COVID ảnh hưởng đến não bộ như thế nào? Hai nhà thần kinh học giải thích

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học đang ngày càng quan tâm đến sự xuất hiện của một hội chứng gọi là “COVID kéo dài”, trong đó một tỷ lệ đáng kể người mắc COVID-19 trải qua các triệu chứng của bệnh trong thời gian lâu...

Các nghiên cứu cho thấy trong khoảng 5-24% các trường hợp COVID-19 được xác nhận, các triệu chứng duy trì ít nhất ba đến bốn tháng sau khi nhiễm.

Nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài không còn được cho là có liên quan trực tiếp đến tuổi tác hoặc mức độ nghiêm trọng ban đầu của bệnh. Vì vậy, những người trẻ hơn và những người bị COVID nhẹ ban đầu, vẫn có thể mắc hội chứng này.

Một số triệu chứng COVID kéo dài bắt đầu nhanh chóng và duy trì dai dẳng, trong khi những triệu chứng khác lại xuất hiện sau khi đợt nhiễm trùng ban đầu đã qua đi.

Các triệu chứng bao gồm cực kỳ mệt mỏi và các biến chứng liên tục về hô hấp.

Điều đặc biệt đáng ngại là nhiều người mắc COVID kéo dài cho biết họ gặp khó khăn trong việc chú ý và lập kế hoạch hay còn gọi là hiện tượng “sương mù não”. Sau đây là lời giải thích của hai nhà thần kinh học Trevor Kilpatrick và Steven Petrou đến từ Viện Khoa học Thần kinh và Sức khỏe Tâm thần Florey về cách thức virus xâm nhập và gây hại cho não người.

Làm thế nào để virus xâm nhập vào não của chúng ta?

Có bằng chứng về mối liên hệ giữa virus đường hô hấp, bao gồm cả cúm, với rối loạn chức năng não. Trong hồ sơ về đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, có rất nhiều báo cáo về chứng mất trí, suy giảm nhận thức và khó khăn trong việc di chuyển và ngủ.

Các bằng chứng từ đợt bùng phát dịch SARS năm 2002 và đợt bùng phát MERS năm 2012 cho thấy những bệnh nhiễm trùng này khiến khoảng 15-20% số người hồi phục bị trầm cảm, lo lắng, khó nhớ và mệt mỏi.

Không có bằng chứng thuyết phục nào về việc vi rút SARS-CoV-2, gây ra COVID, có thể xâm nhập qua hàng rào máu não - một lớp các tế bào nội mô hoạt động như một rào cản, ngăn chặn các phần tử nhất định bao gồm tế bào miễn dịch, virus đi từ máu vào hệ thần kinh trung ương, nhưng cho qua các chất dinh dưỡng (sinh học) giúp quá trình chuyển hóa của tế bào não.

Nhưng có dữ liệu cho thấy nó có thể "đi nhờ" vào não theo con đường của các dây thần kinh kết nối mũi với não của chúng ta.

Các nhà nghiên cứu nghi ngờ điều này vì ở nhiều người lớn bị nhiễm bệnh, vật chất di truyền của virus được tìm thấy ở phần mũi bắt đầu quá trình ngửi - trùng với việc mất khứu giác của những người mắc COVID.

COVID gây hại cho não như thế nào?

Các tế bào cảm giác ở mũi này kết nối với một khu vực của não được gọi là “hệ viền” hay hệ limbic, có liên quan đến cảm xúc, học tập và trí nhớ.

Trong một nghiên cứu ở Anh được công bố dưới dạng bản in trước trực tuyến vào tháng 6, các nhà nghiên cứu đã so sánh các hình ảnh não được chụp của những người trước và sau khi tiếp xúc với COVID. Họ cho thấy các bộ phận của hệ limbic đã giảm kích thước so với những người không bị nhiễm bệnh. Điều này có thể báo hiệu về khả năng dễ bị tổn thương trong tương lai của bệnh nhân COVID-19 đối với các bệnh não và có thể đóng một vai trò nào đó trong việc người bệnh gặp phải hội chứng COVID kéo dài.

COVID cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp đến não. Virus có thể làm hỏng các mạch máu và gây chảy máu hoặc tắc nghẽn dẫn đến gián đoạn cung cấp máu, oxy hoặc chất dinh dưỡng cho não, đặc biệt là các khu vực chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề.

Virus cũng kích hoạt hệ thống miễn dịch. Ở một số người, điều này kích hoạt việc sản xuất các phân tử độc hại có thể làm giảm chức năng não.

Tuy nghiên cứu về ảnh hưởng của COVID đối với các dây thần kinh kiểm soát chức năng đường ruột vẫn đang được tiếp diễn, nhưng điều này cũng cần được xem xét. Căn bệnh có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa, sức khỏe và thành phần của vi khuẩn đường ruột, được biết là ảnh hưởng đến chức năng của não.

Virus cũng có thể làm tổn hại đến chức năng của tuyến yên. Tuyến yên, thường được gọi là "vùng chủ" (master gland), là nơi điều chỉnh việc sản xuất hormone. Hormone này bao gồm cortisol, chất điều chỉnh phản ứng của chúng ta với căng thẳng. Khi thiếu cortisol, người bệnh có thể bị mệt mỏi lâu dài.

Một hiện tượng được công nhận ở những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh SARS, và một bệnh tương tự với COVID, là các triệu chứng của họ có thể tiếp tục kéo dài đến một năm sau khi nhiễm bệnh.

Với sự đóng góp đáng kể các bệnh nhân rối loạn não, tác động tiềm tàng của hội chứng COVID kéo dài đối với sức khỏe cộng đồng là rất lớn.

Những câu hỏi chính về hội chứng COVID kéo dài, bao gồm cách thức bệnh diễn ra, các yếu tố nguy cơ có thể là gì và phạm vi kết quả, cũng như cách tốt nhất để điều trị nó, vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát và đòi hỏi những cuộc điều tra sâu sắc hơn.

Điều quan trọng là chúng ta phải bắt đầu hiểu nguyên nhân gây ra sự khác biệt rộng rãi trong các triệu chứng. Nó có thể là do nhiều yếu tố, bao gồm chủng virus, mức độ nghiêm trọng của bệnh nhiễm trùng, ảnh hưởng của bệnh lý nền, tuổi tác và tình trạng tiêm chủng, hoặc thậm chí là các hỗ trợ về thể chất và tâm lý được cung cấp từ khi bắt đầu mắc bệnh.

Văn Thiện

Theo The Conversation

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

COVID ảnh hưởng đến não bộ như thế nào? Hai nhà thần kinh học giải thích