‘Hạm đội’ tàu cá Trung Quốc đang làm hư hại các rạn san hô ở biển Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hàng loạt tàu cá Trung Quốc đã đổ chất thải và nước thải của con người trong nhiều năm ở khu vực tranh chấp ở Biển Đông, gây ra hiện tượng tảo nở hoa, làm hư hại các rạn san hô và đe dọa luồng cá, tạo ra sự bùng phát của thảm họa, một chuyên gia có trụ sở tại Mỹ cho biết hôm thứ Hai (12/7).

Liz Derr, người đứng đầu Công ty Simularity Inc., một công ty phần mềm về công nghệ trí tuệ nhân tạo đã phân tích hình ảnh vệ tinh cho biết: Các hình ảnh vệ tinh trong 5 năm qua cho thấy chất thải, nước thải của con người đã tích tụ và gây ra tảo ở một cụm đá ngầm ở khu vực Trường Sa như thế nào, nơi hàng trăm tàu cá Trung Quốc đã neo đậu theo từng đợt.

Chỉ riêng ngày 17/6, ít nhất 236 tàu cá của TQ đã được phát hiện trong đảo san hô Cụm Sinh Tồn, có tên quốc tế là Union Banks, bà cho biết tại một diễn đàn tin tức trực tuyến của Philippines về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ.

Derr nói: “Khi các con tàu không di chuyển, chất thải của con người sẽ tích tụ ngày càng nhiều. Trong khi hàng trăm con tàu đang neo đậu ở Trường Sa, thì chính là họ đang đổ nước thải thô lên các rạn san hô ở khu vực đó”.

Các quan chức Trung Quốc đã không phản ứng ngay lập tức với đánh giá của Derr về thiệt hại môi trường, nhưng trước đây họ nói rằng họ đã thực hiện các bước để bảo vệ nguồn khai thác thủy sản và môi trường ở Biển Đông. Ngoài Trung Quốc, các lực lượng của các nước khác cũng đã chiếm một số mỏm san hô ở Cụm Sinh Tồn. Philippines cũng tuyên bố chủ quyền ở đây, mặc dù lực lượng này không có mặt ở đảo san hô rộng lớn.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Eduardo Menez tại Manila cho biết những phát hiện này sẽ phải được các cơ quan chức năng của Philippines đánh giá và xác nhận trước khi đưa ra quyết định về việc có phản đối Trung Quốc hay không.

Derr nói: “Đây là một thảm họa lớn cho sự cân bằng sinh thái và chúng ta đã gần đến điểm không thể trở lại’’.

Bà cảnh báo rằng các đàn cá, bao gồm cả cá ngừ di cư, sinh sản trong các rạn san hô đang bị phá hủy và có thể khiến trữ lượng cá suy giảm đáng kể ở một khu vực xa bờ vốn là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng của khu vực.

Trong một động thái khác, quân đội Trung Quốc cho biết họ đã đuổi một tàu chiến Mỹ ra khỏi một khu vực tranh chấp khác trên Biển Đông vào thứ Hai sau khi Washington cảnh báo một cuộc tấn công vào Philippines có thể kích hoạt một hiệp ước phòng thủ chung.

Bắc Kinh khẳng định yêu sách của họ đối với các phần biển mà các chính phủ Đông Nam Á cũng tuyên bố chủ quyền. Điều này bác bỏ tuyên bố ủng hộ của chính quyền Biden hôm Chủ nhật đối với phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016 có lợi cho Philippines.

Chế độ cộng sản Trung Quốc ngày càng hung hăng trong việc thúc ép các yêu sách lãnh thổ của mình, điều này đang làm gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam và Philippines.

Vào tháng 3, các nhà chức trách Philippines đã phát hiện hơn 200 tàu cá Trung Quốc tại bãi đá ngầm Đá Ba Đầu (Whitsun), ngoại vi phía đông bắc của Cụm Sinh Tồn và yêu cầu Trung Quốc rút họ khỏi khu vực này. Chính quyền Trung Quốc đã phớt lờ yêu cầu trong nhiều tuần, trong khi tiếp tục khẳng định rạn san hô là lãnh thổ của chính họ.

Philippines lập luận rằng Rạn san hô Đá Ba Đầu (Whitsun) nằm trong một vùng biển được quốc tế công nhận, nơi nước này có độc quyền khai thác thủy sản, dầu, khí đốt và các nguồn tài nguyên biển khác. Họ trích dẫn phán quyết năm 2016 của tòa án quốc tế đã vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của chế độ Trung Quốc đối với đường thủy trên cơ sở lịch sử và nhất trí ủng hộ các quyền chủ quyền của Philippines đối với cái gọi là vùng đặc quyền kinh tế.

Vài trăm người biểu tình đã tổ chức một cuộc biểu tình náo nhiệt vào hôm thứ Hai trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila để đánh dấu kỷ niệm 5 năm của phán quyết, mà chế độ Trung Quốc đã phớt lờ và tiếp tục bất chấp. Những người biểu tình đã chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte, người đã nuôi dưỡng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh, vì việc mạnh mẽ từ chối yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết mang tính bước ngoặt.

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

‘Hạm đội’ tàu cá Trung Quốc đang làm hư hại các rạn san hô ở biển Đông