‘Hành tinh số 9’ có thể tồn tại trong hệ Mặt trời, theo nghiên cứu mới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một hành tinh quay quanh một cặp sao cách xa chúng ta hơn 300 năm ánh sáng có thể cung cấp manh mối về sự tồn tại của “Hành tinh số 9” được cho là đang cư trú ở vùng rìa ngoài của hệ Mặt trời.

Các nhà khoa học từ Đại học California, Berkeley và Đài quan sát Nam Âu (ESO) ở Chile đã thực hiện các phép đo quỹ đạo hoàn chỉnh đầu tiên về một hành ngoại tinh giống Sao Mộc có quỹ đạo xa bất thường so với cặp sao chủ của nó và đĩa sao - đĩa bụi và mảnh vụn xung quanh cặp sao chủ.

Đĩa sao này tương tự như Vành đai Kuiper, một vành đai hình chiếc nhẫn gồm các vật thể băng giá nằm ngoài Sao Hải Vương. Hành tinh số 9 được cho là nằm xa bên ngoài vành đai này và trên một quỹ đạo kỳ lạ tương tự như ngoại hành tinh kể trên.

Trong khi vẫn chưa biết liệu Hành tinh số 9 có tồn tại hay không, các phép đo của các nhà nghiên cứu cho thấy những quỹ đạo kỳ lạ như vậy là có thể xảy ra.

Tác giả chính Meiji Nguyen thuộc Khoa Thiên văn tại UC Berkeley cho biết: “Hệ thống này tạo ra một sự so sánh có khả năng độc nhất vô nhị với hệ Mặt trời của chúng ta”.

Ông Nguyen nói thêm: “Ngoại hành tinh bị tách biệt rất xa khỏi các ngôi sao chủ của nó trên một quỹ đạo lệch tâm và rất lệch, giống như dự đoán về Hành tinh số 9”.

Nghiên cứu được công bố vào ngày 10/12 trên Astronomical Journal.

Làm thế nào ngoại hành tinh HD 106906 b nằm ở rìa sao chủ?

Ngoại hành tinh, có tên gọi là HD 106906 b, được phát hiện vào năm 2013 bằng Kính viễn vọng Magellan tại Đài quan sát Las Campanas ở Chile. Nó quay quanh một cặp sao trẻ, sáng ở khoảng cách hơn 730 lần khoảng cách Trái đất từ Mặt trời. Ở khoảng cách đó, thời gian hành tinh này hoàn thành một vòng quỹ đạo là khoảng 15.000 năm. Điều này khiến việc xác định toàn bộ quỹ đạo chuyển động của nó trở nên vô cùng khó khăn.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu thu được bằng Kính viễn vọng Không gian Hubble để tìm ra quỹ đạo độc đáo của ngoại hành tinh. Họ phát hiện ra rằng quỹ đạo của nó bị lệch, kéo dài và rất xa đĩa sao. Đĩa quỹ đạo của ngoại hành tinh cũng trông khác thường; nó không đối xứng giống như "bánh pizza". Theo các nhà nghiên cứu, hình dạng kỳ lạ này có thể là do lực hấp dẫn của hành tinh này.

Nhóm nghiên cứu cho rằng hành tinh này ban đầu gần hơn nhiều với các ngôi sao chủ của nó, chỉ khoảng 3 lần khoảng cách của Trái đất so với Mặt trời. Bởi vì các ngôi sao quay xung quanh nhau, chúng tạo ra các hiệu ứng hấp dẫn hỗn loạn đẩy hành tinh ra một quỹ đạo lệch tâm gần như đẩy nó vào không gian. Tuy nhiên, một ngôi sao bên ngoài hệ sao đã ổn định quỹ đạo của ngoại hành tinh và ngăn nó rời đi, theo các nhà nghiên cứu.

Hành tinh số 9?

Các sự kiện dẫn đến quỹ đạo kỳ lạ của HD 106906 b có thể tương tự như số phận của Hành tinh số 9. Hành tinh giả định này có thể đã hình thành bên trong hệ Mặt trời và bị đẩy ra ngoài bởi Sao Mộc. Các nghiên cứu trước đây cho thấy rằng hành tinh khí khổng lồ có thể đã đẩy một hành tinh khác trong hệ Mặt trời bên ngoài. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với Hành tinh số 9, nhưng các ngôi sao ngang qua ngoài hệ Mặt trời đã ổn định quỹ đạo của nó và khiến nó nằm ngoài vùng tác động của Sao Mộc và các hành tinh bên trong hệ Mặt trời.

Cho đến nay, chỉ có một bằng chứng cụ thể về Hành tinh số 9: một cụm các thiên thể nhỏ ngoài Sao Hải Vương di chuyển theo những quỹ đạo khác với phần còn lại của hệ Mặt trời. Các quỹ đạo bất thường của chúng cho thấy rằng chúng đã bị tác động bởi lực hút của một hành tinh khổng lồ mà hiện vẫn chưa thể nhìn thấy.

Văn Thiện

Theo Science.news



BÀI CHỌN LỌC

‘Hành tinh số 9’ có thể tồn tại trong hệ Mặt trời, theo nghiên cứu mới