Đại dương mới đang hình thành ở châu Phi: theo các nhà địa chất học

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khu vực Afar của Etiopia, các mảng kiến tạo Arabian, Nubian và Somalia đang dần dần tách rời ra khỏi nhau, NBC News đưa tin, tạo ra một vết nứt lớn và sẽ từ từ hình thành một đại dương mới.

Trong một thời gian, các nhà khoa học đã nghi ngờ rằng các mảng kiến tạo lục địa đang được tách ra, nhưng những cải tiến mới về GPS đã giúp họ tìm ra chính xác những gì đang xảy ra bên dưới bề mặt Trái đất.

Sự tách đôi lục địa châu Phi

Tại một trong những nơi nóng nhất trên Trái đất, dọc theo một vùng đất khô cằn của khu vực Afar của Đông Phi, nơi sâu dưới lòng đất, lục địa đang tách ra.

Sự mở rộng có tính phá hủy này nằm trên đỉnh của ba mảng kiến tạo đang dần dần tách ra khỏi nhau, một quá trình địa chất phức tạp mà các nhà khoa học cho biết cuối cùng sẽ tách châu Phi thành hai và tạo ra một lưu vực đại dương mới trong hàng triệu năm tới, kể từ bây giờ. Cho đến nay, bằng chứng rõ ràng nhất là một vết nứt dài 56km (35 dặm) trên sa mạc Ethiopia.

Trong khoảng từ 5 đến 10 triệu năm tới, các mảng kiến tạo hình thành nên châu Phi có khả năng bị tách rời đến mức cuối cùng nó sẽ chia đôi lục địa này thành hai phần.

Cơ hội nghiên cứu sự tách rời lục địa

Định mệnh kiến tạo của lục địa châu Phi đã được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ, nhưng các phép đo vệ tinh mới đang giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về quá trình chuyển đổi và đang cung cấp các công cụ có giá trị để nghiên cứu sự ra đời dần dần của một đại dương mới tại một trong những điểm độc nhất về địa chất trên hành tinh.

“Đây là nơi duy nhất trên Trái đất mà chúng ta có thể nghiên cứu làm thế nào lục địa lại có thể bị rạn nứt, tách rời và tạo ra đại dương’’, theo nghiên cứu sinh tiến sĩ Christopher Moore tại Đại học Leeds ở Vương quốc Anh, người đã sử dụng radar vệ tinh để theo dõi hoạt động của núi lửa ở Đông Phi có liên quan đến việc chia cắt lục địa này.

Lớp vỏ Trái đất được tạo thành từ hàng chục các mảng kiến tạo lớn, có hình dạng không đều, các mảng kiến tạo liên tục va đập vào nhau, trượt qua, trượt xuống hoặc tách rời ra khỏi nhau.

Trong 30 triệu năm qua, mảng kiến tạo Ả Rập đã tách rời khỏi Châu Phi, một quá trình tạo ra Biển Đỏ và Vịnh Aden giữa hai vùng đất. Nhưng mảng kiến tạo Somalia ở phía đông châu Phi cũng nằm cách xa mảng Nubian, tách ra dọc theo Thung lũng Đông Phi, kéo dài qua Ethiopia và Kenya.

Nhưng vẫn còn một số ẩn số lớn, bao gồm cả nguyên nhân khiến lục địa này rạn nứt. Một số nhà khoa học cho rằng một khối đá khổng lồ quá nóng đang mở rộng lên từ lớp phủ bên dưới Đông Phi có thể đã thúc đẩy sự rạn nứt lục địa của khu vực này.

“Trong những năm gần đây, các thiết bị GPS đã cách mạng hóa lĩnh vực nghiên cứu này, cho phép các nhà khoa học thực hiện các phép đo chính xác về cách mặt đất dịch chuyển theo thời gian’’, Ken Macdonald, nhà địa vật lý biển và giáo sư danh dự tại Đại học California nói.

Nghiên cứu thực địa

Các quan sát vệ tinh chi tiết kết hợp với nghiên cứu thực địa bổ sung cũng có thể giúp các nhà khoa học ghép lại những gì đang diễn ra dưới lòng đất ở khu vực Afar. Nhưng nếu khu vực này là một phòng thí nghiệm sống để nghiên cứu rạn nứt lục địa, thì môi trường không làm cho nó trở nên dễ dàng.

Cynthia Ebinger, nhà địa vật lý tại Đại học Tulane ở New Orleans, người đã thực hiện nhiều chiến dịch nghiên cứu thực địa ở khu vực Afar nói “Afar là một thị trấn nóng nhất trên Trái đất mà có người sinh sống. Nhiệt độ ban ngày thường lên tới 54 độ C và chúng hạ nhiệt xuống 35 độ C vào ban đêm’’.

Một số nghiên cứu của Ebinger trên lĩnh vực này tập trung vào một vết nứt khổng lồ dài 65km (35 dặm) mở ra ở sa mạc Ethiopia năm 2005. “Sự chia rẽ dữ dội trong vài ngày tương đương với vài trăm năm dịch chuyển mảng kiến tạo’’, cô nói.

Kể từ đó, công việc của Ebinger đã tập trung vào những gì gây ra những sự kiện cực đoan này. Nghiên cứu của cô cho thấy rằng quá trình rạn nứt không phải lúc nào cũng suôn sẻ và ổn định nhưng đôi khi có thể được xác định bằng những cú giật mạnh trong quá trình rạn nứt của nó.

Nhà địa vật lý học Ebinger cho rằng áp lực tích lũy từ magma đang tăng có thể gây ra các sự kiện bùng nổ được thấy ở khu vực Afar. Theo thời gian, những sự kiện rạn nứt này sẽ định hình lại lục địa châu Phi.

“Vùng vịnh Aden và Biển Đỏ sẽ tràn vào khu vực Afar và vào Thung lũng Đông Phi và trở thành một đại dương mới, và một phần của Đông Phi sẽ trở thành lục địa nhỏ riêng biệt của nó’’, ông Macdonald nói.

Ba mảng kiến tạo được tách ra ở tốc độ khác nhau. Các mảng Ả Rập đang di chuyển ra khỏi châu Phi với tốc độ khoảng 25mm (1 inch) mỗi năm, trong khi hai mảng châu Phi đang tách ra thậm chí chậm hơn, từ 12mm (0,5 inch) đến 5mm (0,2 inch) mỗi năm’’, theo ông Macdonald..

Quá trình rạn nứt có thể đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy quá trình chuyển đổi này đang diễn ra. Khi các mảng kiến tạo tách ra, vật chất từ sâu bên trong Trái đất di chuyển lên bề mặt và tạo thành lớp vỏ đại dương mới.

“Chúng tôi có thể thấy rằng lớp vỏ đại dương đang bắt đầu hình thành, bởi vì nó khác biệt rõ rệt với lớp vỏ lục địa về thành phần và mật độ của nó’’, tiến sĩ Moore nói.

Ánh Dương

Theo Futurism/NBC



BÀI CHỌN LỌC

Đại dương mới đang hình thành ở châu Phi: theo các nhà địa chất học