Đợt tuyệt chủng hàng loạt thứ 6 của động vật hoang dã đang tăng tốc, các nhà khoa học cảnh báo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đợt tuyệt chủng hàng loạt thứ 6 của động vật hoang dã trên Trái đất đang gia tăng, theo một phân tích của các nhà khoa học cảnh báo, đây có thể là một điểm bùng phát cho sự sụp đổ của nền văn minh.

Phân tích cho thấy hơn 500 loài động vật trên cạn đang trên bờ vực tuyệt chủng và có khả năng bị xóa sổ hẳn trong vòng 20 năm tới. Số loài bị mất này tương đương với số lượng các loài đã bị mất trong toàn bộ thế kỷ trước.

Tất cả các sự mất mát này đều là do con người đang ra sức hủy diệt thiên nhiên bằng các hoạt động phá hủy rừng già, tận diệt thú hoang, mở rộng khu vực sinh sống của mình, xây dựng các công trình thủy điện hủy hoại môi trường tự nhiên, sử dụng phân bón hóa học mọi nơi, mọi lúc để thúc đẩy sự sinh trưởng của các loài cây trồng phục vụ nhu cầu không bờ bến của mình... Nếu không có những sự phá hủy đó thì tốc độ mất mát tương tự như thế này sẽ cần phải trải qua hàng ngàn năm, mà thậm chí sẽ lại có những loài mới sinh khác thay thế cho các loài bị tuyệt chủng một cách tự nhiên, các nhà khoa học cho biết.

Các loài động vật có xương sống trên mặt đất đang trên bờ vực tuyệt chủng, chỉ còn ít hơn 1.000 cá thể đang sinh sống và tồn tại trong tự nhiên, một số trong số các loài đó bao gồm tê giác Sumatra, wren Clarión (một loài chim thuộc họ khổng tước có giọng hót rất hay), rùa khổng lồ Española và ếch harlequin. Dữ liệu lịch sử cho đến nay đã ghi nhận 77 loài sắp tuyệt chủng và các nhà khoa học phát hiện ra chúng đã mất 94% số các cá thể trong loài của chúng.

Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo về hiệu ứng domino, với việc một loài bị tuyệt chủng thì cũng sẽ làm cho các loài khác phụ thuộc vào nó cũng sẽ tuyệt chủng theo. “Sự tuyệt chủng của loài này sẽ gây ra sự tuyệt chủng cho các loài khác’’, họ nói, và cũng lưu ý rằng không giống như các vấn đề môi trường khác, sự tuyệt chủng là không thể vãn hồi.

Các nhà khoa học cho biết, loài người dựa vào đa dạng sinh học để có được sức khỏe và phúc lợi của mình, đại dịch coronavirus là một ví dụ cực đoan về sự nguy hiểm của sự tàn phá thế giới tự nhiên. Dân số gia tăng, phá hủy môi trường sống, buôn bán động vật hoang dã, ô nhiễm và khủng hoảng khí hậu đều phải được giải quyết khẩn cấp.

Giáo sư Paul Ehrlich, thuộc Đại học Stanford ở Mỹ, và là một người trong nhóm nghiên cứu cho biết, “Khi loài người tiêu diệt các loài sinh vật khác, chính là họ đang cưa chân ghế mà họ đang ngồi, phá hủy các bộ phận đang hoạt động của hệ thống hỗ trợ sự sống của chúng ta. Việc bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng cần được nâng lên thành một trường hợp khẩn cấp toàn cầu cho các chính phủ và các tổ chức, tương đương với sự phá hoại khí hậu mà nó có liên kết với sự tuyệt chủng của các loại động vật’’.

Ếch Harlequin là một loài đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Ếch Harlequin là một loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. (Ảnh: Gerardo Ceballos / Đại học Mexico / PA)

Giáo sư Gerardo Ceballos thuộc Đại học Tự trị Quốc gia Mexico, người đứng đầu nghiên cứu cho biết, “Chúng ta đang đối mặt với cơ hội cuối cùng của mình để đảm bảo rằng thiên nhiên đang ưu đãi cung cấp nguồn sinh sống cho chúng ta không bị phá hoại một cách đáng tiếc’’.

Phân tích, được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science (tạm dịch: Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia), đã kiểm tra dữ liệu về 29.400 loài động vật có xương sống trên đất liền được liệt kê trong Danh sách đỏ các loài bị đe dọa và sự sống của các loài chim trên thế giới (Red List of Threatened Species and BirdLife International) của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Các nhà nghiên cứu đã xác định 515 loài có quần thể dưới 1.000 cá thể và khoảng một nửa trong số này có ít hơn 250 cá thể còn lại. Hầu hết các động vật thuộc danh sách này là các loài động vật có vú, chim, bò sát và lưỡng cư ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng có 388 loài động vật có xương sống trên cạn có quần thể dưới 5.000 cá thể và phần lớn (84%) trong số đó sống ở cùng khu vực với các loài có quần thể dưới 1.000 cá thể, tạo điều kiện cho hiệu ứng domino.

Các ví dụ về sự tuyệt chủng gây ra hiệu ứng domino là sự tuyệt chủng của loài khác được biết đến là sự săn bắt quá mức đối với rái cá biển, loài săn mồi chính của nhím biển ăn tảo bẹ. Sự bùng nổ của nhím tàn phá rừng tảo bẹ ở biển Bering, dẫn đến sự tuyệt chủng của loài bò biển Steller ăn tảo bẹ.

Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện của họ có thể hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên bằng cách gây chú ý tới các loài và khu vực đòi hỏi sự cấp cứu khẩn cấp nhất.

Giáo sư Andy Purvis, làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, và không tham gia vào phân tích mới này, cho biết: “Nghiên cứu này cung cấp một bằng chứng khác cho thấy cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học đang gia tăng. Vấn đề khó khăn nhất mà các nhà nghiên cứu gặp phải là chúng tôi không biết nhiều về lịch sử phân bố địa lý của các loài. Chúng tôi chỉ có thông tin rằng có 77 loài hiện đang trên bờ vực tuyệt chủng, và chúng tôi không thể biết chắc chắn được những loài đó có các đặc trưng cụ thể như thế nào’’.

Rùa khổng lồ Española đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Rùa khổng lồ Española đang bị đe dọa tuyệt chủng. (Ảnh: Gerardo Ceballos/Đại học Mexico/PA)

“Tuy nhiên, điều đó không làm suy yếu kết luận’’, ông nói. “Cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học là có thật và đang rất cấp bách. Nhưng - và đây là điểm cốt yếu - vẫn chưa quá muộn. Để chuyển sang một thế giới bền vững cùng tồn tại với tự nhiên, chúng ta cần bước những bước đi nhẹ nhàng hơn trên hành tinh này. Cho đến lúc đó, về cơ bản, hiện nay chúng ta đang cướp đi những những nguồn sinh sống của thế hệ tương lai của chính chúng ta’’.

Giáo sư Georgina Mace, Đại học College London, cho biết: “Từ phân tích mới này nhấn mạnh lại một lần nữa sự thật đáng kinh ngạc về mức độ suy giảm số lượng của các loài động vật có xương sống trên toàn thế giới bởi các hoạt động của con người’’. Nhưng bà cho biết rằng bà cũng không tin chắc chắn rằng với các cá thể còn lại chỉ dưới 1.000 cá thể đã phải là thước đo đúng đắn báo hiệu sự tuyệt chủng của một loài hay chưa. Một xu hướng giảm số lượng các cá thể trong một loài cũng rất quan trọng và cả hai yếu tố đều được sử dụng để làm căn cứ đưa vào Danh sách đỏ của IUCN, bà nói.

“Hành động của chúng ta để bảo vệ cuộc sống tự nhiên giữa các loài là rất quan trọng vì nhiều lý do, bởi vì ít nhất là chúng ta đang trực tiếp và gián tiếp bảo vệ và giữ gìn phần còn lại của cuộc sống trên trái đất này vì chính sức khỏe và phúc lợi của chính mình’’, bà nói. “Sự phá vỡ tự nhiên dẫn đến các hiệu ứng mất mát và thường khó cứu vớt lại được. Covid-19 là một ví dụ cực đoan hiện nay, nhưng còn có nhiều thứ tương tự như vậy đang chờ đợi nhận loại chúng ta ở phía trước nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì cuộc sống phá hoại môi trường sinh thái tự nhiên như chúng ta đã và đang làm cho đến nay’’.

Mark Wright, giám đốc khoa học tại Tổ chức Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), cho biết: “Những con số trong nghiên cứu này thật đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng. Nếu chúng ta ngăn chặn nạn phá rừng và tàn phá đất đai nghiêm trọng ở các quốc gia như Brazil, chúng ta có thể bắt đầu uốn cong đường cong mất mát đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Nhưng chúng ta cần toàn cầu cùng tham gia để thực hiện được điều đó’’.

Tôn trọng giá trị phổ quát để bảo vệ môi trường từ gốc

Để thay đổi hoàn toàn môi trường hiện tại của chúng ta và đưa nó trở lại trạng thái ban đầu, mọi người phải thay đổi căn bản các quan niệm đạo đức và hành vi sai lầm của mình, để có thể đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn đạo đức phổ quát.

Vậy tiêu chuẩn đạo đức phổ quát là gì? Trước tiên, hãy xem xét “đạo đức” là gì. Đạo đức bao gồm các quy tắc và quy định về hành vi của con người. Tiêu chuẩn đạo đức giống như quy luật của chín hành tinh quay quanh mặt trời. Chúng cũng là quy tắc của vũ trụ đối với con người mà con người phải tuân theo. Các quy luật đó chi phối các mối quan hệ giữa con người với nhau và giữa con người với môi trường. Quan niệm của mọi người về đạo đức có thể thay đổi khi xã hội phát triển, nhưng tiêu chuẩn đạo đức là phổ quát và không thể thay đổi. Chỉ khi con người làm mọi việc theo tiêu chuẩn đạo đức phổ quát này, môi trường xung quanh con người mới được cân bằng, nếu không sẽ có vấn đề. Nhiều nền văn minh đã bị hủy diệt trong lịch sử, và những sự hủy diệt này đều liên quan đến sự xuống cấp về đạo đức của con người.

Ánh Dương

Theo The Guardian



BÀI CHỌN LỌC

Đợt tuyệt chủng hàng loạt thứ 6 của động vật hoang dã đang tăng tốc, các nhà khoa học cảnh báo