Jeff Bezos tài trợ cho một phòng thí nghiệm để kéo dài tuổi thọ của mình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cựu CEO của Amazon, Jeff Bezos, đang cố gắng tìm cách kéo dài tuổi thọ của mình thông qua việc đầu tư vào một công ty khởi nghiệp mới chuyên tìm cách đảo ngược quá trình lão hóa, theo một báo cáo trên MIT Tech Review. 

Bezos, người đàn ông giàu nhất thế giới với giá trị tài sản khoảng 200 tỷ USD, là một trong số các nhà đầu tư vào Altos Labs, một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon chuyên về công nghệ giúp trẻ hóa tế bào và có khả năng kéo dài tuổi thọ. Yuri Milner, một tỷ phú công nghệ người Nga gốc Israel và là nhà sáng lập Giải Đột phá (Breakthrough Prize) trị giá 3 triệu USD, cũng là một nhà đầu tư của công ty khởi nghiệp này.

Theo MIT Tech Review, Altos Labs đang nghiên cứu cái gọi là công nghệ lập trình lại, một phương pháp hoàn nguyên các tế bào trưởng thành, chuyên biệt thành tế bào gốc, có khả năng biến thành bất kỳ loại tế bào nào.

Theo CBS News, các nhà khoa học cho biết công nghệ lập trình lại có tiềm năng lớn để điều trị chứng mất thị lực, chấn thương tủy sống, chấn thương não và các bệnh thoái hóa cơ thể do tuổi tác khác. Trong một nghiên cứu năm 2018, nhà hóa sinh học Juan Carlos Izpisua Belmonte của Viện Salk đã tuyên bố đây là " thần dược của cuộc sống" và nói rằng "lão hóa không phải là một quá trình không thể đảo ngược". Năm 2019, Izpisua Belmonte là thành viên của một nhóm nghiên cứu tại Trung Quốc để tạo ra loài lai giữa khỉ và người được gọi là chimeras. Việc này đã thu hút sự chỉ trích từ các nhà đạo đức y học

Giờ đây, Izpisua Belmonte sẽ gia nhập Altos Labs. Các nhà khoa học nổi tiếng khác cũng đang tham gia đội ngũ nhân viên của công ty khởi nghiệp, bao gồm Steve Horvath, một nhà di truyền học đến từ trường Đại học California đã phát triển một cách để phát hiện sự lão hóa của các tế bào từ phân tử đánh dấu. Shinya Yamanaka, người từng nhận giải Nobel cho công trình về công nghệ lập trình lại vào năm 2012 sẽ đứng đầu ban cố vấn của Altos Labs.

Ngăn chặn bệnh tật và kéo dài tuổi thọ dường như là mối quan tâm chính của Bezos. Trong lá thư gửi các cổ đông Amazon năm 2020, nhà sáng lập Amazon 57 tuổi đã trích dẫn rất nhiều từ nhà sinh vật học tiến hóa người Anh, Richard Dawkins, trong bài viết cho các nhà đầu tư của mình: "Cứu vãn cái chết là điều mà bạn phải nỗ lực. ... nếu các sinh vật sống không tích cực nghiên cứu để ngăn chặn nó, họ cuối cùng sẽ hợp nhất vào môi trường xung quanh và không còn tồn tại như những sinh vật tự chủ động. Đó là những gì sẽ xảy ra khi họ chết”.

Bezos kết luận trong lá thư cổ đông của mình: "Đừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ để vũ trụ cuốn bạn vào môi trường xung quanh bạn”.

Theo Bezos Expeditions, công ty đầu tư của Bezos, tỷ phú này cũng nắm giữ cổ phần trong một số công ty khởi nghiệp khác đang tiến hành nghiên cứu tế bào, bao gồm Nautilus Biotechnology, Sana Biotechnology, Denali Therapeutics và Juno Therapeutics (hiện là một phần của Bristol Myers Squibb).

Cùng với đồng sáng lập PayPal, tỷ phú Peter Thiel, Bezos cũng đã đầu tư vào Unity Biotechnology, một công ty khởi nghiệp phát triển công nghệ giúp trì hoãn sự lão hóa ở cấp độ tế bào.

Ngăn chặn cái chết là một dạng dự án phổ biến ở Thung lũng Silicon. Vào năm 2013, Google đã ra mắt Calico, một phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển để điều trị lão hóa. Một năm sau, Giải thưởng Trường thọ Palo Alto trao 1 triệu USD cho các nhà nghiên cứu có thể biến sinh vật già thành trẻ hoặc kéo dài tuổi thọ của sinh vật sống thêm 50%. Ngày nay, các nhà nghiên cứu từ 50 quốc gia có thể giành được khoảng 30 triệu đô la giải thưởng có sẵn thông qua thử thách "trường thọ khỏe mạnh" của Học viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ.

Theo New York Post, ông Nir Barzilai, Giám đốc Viện Nghiên cứu Lão hóa tại Đại học Y khoa Albert Einstein ở New York, dự kiến 4,5 tỷ USD sẽ đầu tư vào khoa học kéo dài tuổi thọ trong năm nay.

Văn Thiện

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Jeff Bezos tài trợ cho một phòng thí nghiệm để kéo dài tuổi thọ của mình