Giáo sư Trung Quốc nói Einstein đã đánh lừa thế giới, triết học Marx nên chỉ đường cho vật lý

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một giáo sư đại học Trung Quốc, người tuyên bố "lật đổ" thuyết tương đối của Albert Einstein, đã gây tranh cãi sau khi đề xuất nghiên cứu của ông được một sở giáo dục nước này đề cử giải thưởng khoa học.

Li Zifeng, giáo sư kỹ thuật dầu khí tại Đại học Yanshan ở Tần Hoàng Đảo, Hà Bắc, Trung Quốc đã đề xuất một nghiên cứu vật lý lý thuyết đề xuất rằng triết học, chẳng hạn như chủ nghĩa Marx, nên chỉ đường cho vật lý và được sử dụng để sửa chữa những “sai lầm” trong ngành này.

Đề xuất của ông Li là một trong 96 dự án được sở giáo dục tỉnh Hà Bắc đề cử cho giải thưởng khoa học tự nhiên vào đầu tháng 6/2021.

Theo South China Morning Post, đề xuất của ông Li, đã bị xóa khỏi trang web của văn phòng giáo dục, viết: “Giá trị khoa học của đề xuất này bao gồm lật đổ thuyết tương đối của Einstein vốn đã làm sai lệch ngành vật lý và nhân loại trong hiểu biết cơ bản về thế giới, và loại bỏ một trở ngại to lớn đối với sự phát triển lành mạnh của khoa học”.

Từ khi được Einstein đề xuất vào đầu những năm 1900, thuyết tương đối đã làm thay đổi vật lý và thiên văn học. Ứng dụng của lý thuyết này có thể được tìm thấy trong hoạt động của nhiều công nghệ mới, chẳng hạn như hệ thống định vị toàn cầu.

Li đã bị chế giễu trên mạng xã hội Trung Quốc sau khi đề xuất của ông được đề cử giải thưởng.

Ông cho biết nghiên cứu được ông đề xuất vẫn chưa bắt đầu và việc được đề cử giải thưởng chủ yếu là để “quảng bá sự thật”, có rất ít khả năng ông chiến thắng.

Có thể thấy, ngôn ngữ được sử dụng trong đề xuất của ông Li bắt nguồn từ thời Cách mạng Văn hóa. Thời đó, khi Chủ tịch Mao Trạch Đông mong muốn củng cố hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản và loại bỏ kẻ thù chính trị, Einstein đã là mục tiêu chỉ trích chính. Ước tính có khoảng 1,7 triệu người đã chết trong thập kỷ biến động bắt đầu vào năm 1966.

Năm 1968, Học viện Khoa học Trung Quốc thành lập một nhóm nghiên cứu Tư tưởng Mao Trạch Đông bao gồm hầu hết các quan chức, nhóm này mô tả thuyết tương đối của Einstein là "một trong những trở ngại lớn nhất ngăn cản sự phát triển của khoa học tự nhiên", theo một bài báo trên tờ China Youth Daily năm 2006.

Tuy nhiên, Fang Shimin, một học giả và nhà bình luận có trụ sở tại Hoa Kỳ, người đã vạch trần khoa học giả và các gian lận trong 20 năm, cho biết trường hợp của ông Li không giống với các vụ tấn công Einstein trong Cách mạng Văn hóa, một bên là đề xuất cá nhân và một bên là chiến dịch do nhà nước tài trợ.

Ông Fang nói: “Nhưng mục tiêu cơ bản của họ là giống nhau, đó là sử dụng chính trị để tấn công khoa học”.

Theo ông Fang, các nhà chức trách giáo dục Hà Bắc mới là những người đáng bị chỉ trích nhiều nhất về vụ việc.

Ông nói: “Thật vô lý khi sở giáo dục Hà Bắc đề cử loại 'nghiên cứu' này cho giải thưởng. Về cơ bản, nó khuyến khích và hỗ trợ khoa học giả”.

Nhà vật lý và nhà truyền thông khoa học Yuan Lanfeng, đến từ Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ở An Huy, cho biết ông đã từng chứng kiến nhiều “nhà khoa học dân sự” thúc đẩy những khám phá hoặc phát minh khoa học chưa được chứng minh. Ông nói, vấn đề lần này là một cơ quan chính phủ đã đề cử một đề xuất kiểu này cho một giải thưởng khoa học.

Ông Yuan viết trên Weibo, phiên bản Twitter của Trung Quốc: “Đối với tôi và những người bạn của tôi, chúng tôi có thể thấy ngay rằng đây là hành vi của một 'nhà khoa học dân sự' điển hình. Trong 100 năm qua, nhiều người đã nói rằng họ sẽ lật đổ thuyết tương đối, [Li] không phải là duy nhất”.

Ông nói thêm: “Tuy nhiên, điều khác biệt lần này là sự hỗ trợ từ một cơ quan chính phủ, nơi đã nâng một 'nhà khoa học dân sự' lên thành 'nhà khoa học quan liêu'. Sự sa sút này thực sự bi thảm và hài hước”.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Giáo sư Trung Quốc nói Einstein đã đánh lừa thế giới, triết học Marx nên chỉ đường cho vật lý