Đón xem nhật thực 'vòng lửa' cuối cùng của năm 2019 xảy ra vào ngày 26/12

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn đã sẵn sàng cho nhật thực “vòng lửa” cuối cùng của năm 2019 chưa? Nhật thực cuối cùng của năm sẽ diễn ra vào hôm thứ Năm tuần này, sớm ngày 26 tháng 12 sau ngày Giáng sinh. Đây là một nhật thực hình khuyên bắc qua khu vực Ấn Độ Dương từ Trung Đông sang Tây Thái Bình Dương.

Nhật thực này xảy ra khi Mặt trăng tới gần apogee, điểm xa nhất trên quỹ đạo của nó so với Trái đất. Kết quả là Mặt trăng quá nhỏ để che khuất đĩa Mặt trời, dẫn đến hiện tượng nhật thực “hình khuyên” hoặc “vòng lửa”. Nhật thực hình khuyên cũng xuất hiện dưới dạng nhật thực một phần trên một khu vực rộng hàng nghìn km trên Trái đất.

Đường đi của nhật thực hình khuyên ngày 26 tháng 12. (Ảnh: Michael Zeiler)

Nhật thực bắt đầu từ lúc mặt trời mọc trên bán đảo Ả Rập, đi qua các quốc gia Ả Rập Saudi, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Ô-man trước khi vượt qua biển Ả Rập sang Ấn Độ và Sri Lanka. Từ đó, đường đi tiếp tục xuyên qua Vịnh Bengal đến Đông Nam Á, băng qua Indonesia, Malaysia và Singapore, trước khi kết thúc vào lúc hoàng hôn trên đảo Guam của Hoa Kỳ.

Việt Nam nằm trong khu vực quan sát được nhật thực một phần, tăng dần khi đi từ Bắc vào Nam. Địa điểm quan sát nhật thực một phần cực đại tại Việt Nam nằm tại Hòn Khoai (Cà Mau). Nhật thực sẽ xảy ra từ 10 giờ 44 phút đến khoảng 14 giờ 01 phút (giờ Hà Nội) ngày 26 tháng 12 năm 2019.

Một hình ảnh động cho nhật thực ngày 26 tháng 12. (Ảnh: NASA / GSFC / AT Sinclair)

Có một sự thật thú vị đó là do Mặt trăng đang dần rời xa khỏi Trái đất nên trong khoảng 600 triệu năm nữa chúng ta sẽ không còn thấy nhật thực toàn phần xảy ra nữa.

Nhật thực một phần cực đại xảy ra ở các địa điểm khác nhau. (Ảnh: Dave Dickinson / Stellarium)

Cách quan sát nhật thực

Thực ra, nhật thực hình khuyên chỉ là một loại nhật thực một phần đặc biệt, một vài phần trăm không bị che lấp của Mặt trời vẫn rất sáng, đủ để gây tổn thương cho mắt. Do đó bạn cần sử dụng loại kính bảo vệ thường dùng để xem nhật thực. Nếu bạn sử dụng kính viễn vọng thì bạn cần lắp thêm bộ lọc ở mặt trước của kính. Bạn phải chú ý luôn giám sát bộ lọc quang học vì nó có thể dễ dàng bị nóng quá mức, làm nóng chảy các bộ phận nhựa.

Hãy nhớ đeo kính bảo hộ khi xem hiện tượng nhật thực (Ảnh: NASA/Bill Ingalls)

Quan sát qua màn chắn lỗ kim cũng là một cách an toàn và dễ dàng để chiêm ngưỡng nhật thực. Ngoài ra, hiện tượng màn chắn lỗ kim cũng xảy ra trong tự nhiên qua các khoảng trống của lá cây.

Hình ảnh của nhật thực hình khuyên trên mặt đất. (Ảnh: Nils van der Burg/Wikipedia)

Chúc bạn sẽ có những giây phút tận hưởng thoải mái nhật thực “vòng lửa” cuối cùng của năm 2019.

Ảnh đầu bài: Kevin Baird/Flickr .

Văn Thiện (tổng hợp)

Tham khảo: universetoday, wikipedia, khampha, trithuc

 



BÀI CHỌN LỌC

Đón xem nhật thực 'vòng lửa' cuối cùng của năm 2019 xảy ra vào ngày 26/12