Cự sam, loài cây cao nhất thế giới đang được nỗ lực bảo vệ khỏi nạn cháy rừng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoa Kỳ đang nỗ lực bảo vệ rừng cự sam (Sequoia) cổ thụ khổng lồ hàng nghìn năm tuổi tránh khỏi nạn cháy rừng đang hoành hành khắp miền Tây nước Mỹ.

Vườn quốc gia Sequoia thuộc bang California là nơi bảo tồn rừng cự sam khổng lồ. Trong số đó, General Sherman là cây cự sam to cao nhất trên thế giới với chiều cao lên tới 83 mét, đường kính gốc 11 mét, chu vi gốc 31 mét, chứa 1.487 mét khối gỗ quý, ước tính khoảng 3.000 năm tuổi. Rừng cự sam được coi như “nhân chứng sống” còn tồn tại lâu nhất trên hành tinh của chúng ta.

Các bộ lạc người Mỹ bản địa xưa kia đã biết khéo léo sử dụng và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên. Họ chỉ sử dụng các cây bị gãy đổ một cách tự nhiên để xây dựng nhà cửa và chế tạo tàu thuyền. Họ còn tạo ra các đám cháy rừng định kỳ để thúc đẩy hạt cự sam nảy mầm, làm sạch tận gốc các bệnh gây nấm, tăng lượng thức ăn cho loài hươu, nai. Những đám cháy nhỏ giúp giảm mật độ phát triển quá dày đặc để cây tiếp cận đủ ánh sáng và tạo môi trường sống hài hòa cho hệ động vật hoang dã.

Năm 1850, với cơn sốt vàng, người da trắng đã tràn đến bờ phía Tây nước Mỹ. Khi đó, những cây cự sam khổng lồ che phủ khoảng 8.100 km2 rừng. Trong vòng chưa đầy 100 năm, người da trắng đã phá hủy gần 90% rừng cự sam được gìn giữ trong nhiều thế kỷ. Mãi đến năm 1910, nhờ nỗ lực bảo vệ rừng Sequoia của giới khoa học mà những cây cự sam ngàn năm tuổi được bảo tồn cho đến ngày nay.

Những năm gần đây, bang California thường trải qua những đợt cháy cao điểm vào cuối mùa hè, đầu mùa thu. Từ khi hai đám cháy Paradise và Colony bùng phát do sét đánh vào ngày 10/9, đã phá hủy 9.365 mẫu thảm thực vật ở bang này và đang lan tới phần rìa của khu Rừng Khổng lồ trong Công viên Quốc gia Sequoia, nơi sinh sống của khoảng 2.000 cây cự sam, một số trong đó đã khoảng 3.000 năm tuổi.

Hiện rừng cự sam đang được các nhân viên cứu hỏa tích cực bảo vệ bằng biện pháp ốp màng nhôm chịu nhiệt. Christy Brigham, người quản lý Vườn quốc gia Sequoia, cho biết: “Lực lượng cứu hỏa đang thực hiện các giải pháp đặc biệt nhằm bảo vệ những cây cự sam hàng ngàn năm tuổi, các bụi cây đã được dọn sạch, xe cứu hỏa được bố trí một cách chiến lược, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đan xen giữa 2.000 cây cự sam cổ thụ”.

Một số ngôi nhà, tòa nhà chính phủ, bao gồm cả Bảo tàng Rừng Khổng lồ cũng đã được bao bọc trong lớp màng nhôm chịu nhiệt. Các quan chức liên bang cho biết loại vật liệu này đã được sử dụng trong vài năm gần đây trên khắp nước Mỹ. Điển hình, khi đám cháy rừng Caldor lan đến gần Hồ Tahoe, một số ngôi nhà được bọc trong lớp màng nhôm chịu nhiệt còn nguyên vẹn trong khi nhiều ngôi nhà khác không được bảo vệ đã bị phá hủy hoàn toàn.

Một số cư dân đã bọc hoàn toàn ngôi nhà của họ bằng vật liệu chống cháy. (WSAV.com)
Một số cư dân đã bọc hoàn toàn ngôi nhà của họ bằng vật liệu chống cháy. (WSAV.com)

Lực lượng cứu hỏa nhận định, đám cháy Paradise dự kiến sẽ tiếp cận đến rừng cây cự sam Sequoia trong vài ngày tới. Nhưng phát ngôn viên của lực lượng cứu hỏa, Katy Hooper, cho biết đám cháy đã giảm hơn đáng kể so với tuần trước. Hy vọng ngọn lửa sẽ bị dập tắt trước khi lan đến khu rừng. Nhưng nhìn chung, các vụ cháy rừng ở Mỹ vẫn đang gia tăng hàng năm.

Tương tự như phần lớn bờ biển phía tây nước Mỹ, California có độ ẩm cao vào mùa thu và mùa đông. Vào mùa hè, thảm thực vật dần trở khô hơn kết hợp với nền nhiệt độ ấm nóng nên rất dễ xảy ra hỏa hoạn, chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng có thể thiêu trụi cả một cánh rừng.

Theo Ancient Origins

May May biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cự sam, loài cây cao nhất thế giới đang được nỗ lực bảo vệ khỏi nạn cháy rừng