Cựu quan chức Trung Quốc từng điều hành chính sách nội dung của TikTok

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cựu quan chức chính phủ Trung Quốc từng chịu trách nhiệm quyết định nội dung nào được phép xuất hiện trên TikTok, theo hai người thân cận với công ty.

Theo Financial Times, hồ sơ LinkedIn hiện đã bị xóa của Cai Zheng tiết lộ rằng ông này từng làm việc tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Tehran trong vòng 4 năm, và đã điều hành nhóm xây dựng chính sách nội dung toàn cầu của ByteDance tại Bắc Kinh đến đầu năm nay - thời điểm công ty đã để các thị trường lớn tự quyết định về những video nào nên được gỡ bỏ.

Nhóm của Cai có nhiệm vụ viết hướng dẫn về việc những video nào được chấp nhận trên TikTok và các ứng dụng quốc tế khác bao gồm Helo và Vigo Video.

Tiết lộ về việc ông Cai điều hành nhóm hoạch định chính sách của TikTok làm dấy lên nghi ngờ rằng ByteDance, chủ sở hữu ứng dụng có trụ sở tại Bắc Kinh, có thể đã chịu ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc.

Trước đó vào tháng 9 năm ngoái, các tài liệu bị rò rỉ trên The Guardian và được những người thân cận với công ty xác nhận rằng TikTok cấm các video về nền độc lập của Tây Tạng và Đài Loan, vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn và tội ác với học viên Pháp Luân Công.

Ông Cai gia nhập ByteDance vào năm 2018, thời điểm công ty đang bị Bắc Kinh giám sát gắt gao về các video trên ứng dụng tương tự TikTok dành cho thị trường Trung Quốc, Douyin. Sức ép từ chính quyền buộc giám đốc điều hành Zhang Yiming phải đưa ra lời xin lỗi và xích lại gần hơn với đường lối của Bắc Kinh.

Theo những người thân cận với công ty, ông Cai không phải là một người theo ý thức hệ cộng sản, nhưng nền tảng và đào tạo trong nước có thể đã ảnh hưởng đến cách ông và một nhóm các nhà phân tích chính sách trẻ, chủ yếu là người Trung Quốc, thực hiện một chiến lược để loại bỏ nội dung gây tranh cãi.

Trong thời gian làm việc của Zheng, TikTok bị cáo buộc loại bỏ các video nhạy cảm với Bắc Kinh, trong đó có một video của một cô gái tuổi teen người Mỹ nói về việc người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị bỏ tù hàng loạt ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Công ty đã phủ nhận việc làm của mình và cho biết video của cô gái bị xóa do nhầm lẫn.

Người phát ngôn của TikTok nói với Financial Times: “Cai Zheng không tham gia vào việc phát triển các chính sách... vì chúng có trước lúc ông vào làm việc tại công ty. Ông ấy từng làm việc với các nhóm địa phương và khu vực đang phát triển để bản địa hóa các chính sách về nội dung ban đầu”.

FT đã không thể liên hệ với Cai để yêu cầu bình luận.

Một người thân cận cho biết, TikTok hiện đã giao trách nhiệm xây dựng chính sách nội dung và kiểm duyệt video cho trung tâm ở Los Angeles, cũng như ở Dublin, Singapore và Thung lũng Silicon. Người đứng đầu các trung tâm này sẽ báo cáo với một người đứng đầu về chính sách nội dung tại Bắc Kinh, một phụ nữ Trung Quốc với bút danh Yuyi F.

Ông Cai đã rời bỏ vị trí xây dựng chính sách nội dung của TikTok vào đầu tháng Giêng, và vai trò này kể từ đó vẫn chưa có người thay thế.

ByteDance giải thích rằng họ không xem xét vai trò trước đây trong khu vực công để tuyển dụng Zheng và công ty cũng không có cuộc trao đổi nào với chính phủ trong quá trình tuyển dụng. Khi TikTok chuyển việc xây dựng chính sách cho các trung tâm của công ty, Zheng đã quyết định chuyển sang nhóm phát triển game.

Những người gần gũi với tình hình cho biết, mặc dù chính sách và kiểm duyệt nội dung hiện được giao cho các trung tâm địa phương trên toàn thế giới, các kỹ sư của ByteDance vẫn đang xây dựng các tính năng như hashtag hoặc viết thuật toán chọn video nào được hiển thị chủ yếu phục vụ người dùng ở Bắc Kinh và Thượng Hải.

Do đó, các nhân viên TikTok Hoa Kỳ kiểm duyệt nội dung chính trị xung quanh cuộc bầu cử Hoa Kỳ sẽ cần phải yêu cầu các đồng nghiệp ở Trung Quốc giúp họ xây dựng các thuật toán mới để giám sát các video như vậy.

TikTok cho biết họ chưa thấy bằng chứng phổ biến về việc những người sử dụng nền tảng này để đăng các video ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Một phát ngôn viên của công ty cho biết: “Chúng tôi đã và đang tiếp tục xóa các tài khoản không xác thực vì hành vi đáng ngờ như spam, nhưng trong số các lần xóa tài khoản không xác thực này rất ít trường hợp có liên quan trực tiếp đến bất kỳ chủ đề cụ thể nào, bao gồm cả bầu cử”.

Hiện tại, TikTok bị Tổng thống Trump coi là một mối đe dọa an ninh đối với Hoa Kỳ và ứng dụng đang cố gắng cơ cấu lại quyền sở hữu và hoạt động của mình thông qua sự hợp tác với Oracle và Walmart để tránh bị cấm hoàn toàn tại Mỹ. Ấn Độ, thị trường lớn nhất theo số lượng người dùng, đã cấm ứng dụng.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Cựu quan chức Trung Quốc từng điều hành chính sách nội dung của TikTok