Hệ sinh thái rừng Amazon bị đe dọa nghiêm trọng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những cánh rừng khổng lồ hồi sinh trở lại ở Amazon giúp thanh lọc bớt lượng carbon dioxide trong khí quyển, đang bị đe dọa bởi khủng hoảng khí hậu toàn cầu và các hoạt động của con người.

Những khu rừng tái sinh trở lại một cách tự nhiên trên mảnh đất từng bị phá rừng để làm đất nông nghiệp và bị bỏ hoang nay lại đang phát triển với tốc độ khác nhau. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bristol đã phát hiện rằng đất trồng từng bị lửa càn quét qua sẽ tác động tới tốc độ phát triển của cây, khiến chúng chậm phát triển hơn sau đó.

Các phát hiện đã được công bố 19/3 trên tạp chí Nature Communications, và cho rằng cần phải bảo vệ tốt hơn những khu rừng để giúp giảm thiểu tác động xấu của biến đổi khí hậu.

Các khu rừng trên toàn cầu ước tính là sẽ đóng góp một phần tư trong cam kết giảm thiểu biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris năm 2015. Nhiều quốc gia đã cam kết trong Bản Đóng góp Quốc gia (NDC) khôi phục và trồng lại hàng triệu ha đất rừng để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris đưa ra. Mãi cho tới gần đây, Brazil là một trong những quốc gia đó đã cam kết vào năm 2015 khôi phục và trồng lại 12 triệu ha rừng, xấp xỉ diện tích của nước Anh.

Một phần của việc tái trồng rừng này có thể đạt được thông qua sự tái sinh tự nhiên của các khu rừng thứ sinh, vốn đã chiếm khoảng 20% diện tích đất bị chặt phá ở Amazon. Người ta cũng hiểu được những khu rừng tái sinh trở lại có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường. Con người ước tính sẽ cải thiện vấn đề giảm nhẹ khí thải ra môi trường không khí trong thập kỷ tới mà Liên hợp quốc đã gọi là "Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái".

Viola Heinrich, tác giả chính và là nghiên cứu sinh tiến sĩ từ Trường Khoa học Địa lý tại Đại học Bristol, cho biết, "Kết quả của chúng tôi cho thấy yếu tố con người và khí hậu có ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc khôi phục những khu rừng này, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ và mở rộng diện tích rừng thứ sinh, bởi vì chúng có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu".

Hàng năm, rừng thứ sinh nhiệt đới mọc trên đất đã qua sử dụng có thể hấp thụ cacbon nhanh hơn 11 lần so với rừng già. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố thúc đẩy có thể ảnh hưởng đến các mô hình không gian của tỷ lệ mọc lại, chẳng hạn như khi đất rừng bị đốt cháy để làm nông nghiệp hoặc khi đám cháy ở nơi khác đã lan rộng.

Nghiên cứu được dẫn đầu bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Bristol và Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil (INPE) và bao gồm các nhà khoa học từ Đại học Cardiff và Exeter, Vương quốc Anh.

Tóm tắt sơ đồ một trang về các kết quả báo cáo.
Tóm tắt sơ đồ một trang về các kết quả báo cáo. Tín dụng: Viola Heinrich

Các nhà khoa học đã sử dụng kết hợp các hình ảnh thu được từ vệ tinh phát hiện những thay đổi về độ che phủ của rừng theo thời gian để xác định các khu vực rừng thứ sinh và tuổi của chúng cũng như dữ liệu trên vệ tinh có thể xác định lượng khí các-bon trên mặt đất, các yếu tố môi trường và hoạt động của con người.

Họ phát hiện ra rằng những xáo trộn như việc bị thiêu cháy và nạn phá rừng nhiều lần trước đó đã tác động làm giảm tỷ lệ mọc lại của cây từ 20% đến 55% trên các khu vực khác nhau của Amazon.

"Các xu hướng phục hồi mà chúng tôi phát triển trong nghiên cứu này sẽ hữu ích cho các nhà khoa học, nhà quản lý rừng và các nhà hoạch định chính sách, làm nổi bật những vùng có tiềm năng khôi phục mạnh nhất." Heinrich nói.

Nhóm nghiên cứu cũng tính toán đóng góp của Rừng thứ sinh Amazonian vào mục tiêu giảm phát thải ròng của Brazil và nhận thấy rằng bằng cách bảo tồn diện tích hiện tại, rừng thứ sinh có thể đóng góp 6% vào mục tiêu giảm phát thải ròng của Brazil. Tuy nhiên, giá trị này giảm nhanh chóng xuống dưới 1% nếu chỉ bảo tồn các khu rừng thứ sinh trên 20 năm tuổi.

Vào tháng 12 năm 2020, Brazil đã sửa đổi cam kết của mình (NDC) theo Thỏa thuận Paris, theo đó hiện không đề cập đến việc khôi phục 12 triệu ha rừng hoặc xóa bỏ nạn phá rừng bất hợp pháp như đã cam kết trong mục tiêu NDC ban đầu của Brazil vào năm 2015.

Đồng tác giả, Tiến sĩ Jo House, Đại học Bristol cho biết "Những phát hiện trong nghiên cứu của chúng tôi làm nổi bật tầm quan trọng của việc khôi phục rừng trong việc giảm thiểu khí thải cacbon và nhân tố con người gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc tái sinh những khu rừng này nếu chúng không được bảo vệ.

Trong thời gian tới là Hội nghị lần thứ 26 của các bên, đây là thời điểm mà các quốc gia nên nâng cao tầm quan trọng của khí hậu với việc bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái rừng, chứ không phải như Brazil đã hạ thấp vai trò của hệ sinh thái rừng".

Tiến sĩ Luiz Aragão, cũng là tác giả của Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia ở Brazil, nói thêm "Trên khắp các vùng nhiệt đới, một số khu vực có thể được sử dụng để trồng lại rừng nhằm loại bỏ CO2 khỏi khí quyển. Brazil là quốc gia có giải pháp dựa trên mô hình địa lý tự nhiên của khu vực, là quốc gia nhiệt đới có tiềm năng lớn nhất để thực hiện điều này, có thể tạo ra thu nhập cho chủ đất đồng thời thiết lập lại các dịch vụ của hệ sinh thái và đưa đất nước trở lại vị trí dẫn đầu toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu".

Các nhà nghiên cứu hiện sẽ tập trung vào việc áp dụng những phương pháp tiếp theo của họ để ước tính khả năng hồi phục của rừng thứ sinh trên khắp các vùng nhiệt đới.

Ngọc Mai

Theo Phys.org



BÀI CHỌN LỌC

Hệ sinh thái rừng Amazon bị đe dọa nghiêm trọng