Hình ảnh đau lòng: Những chú voi Sri Lanka đang kiếm ăn trong bãi rác

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ô nhiễm rác thải nhựa từ lâu đã có tác động tiêu cực đến đời sống biển và giờ đây chúng ta có thể thấy ngày càng nhiều bằng chứng về tác động của nó đối với động vật trên cạn.

Theo Unilad, những bức ảnh về những chú voi ở Sri Lanka đang lục lọi và ăn những đống rác tại một bãi rác là một ví dụ sinh động cho thực trạng kể trên.

Loài voi thường di chuyển tới 30 km mỗi ngày để tìm thức ăn, nhưng những con voi Oluvhil Palakadhu này đã phải thay đổi hành vi của chúng để thích nghi với những thay đổi của môi trường.

Các hình ảnh được chụp bởi Tharmaplan Tilaxan, một nhiếp ảnh gia sống tại Jaffna, người đã theo dõi những con voi từ lâu và chọn ghi lại hành vi của chúng nhằm nâng cao nhận thức của con người về môi trường sống.

Tharmaplan nói về những gì anh quan sát được trong vài tháng qua: “Ở tỉnh phía đông, một đàn voi rừng đã có một thói quen kỳ lạ và đáng buồn: gần đây, người ta đã nhìn thấy những con voi này đang kiếm ăn trong các bãi rác. Bãi rác này nằm gần khu vực được gọi là 'Ashraf Nagar' cạnh khu rừng giáp ranh với khu vực Oluvil-Pallakadu ở quận Ampara”.

Kết quả là, những con voi này đang ăn phải vi nhựa và polythene, dẫn đến một lượng lớn chất ô nhiễm không tiêu hóa được tìm thấy trong phân của chúng. Theo Tharamaplan, một số ca mổ xác voi đã thu được sản phẩm nhựa và polythene không tiêu hóa trong dạ dày của chúng.

Anh Tharamaplan giải thích: “Đàn voi rừng với số lượng khoảng 25-30 con giờ đã quen với việc kiếm ăn quá gần với môi trường sống của con người. Chúng cũng bắt đầu xâm nhập vào các cánh đồng lúa gần đó và các ngôi làng để tìm kiếm thêm thức ăn. Điều này làm tăng thêm căng thẳng cho mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa dân làng và các loài động vật hoang dã”.

Anh nói tiếp: “Bất chấp một số cuộc thảo luận bàn tròn với các nhà chức trách đã đưa ra nhiều giải pháp, bao gồm cả việc xây dựng hàng rào gia cố xung quanh bãi rác, vẫn chưa có hành động nào được thực hiện để ngăn voi rừng Oluvil xâm nhập vào khu vực đô thị để tìm kiếm thức ăn, chủ yếu là ở bãi rác”.

Tharmaplan nói thêm: “Số lần bị thương của voi là lời kêu gọi tất cả các bên liên quan đoàn kết và đi đến một giải pháp giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt”.

Hy vọng rằng nỗ lực của anh ấy sẽ được đền đáp trong việc giúp đỡ những chú voi.

Mới tháng trước, những bức ảnh đau lòng cũng xuất hiện về hai con gấu Bắc Cực đang chơi trò kéo co với một chiếc túi nhựa mà chúng tìm thấy trong tuyết, trước khi ăn túi một cách ngon lành.

Những hình ảnh đáng lo ngại, được chụp bởi trưởng đoàn thám hiểm Bắc Cực Jens Wikström, từ Gothenberg, Thụy Điển, càng làm nổi bật mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của ô nhiễm nhựa và hậu quả đối với động vật hoang dã.

Ô nhiễm nhựa có thể ảnh hưởng đến đất đai, đường thủy và đại dương. Người ta ước tính rằng 1,1 đến 8,8 triệu tấn rác thải nhựa từ các cộng đồng ven biển đi vào đại dương mỗi năm. Các sinh vật sống, đặc biệt là động vật biển, có thể bị tổn hại do các tác động cơ học, chẳng hạn như vướng vào các đồ vật bằng nhựa, các vấn đề liên quan đến việc ăn phải chất thải nhựa hoặc do tiếp xúc với các hóa chất bên trong nhựa gây cản trở sinh lý của chúng. Ảnh hưởng đến con người bao gồm sự phá vỡ các cơ chế nội tiết tố khác nhau.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Hình ảnh đau lòng: Những chú voi Sri Lanka đang kiếm ăn trong bãi rác