷ người trong khi không làm giảm sự đa dạng sinh học và ô nhiễm?

Dưới đây là những điều tôi tin rằng các nhà khảo cổ và nhân chủng học khám phá ra có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề này.

Hệ thống kênh đào và ngô ở Nam Mỹ

Có một khoảng thời gian dài trong lịch sử các quần thể xã hội trên khắp thế giới đã thử nghiệm nhiều phương pháp sản xuất lương thực thực phẩm. Thông qua những phương pháp thành công và thất bại trong quá khứ, con người đã nhận thức được họ đã làm biến đổi môi trường bằng trồng trọt làm ảnh hưởng đến dinh dưỡng của đất trong hàng ngàn năm như thế nào.

Các tập quán nông nghiệp cổ xưa không phải luôn phù hợp với tự nhiên - có một số bằng chứng cho thấy những người nông dân đã phá hủy môi trường bằng việc tưới tiêu quá mức hoặc bất hợp lý khiến đất trở nên mặn hơn. Nhưng cũng có nhiều trường hợp trong đó các hệ thống trồng trọt trong quá khứ đã cải thiện chất lượng đất, tăng năng suất cây trồng và bảo vệ cây trồng chống lũ lụt và hạn hán.

Một ví dụ bắt nguồn từ thời tiền Inca ở Nam Mỹ và được sử dụng trong khoảng thời gian từ năm 300 trước Công nguyên đến 1400 sau Công nguyên. Hệ thống được biết đến ngày nay gọi là Waru Waru, bao gồm các lớp đất được nâng lên cao tới hai mét và rộng đến sáu mét, được bao quanh bởi các kênh nước tưới tiêu. Hệ thống này được phát hiện lần đầu tiên bởi các nhà nghiên cứu vào những năm 1960 xung quanh hồ Titicaca, những hệ thống đắp nổi này đã được sử dụng ở những vùng đất ngập nước và vùng cao của Bolivia và Peru trong những thập kỷ sau đó.

Kỹ thuật canh tác Waru Waru. (Ảnh: Wikipedia)

Các kênh đào này được sử dụng trong hệ thống canh tác Waru Waru làm cho sản xuất lương thực trở nên linh hoạt hơn với các điều kiện biến đổi khí hậu. Theo một blog về lịch sử phát triển chung của Peru.

Mặc dù có một số mùa vụ thất bại, nhưng phần lớn đã cho phép nông dân địa phương cải thiện năng suất cây trồng và độ phì nhiêu của đất mà không cần sử dụng hóa chất. So với các phương pháp canh tác đặc thù khác, những lớp đất được nâng lên sẽ trữ được nước trong thời gian hạn hán và thoát được nước khi có quá nhiều mưa. Điều này đảm bảo được lượng nước cho cây trồng quanh năm. Các kênh nước có tác dụng giữ nhiệt và làm tăng nhiệt độ không khí xung quanh các lớp đất thêm 1°C, bảo vệ cây trồng khỏi sương giá. Cá bơi đến các kênh cũng cung cấp thêm nguồn thức ăn.

Nghiên cứu vẫn đang tiếp tục, nhưng ngày nay các hệ thống Waru Waru này thường được sử dụng bởi những người nông dân trên khắp Nam Mỹ, bao gồm cả ở Llanos de Moxos, Bolivia - một trong những vùng đất ngập nước lớn nhất trên thế giới. Phương pháp canh tác Waru Waru cho thấy khả năng chống chịu tốt hơn trước lũ lụt và hạn hán ngày càng tăng do tác động biến đổi khí hậu. Họ vẫn có thể canh tác ở những vùng có môi trường suy thoái được coi là không phù hợp với cây trồng, giúp giảm bớt áp lực khai phá rừng nhiệt đới.

Kết hợp nuôi cá trên đồng ruộng để kiểm soát dịch hại ở châu Á

Độc canh là một phương pháp nông nghiệp quen thuộc đối với người dân ngày nay. Đó là những cánh đồng rộng lớn chuyên canh một loại cây trồng, được trồng trên quy mô lớn đảm bảo năng suất cao, dễ quản lý hơn. Nhưng phương pháp này cũng có thể làm suy giảm độ phì nhiêu của đất và làm hỏng môi trường sống tự nhiên và giảm đa dạng sinh học. Phân bón hóa học được sử dụng trong các trang trại này ngấm qua đất vào sông và đại dương. Thuốc trừ sâu giết chết sinh vật hoang dã và tạo ra sâu bệnh kháng thuốc.

Trồng nhiều loại cây thâm canh, nuôi các loài vật nuôi khác nhau và bảo tồn các môi trường sống khác nhau có thể là nguồn cung cấp thực phẩm bổ dưỡng nhiều hơn và tăng khả năng chống chịu trước những thiên tai thời tiết, đồng thời tạo thêm các nghề sinh sống và tái tạo đa dạng sinh học.

Điều đó dường như có rất nhiều điều phải cân nhắc, nhưng nhiều phương pháp cổ xưa đã được áp dụng để đạt được sự cân bằng này bằng các phương tiện khá đơn giản. Một số trong số chúng thậm chí còn được sử dụng ngày nay. Ở miền nam Trung Quốc, nông dân nuôi thêm cá vào ruộng lúa của họ theo phương pháp có từ thời nhà Hán (năm 25 - 220 sau Công nguyên).

Cá là một nguồn bổ sung protein, vì vậy hệ thống nuôi trồng này cung cấp được nhiều thực phẩm hơn là độc canh lúa. Và một lợi thế khác so với độc canh lúa là nông dân tiết kiệm được phân bón hóa học và tiết kiệm chi phí trong việc sử dụng thuốc trừ sâu - cá cung cấp khả năng kiểm soát dịch hại tự nhiên bằng cách ăn cỏ dại và các loài gây hại như rầy lúa.

Nghiên cứu trên khắp châu Á đã chỉ ra rằng so với các cánh đồng chỉ trồng lúa, nuôi cá kết hợp trồng lúa làm tăng năng suất lúa lên tới 20%, cho phép các gia đình tự đảm bảo lương thực và bán được nông sản dư thừa. Phương pháp nuôi cá kết hợp trồng lúa này rất thiết thực đối với các cánh đồng quy mô nhỏ, nhưng ngày nay, chúng ngày càng trở nên lỗi thời bởi các tổ chức thương mại lớn hơn muốn mở rộng các cánh đồng trồng lúa hoặc nuôi cá.

Có thể nuôi cá trong ruộng lúa có thể là một phương thức canh tác tốt. (Ảnh minh họa: Wikipedia)

Nuôi cá kết hợp trồng lúa có thể cung cấp thức ăn cho nhiều người hơn so với độc canh hiện tại đồng thời cũng sử dụng ít hóa chất nông nghiệp gây ô nhiễm nước và tạo ra khí thải nhà kính.

Thành công lâu dài của các phương pháp cổ xưa này nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có thể tái sử dụng lại toàn bộ hệ thống canh tác nông nghiệp của mình để cung cấp thực phẩm cho mười tỷ người bằng các phương pháp canh tác tự nhiên đồng thời hạn chế khí thải carbon. Thay vì tiếp tục chạy theo những tiến bộ khoa học kĩ thuật, chúng ta nên nhìn vào những thành tựu đã đạt được trong quá khứ và áp dụng chúng trong tương lai.

Kan Nguyễn (biên dịch)

Theo WEFORUM

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Khảo cổ học dạy chúng ta phương thức canh tác lương thực bền vững