Cực từ trường phía Bắc của Trái đất đang dịch chuyển rất nhanh: hiện tượng chưa được lý giải

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có điều gì đó kỳ lạ đang xảy ra trên ‘đỉnh thế giới’. Cực từ trường phía bắc của Trái Đất đã rời khỏi Canada và hướng tới vùng Siberia, nơi mà sắt lỏng đang rò rỉ khỏi lõi ngoài của Trái Đất. Cực từ di chuyển nhanh đến nỗi nó đã buộc các chuyên gia địa từ học trên thế giới phải di chuyển đến đó.

Vào ngày 15/1/2020, các chuyên gia đã cập nhật Mô hình Từ trường Thế giới nhằm mô tả từ trường của hành tinh và làm cơ sở cho tất cả các hệ thống điều hướng hiện đại, từ các hệ thống chỉ đạo tàu trên biển đến Google Maps.

Phiên bản gần đây nhất của mô hình này ra mắt vào năm 2015 và được cho là sẽ dùng được đến năm 2020 - nhưng từ trường đang thay đổi quá nhanh nên các nhà nghiên cứu đã phải điều chỉnh mô hình. Ông Arnaud Chulliat, một nhà địa từ học tại Đại học Colorado Boulder và Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA) cho biết: “Sai số đang ngày càng gia tăng”.

Vấn đề một phần nằm ở chuyển động của các cực Trái Đất, và một phần là do những dịch chuyển sâu bên trong hành tinh. Sự khuấy động chất lỏng trong lõi Trái Đất tạo ra phần lớn từ trường, từ trường này thay đổi theo thời gian khi các dòng chảy thay đổi.

Ví dụ, vào năm 2016, một phần của từ trường tạm thời thay đổi ở sâu phía dưới bắc Nam Mỹ và đông Thái Bình Dương. Các vệ tinh như Swarm của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đã phát hiện được sự thay đổi này.

Đầu năm 2018, Mô hình Từ trường Thế giới gặp sự cố. Các nhà nghiên cứu từ NOAA và Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh ở Edinburgh đã tiến hành kiểm tra hàng năm về mức độ hiệu quả của mô hình này. Họ nhận ra rằng nó đang ‘sai’ đến mức sắp vượt quá giới hạn sai số chấp nhận được.

Cực của Trái Đất đang… lang thang

Ông Chulliat đã báo cáo tại cuộc họp của Liên minh Địa vật lý Hoa Kỳ ở Washington DC: “Đó là một tình huống thú vị mà chúng tôi gặp phải. ĐIều gì đang xảy ra đối với từ trường của hành tinh chúng ta?”.

Thứ nhất, vào năm 2016 xung địa từ bên dưới Nam Mỹ đến vào thời điểm ‘dở nhất có thể’, đúng lúc có bản cập nhật năm 2015 cho Mô hình Từ trường Thế giới. Điều này có nghĩa là từ trường đã thay đổi ngay sau bản cập nhật mới nhất, điều mà các nhà khoa học không lường trước được.

Chuyển động của cực từ phía Bắc.
Chuyển động của cực từ phía Bắc. (Ảnh: Trung tâm Dữ liệu Thế giới về Địa từ/Đại học Kyoto)

Thứ hai, sự dịch chuyển của cực từ phía Bắc làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Cực bắc ‘đi lang thang’ theo cách không thể đoán trước đã thu hút các nhà thám hiểm và nhà khoa học kể từ khi James Clark Ross lần đầu tiên đo nó vào năm 1831 ở Bắc Cực thuộc Canada. Vào giữa những năm 1990, sự dịch chuyển đã tăng tốc, từ khoảng 15km một năm lên khoảng 55km một năm.

Đến năm 2001, cực từ trường phía Bắc đã tiến vào Bắc Băng Dương - nơi mà vào năm 2007, một nhóm nghiên cứu bao gồm ông Chulliat đã hạ cánh máy bay trên biển băng nhằm xác định vị trí của cực từ.

Vào năm 2018, cực Bắc đã vượt qua Đường đổi Ngày Quốc tế vào Đông bán cầu, và dần dần tiến vào vùng Siberia.

Hình dạng từ trường của Trái Đất làm gia tăng sai số trong mô hình ở những khu vực mà từ trường thay đổi nhanh chóng, chẳng hạn như Bắc Cực. Ông Chulliat cho biết: “Thực tế là do cực đi nhanh khiến từ trường ở khu vực này dễ xảy ra sai số lớn”.

Để hiệu chỉnh Mô hình Từ trường Thế giới, ông và các đồng nghiệp đã cung cấp dữ liệu gần đây trong ba năm, bao gồm cả xung địa từ trường năm 2016. Ông nói, phiên bản mới sẽ vẫn chính xác cho đến khi có bản cập nhật thường xuyên tiếp theo vào năm 2020.

Vậy nguyên nhân cốt lõi là gì?

Trong lúc đó, các nhà khoa học đang nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân tại sao từ trường lại thay đổi đáng kể như vậy.

Xung địa từ, giống như xung xảy ra vào năm 2016, có thể bắt nguồn từ các con sóng 'thủy từ' phát sinh từ sâu trong lõi hành tinh. Và chuyển động nhanh của cực từ phía bắc có thể có liên hệ với một dòng sắt lỏng đang chảy tốc độ cao, nằm bên dưới thềm lục địa ở Canada.

Anh Phil Livermore, một nhà địa từ học tại Đại học Leeds, Vương quốc Anh, tại cuộc họp của Liên minh Địa vật lý Hoa Kỳ, cho rằng dòng sắt lỏng dường như đang bị phá hủy và làm suy yếu từ trường bên dưới Canada. Điều đó có nghĩa là từ trường ở Canada về cơ bản đang yếu hơn so với ở Siberia.

Anh cho biết: “Vị trí của cực từ trường bắc dường như bị chi phối bởi hai mảng từ trường có quy mô lớn, một bên dưới Canada và một bên dưới Siberia. Mảng phía dưới Siberia đang chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này”.

Điều đó có nghĩa là các nhà địa từ học trên thế giới sẽ có rất nhiều thứ để khiến họ bận rộn trong tương lai gần.

Quang Minh

Theo Curiosmos



BÀI CHỌN LỌC

Cực từ trường phía Bắc của Trái đất đang dịch chuyển rất nhanh: hiện tượng chưa được lý giải