Trái đất từng có loài tê giác nặng hơn 20 tấn và cao hơn hươu cao cổ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà cổ sinh vật học đã khai quật được tàn tích của một loài tê giác khổng lồ mới ở tây bắc Trung Quốc. Họ ước tính rằng chúng sống ở châu Á khoảng 26,5 triệu năm trước, và với cân nặng lên đến hơn 20 tấn, đây chắc chắn là một trong những loài động vật có vú lớn nhất từng tồn tại trên cạn.

Các hóa thạch tìm được bao gồm một hộp sọ, xương hàm và một số đốt sống. Sau khi phân tích kỹ lưỡng, các nhà khoa học đã đặt tên cho loài mới là Paraceratherium linxiaense, loài thứ sáu của chi tê giác không sừng được phát hiện ở lục địa Âu-Á.

Thật khó để suy ra kích thước chính xác của loài tê giác này chỉ từ các hóa thạch thu được, nhưng các hóa thạch tê giác trong chi Paraceratherium khác cho thấy loài tê giác mới này có thể cao tới 26 feet (8 mét). Vai của nó cao hơn mặt đất tối đa 16 feet (4,8 mét), không bao gồm cổ dài gần 7 feet (2,1 mét) và đầu dài hơn 1 mét. Ngược lại, hươu cao cổ hiện đại chỉ cao 14-19 feet (4,3-5,8 mét) tính từ đầu đến mặt đất; con voi lớn nhất chỉ cao 13 feet (4 mét) và nặng khoảng 7 tấn.

Tuy nhiên, khối lượng của loài tê giác này mới là đặc điểm khiến nó nổi bật như một sinh vật khổng lồ sống trên cạn. Mặc dù việc thiếu các hóa thạch hoàn chỉnh khiến việc xác định khó khăn, các nhà khoa học vẫn ước tính được rằng khối lượng của nó có thể dao động từ 11 đến 22 tấn - tương đương với 3 đến 5 con voi châu Phi cộng lại.

Đánh giá từ hộp sọ hóa thạch thu được, các nhà nghiên cứu cho rằng Paraceratherium linxiaense có thể là loài tê giác khổng lồ lớn nhất trong chi của nó.

Những con tê giác khổng lồ này sống ở Trung và Tây Á vào cuối kỷ Oligocen khoảng 23 đến 34 triệu năm trước. Lãnh thổ của chúng trải dài từ Mông Cổ đến Pakistan. So với các hóa thạch tê giác khổng lồ khác được tìm thấy, loài mới được phát hiện có thân mũi tương đối ngắn và cổ dài, với hốc mũi sâu hơn.

Do loài này từng sinh sống ở khu vực kể trên, nên các nhà khoa học phỏng đoán rằng cách đây hàng chục triệu năm, cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng, nơi hiện nay có địa hình cao và khí hậu khô cằn, nên có địa hình thấp, khí hậu ẩm ướt, có rừng cây và đồng cỏ.

Những con tê giác này ăn cỏ và lá cây. Với kích thước to lớn của mình, chúng không có nhiều kẻ thù tự nhiên. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự tuyệt chủng của chúng có thể do biến đổi khí hậu và sự xuất hiện của các loài khác làm phá vỡ sự cân bằng của môi trường hoặc chuỗi thức ăn.

Nghiên cứu được công bố vào ngày 17/6 trên tạp chí mở Communications Biology.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Trái đất từng có loài tê giác nặng hơn 20 tấn và cao hơn hươu cao cổ