Giả thuyết Gaia (2): Các vòng tròn bí ẩn tiết lộ "lớp da" của Trái đất?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giả thuyết Gaia là gì? Giả thuyết Gaia được đặt theo tên của nữ thần Trái đất theo văn hóa Hy Lạp cổ đại, lý thuyết này cho rằng hành tinh của chúng ta là một thực thể sống, đang thở và có thể tự điều chỉnh.

"Bản tính tự nhiên là Trí tuệ!". Nhiều người đã quen thuộc với cụm từ này, nhưng nó đúng như thế nào?

Nếu chúng ta tìm hiểu xu hướng của các giả thuyết khoa học ngày nay, và xem xét cái nào trong số chúng xóa nhòa ranh giới giữa vật lý hữu hình và thần bí, chúng ta sẽ thấy dẫn đầu trong số đó là Giả thuyết Gaia. Trong bốn thập kỷ qua ý tưởng về một "Trái đất là một thực thể sống" tiếp tục đưa ra những bằng chứng cụ thể, đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học từ các lĩnh vực khác nhau ngày càng nhiều hơn.

Trên các cánh đồng cỏ sa mạc cát ở Namibia, miền nam châu Phi xuất hiện vô số điểm trơ trụi dị thường, hình vòng tròn. Các vòng tròn này thường có đường kính từ 3 - 20 mét nằm xen kẽ giữa bạt ngàn cây bụi và cỏ ngắn. Giả thiết rằng số lượng tổng cộng của các vòng tròn trong khu vực tương đối ổn định, ông Walter Tschinkel – một nhà sinh vật học tại Đại học Florida (Mỹ) đã sử dụng các ảnh vệ tinh để xem mức độ phát triển của các vòng tròn từ khi bắt đầu xuất hiện tới lúc biến mất (cây cỏ mọc lại như xung quanh). Việc đó mang tới kết quả ước tính sơ bộ vòng đời của các vòng tròn, hầu hết chúng tồn tại trong khoảng 30 – 60 năm.

Đi tìm nguyên nhân xuất hiện các vòng tròn

Giới khoa học gọi đây là "những vòng tròn thần tiên" (fairy circle). Chuyên gia sinh học Stephan Getzin từ ĐH Göttingen (Đức) cho rằng những vòng tròn này là do loài mối, và cuộc chiến cạnh tranh nguồn nước khốc liệt giữa các bụi cây.

Các "vòng tròn tiên" kỳ lạ xuất hiện trên những cánh đồng cỏ sa mạc cát ở Namibia. (Ảnh: Wikipedia)

Nhưng khi đi tìm các bằng chứng rõ ràng hơn thì hóa ra mọi chuyện không phải đúng như vậy, Getzin và các cộng sự từ Israel và Úc đã xem xét hàng chục vòng tròn tại thị trấn Newman thuộc Tây Úc (Úc cũng có những vòng tròn thần tiên này). Họ đào 154 cái hố, trải dài 12 km.

Kết quả, họ nhận thấy nền đất có tỷ lệ đất sét tương tự với đất bên trong vòng tròn, đồng thời không thể tìm thấy con đường mối đào. Hay nói cách khác, loài mối không phải là thủ phạm ở đây.

Để chắc chắn hơn, họ sử dụng drone để đánh dấu từng khu vực trên bản đồ, xem những nơi nào thảm thực vật bị mối tấn công rõ ràng nhất.

"Khoảng cách giữa các mảng thực vật do mối gây ra chỉ bằng phân nửa so với các vòng tròn thần tiên" - Getzin cho biết.

"Về tổng thể, nghiên cứu cho thấy đúng là mối có thể xây tổ quanh khu vực có vòng tròn thần tiên, nhưng chúng hầu như không có liên quan đến sự hình thành các vòng tròn thần tiên đó".

Sự giống nhau trong phân bố giữa các vòng tròn thần tiên và các tế bào da người

Giáo sư Robert Sinclair, trưởng khoa Sinh - toán thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Okinawa (OIST) của Nhật cho rằng những mẫu hoa văn phân bố của các vòng tròn thần tiên được phát hiện rất giống mẫu hoa văn phân bố của tế bào da người, ông nói: "Đây là một sự trùng hợp hoàn toàn kỳ lạ và đáng kinh ngạc".

Các tế bào da (trái) và các vòng tròn thần tiên được phát hiện có kiểu hoa văn gần giống hệt nhau. (Ảnh: OIST)

Giáo sư Sinclair và cộng sự - Haozhe Zhang - tin rằng, họ đã nhận diện được một phần nhỏ nhưng quan trọng của vấn đề, bằng cách so sánh sự phân bố của các vòng tròn thần tiên với các tế bào da.

Theo tạp chí Ecological Complexity (Phức tạp sinh thái), nhóm của giáo sư Sinclair đã sử dụng ảnh chụp vệ tinh của các vòng tròn thần tiên và một máy tính để vẽ ra các đường phân chia giữa mỗi cặp vòng tròn, nhằm tạo cho chúng các giới hạn vô hình tương tự như vách tế bào. Máy tính sau đó đếm số lượng khu vực "láng giềng" bao quanh mỗi vòng tròn thần tiên.

Các chuyên gia sau đó sử dụng kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học khác, vốn cũng tính toán các khu vực láng giềng của tế bào da theo cách tương tự cách đây vài năm. Họ phát hiện, các kết quả gần như giống hệt nhau: phần lớn các tế bào da và các vòng tròn thần tiên đều có 6 "láng giềng". Và tỉ lệ các vòng tròn thần tiên có 4,5,6,7, 8 và 9 láng giềng, về cơ bản tương tự như ở các tế bào da.

Các chuyên gia cho biết, những mẫu hoa văn trên có cơ sở để giống nhau, đó là vì cả các tế bào da và các vòng tròn tiên đều đang đấu tranh giành không gian sống.

Ý tưởng Trái đất như một sinh vật sống cho đến nay vẫn thu hút được nhiều người hoài nghi hơn những người ủng hộ, nhưng tư duy của các nhà khoa học đang thay đổi khi nhiều bằng chứng tiếp tục xuất hiện.

Ánh Dương (sưu tầm)

Theo Theepochtimes/Dailymail/Vietnamnet/Cafef

Tài liệu tham khảo:

  1. https://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/cac-vong-tron-bi-an-tiet-lo-lop-da-cua-trai-dat-231148.html
  2. https://soha.vn/giai-ma-bi-an-nhung-vong-tron-ky-la-tren-sa-mac-o-chau-phi-20170127161602957.htm
  3. https://www.dailymail.co.uk/sciencetech/article-3160677/Will-mystery-Namibia-s-fairy-circles-solved-Stunning-images-reveal-astonishing-extent-baffling-grass-rings.html
  4. http://netnews.vn/Nhung-vong-tron-than-tien-day-bi-an-giua-sa-mac-khien-khoa-hoc-dau-dau-chuan-bi-co-mot-loi-giai-moi-chuyen-la-29-0-1871107.html
  5. http://cafebiz.vn/nhung-vong-tron-than-tien-day-bi-an-giua-sa-mac-khien-khoa-hoc-dau-dau-chuan-bi-co-mot-loi-giai-moi-20190223183331615.chn
  6. https://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/bi-an-nhung-vong-tron-tien-o-chau-phi-78364.html



BÀI CHỌN LỌC

Giả thuyết Gaia (2): Các vòng tròn bí ẩn tiết lộ "lớp da" của Trái đất?