Giác quan thứ sáu: Khả năng cảm nhận từ trường của Trái đất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều động vật, đặc biệt là các động vật di cư như chim, có giác quan thứ sáu về từ tính giúp chúng có thể theo dõi đường bay dọc theo từ trường của Trái đất. Joe Kirschvink, nhà địa vật lý học thuộc Viện Công nghệ California (Caltech), tin rằng con người cũng có giác quan này, và ông đã đạt được một số kết quả trong việc chứng minh điều đó.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng động vật sẽ thay đổi hành vi của chúng nếu từ trường xung quanh chúng bị thay đổi. Điều này xác nhận giác quan thứ sáu từ tính ở động vật, nhưng cơ chế sinh học - cách mà nó thực sự hoạt động như thế nào - thì họ không rõ.

Một giả thuyết cho rằng các tế bào thụ thể có chứa magnetit (khoáng chất sắt từ) nên chúng có thể hoạt động như la bàn. Ông Kirschvink, nói với Science: “Thông thường, magnetit là thứ mà các nhà địa chất kỳ vọng tìm thấy trong đá lửa. Để tìm thấy nó ở một động vật là một sự bất thường về sinh hóa”. Magnetit cũng đã được tìm thấy ở người.

Chuyên môn của Kirschvink là đo từ trường trong đá, nhưng ông đã áp dụng kỹ năng của mình vào sinh học. Ông đã xuất bản một bài báo trên tạp chí Bioelectromagnetics Supplement vào năm 1992 về magnetit trong các mô của con người.

Science đã xuất bản một bài báo vào tháng 6 với lý thuyết của Kirschvink về khả năng cảm nhận từ tính của con người và các thí nghiệm; Kirschvink vẫn chưa hoàn thành nghiên cứu của mình và do đó nó vẫn chưa nhận được bình duyệt. Nhưng ông đã đạt được những tiến bộ đầy hứa hẹn.

Minh họa về từ trường Trái đất. (Ảnh: Peter Reid, The University of Edinburgh)

Các nhà nghiên cứu khác, chẳng hạn như Robin Baker, nhà sinh vật học tại Đại học Manchester, đã cố gắng chứng minh con người có khả năng cảm nhận từ tính. Baker dường như gần chứng minh được điều đó vào những năm 1970, các đối tượng thử nghiệm của ông có thể chỉ về hướng chính hoặc hướng đến một vị trí cụ thể sau khi bị quay vòng một cách mất phương hướng (và dường như một thanh nam châm đã tác động vào khả năng này, tức là đối tượng thử nghiệm có thể có cảm giác từ tính ).

Nhưng thí nghiệm của Baker và Kirschvink đều thất bại trong các lần lặp lại.

Từ đó, khả năng cảm nhận từ tính ở người trở thành một chủ đề nghiên cứu bị nhiều nhà khoa học kỳ thị. Nhưng Kirschvink đã không bỏ cuộc và tiếp tục các thử nghiệm của Baker.

Ông đã thêm các biện pháp bổ sung để phòng ngừa sai lệch, chẳng hạn như dùng thêm lồng Faraday để ngăn chặn nhiễu điện từ. Người ta đã chứng minh rằng nhiễu điện từ có thể cản trở khả năng cảm nhận từ tính của chim, do đó việc này có thể giải thích cho sự thất bại khi lặp lại các thí nghiệm của Baker.

Kirschvink đã ghi lại những thay đổi trong sóng não người để thích nghi với những thay đổi trong từ trường xung quanh. Các thí nghiệm của ông cho đến nay đã xác nhận rằng bộ não con người có phản ứng với những thay đổi trong từ trường, hỗ trợ cho lý thuyết về cảm nhận từ tính.

Văn Thiện (biên dịch)

Theo The Epoch Times

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Giác quan thứ sáu: Khả năng cảm nhận từ trường của Trái đất