Gần một nửa lượng rác thải nhựa trôi vào đại dương đến từ các con sông Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sông Dương Tử và năm con sông khác của Trung Quốc là những thủ phạm chính gây ô nhiễm rác thải nhựa ở đại dương. Chúng chiếm 3,8 triệu tấn trong số 8,8 triệu tấn nhựa toàn thế giới trôi vào các đại dương mỗi năm.

Rác thải nhựa là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường biển. Việc ô nhiễm này đang gây ra mối đe dọa ngày càng lớn cho hệ sinh thái. Do rác thải nhựa bao gồm chất dẻo và các “mảnh nhựa rất bé”, các sinh vật nhỏ như sinh vật phù du có thể nuốt phải chúng khi chúng trôi nổi trên đại dương. Những động vật ăn thịt lớn hơn cũng rơi vào tình trạng tương tự khi chúng ăn lại những sinh vật này.

Năm 1950, thế giới sản xuất ra 2,3 triệu tấn nhựa, đến năm 2015 số lượng nhựa đã tăng lên thành 450 triệu tấn. Khoảng 18% lượng nhựa không được xử lý đúng cách sau khi sử dụng. Các nhà nghiên cứu gọi đó là “rác thải nhựa bị xử lý sai cách”. Người ta ước tính rằng lượng chất thải nhựa bị xử lý sai cách sẽ tăng lên gấp ba lần, tức khoảng 170-292 triệu tấn, vào năm 2060.

Trung Quốc hiện đang thống trị ngành công nghiệp nhựa với sản lượng 143 triệu tấn, chiếm khoảng 29% thị phần nhựa toàn cầu. Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc cũng tái chế khoảng 70% lượng nhựa trên toàn cầu.

Gần hai phần ba lượng nhựa mới sản xuất sẽ được sử dụng cho mục đích thương mại. Trong đó, Trung Quốc sản xuất khoảng 50% tổng số bao bì nhựa có tuổi thọ khoảng sáu tháng.

Do không có lợi nhuận trong việc tái chế rác thải nhựa, phần lớn chúng sẽ được “tái chế bừa”. Theo một báo cáo điều tra của National Public Radio về việc xử lý rác thải nhựa ở Trung Quốc, họ đổ đi những chất thải không thể tái chế, gây ra ô nhiễm đất và nguồn nước.

Hiện tại, 8,8 triệu tấn rác thải nhựa đang trôi nổi trên khắp “những dòng chảy lớn nhỏ đổ ra biển”. Trong đó, những con sông lớn “đóng góp" đến 88-95% rác thải nhựa chảy vào các đại dương.

Hai công nhân dọn rác dọc theo bờ sông Dương Tử gần đập Tam Hiệp ở Nghi Xương, thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc vào ngày 1 tháng 8 năm 2010. (China Out / STR / AFP / Getty Images)

Sáu con sông của Trung Quốc đều nằm trong danh sách các con sông ô nhiễm hàng đầu thế giới, bao gồm Trường Giang, Hoàng Hà, Hải Hà, Châu Giang, Hắc Long Giang và sông Mê Kông. Chúng đổ vào các đại dương khoảng 3,8 triệu tấn rác thải nhựa, chiếm gần một nửa tổng lượng rác chảy vào đại dương. Chỉ riêng sông Dương Tử đã chiếm tới 1,6 triệu tấn rác thải nhựa.

Từ đầu năm 2017, chính quyền Trung Quốc bắt đầu xử lý mạnh tay vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Chính quyền cấm nhập khẩu gần như tất cả các loại rác thải vào giữa năm 2018. Động thái này đã giúp Trung Quốc giảm bớt 700.000 tấn rác thải nhựa nhập khẩu từ Hoa Kỳ mỗi năm.

Theo tờ Huffington Post, từ ngày 1 tháng 7 năm 2019, thành phố Thượng Hải đã tiến hành bắt buộc phân loại rác theo màu sắc của thùng rác: màu đen để rác “khô”, màu nâu để rác “ướt”, màu xanh da trời cho rác “có thể tái chế” và màu đỏ cho rác thải “độc hại”.

Trung Quốc chỉ tái chế khoảng 20 phần trăm rác thải của họ, trong khi con số này ở Hoa Kỳ là 35 phần trăm. Với mục tiêu tăng khối lượng rác thải được tái chế, Thượng Hải áp dụng chính sách phạt tiền 200 nhân dân tệ (khoảng 28 đô-la) mỗi lần cư dân vứt rác sai quy định trên.

Văn Thiện (biên dịch)

Theo Epochtimes

 



BÀI CHỌN LỌC

Gần một nửa lượng rác thải nhựa trôi vào đại dương đến từ các con sông Trung Quốc