COVID-19 đang hướng đến kịch bản xấu nhất, thế giới nên ứng phó thế nào

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiến sĩ Jonathan D Quick, thuộc Đại học Duke ở Bắc Carolina, nguyên chủ tịch Hội đồng Y tế Toàn cầu và là cộng tác viên lâu dài của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chia sẻ với The Guardian về các biện pháp mà thế giới cần thực hiện để tự bảo vệ mình trước sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 hiện nay. 

Dịch Covid-19 có vẻ như đang hướng đến trở thành đại dịch - nhưng WHO chưa tuyên bố đại dịch. Các kịch bản tốt nhất và xấu nhất là gì?

Kịch bản tốt nhất là sự bùng phát từ Trung Quốc này được kiểm soát, ‘’những ngọn lửa’’ nhỏ hơn mà chúng ta thấy đã bùng lên ở các quốc gia khác, sẽ lan rất ít hoặc không lan sang các quốc gia hoặc lục địa mới, và dịch bệnh sẽ hết. Kịch bản xấu nhất là dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu và trở thành bệnh không thể chữa khỏi, nghĩa là nó lưu hành vĩnh viễn trong cộng đồng dân cư chúng ta.

Tiến sĩ Jonathan Quick: ‘’Quan trọng là phải đưa được thông tin chính thức đến với cộng đồng’’. (Ảnh: chụp từ Youtube)

Cảm giác của ông về kịch bản xấu nhất?

Kịch bản xấu nhất đang ngày càng có khả năng xảy ra. Bây giờ chúng ta đã thấy các trường hợp mắc bệnh trên sáu lục địa, trong đó có một số trường hợp là không có triệu chứng, đã xuất hiện các chuỗi lây truyền từ người sang người cả trong và ngoài Trung Quốc. Sự bùng phát đã xuất hiện ở hàng loạt các quốc gia như Iran, Ý và Hàn Quốc... Nếu nó trở thành đại dịch, các câu hỏi là, nó sẽ tệ đến mức nào và sẽ kéo dài trong bao lâu? Tỷ lệ tử vong hiện nay chỉ hơn 2%, ít hơn nhiều so với SARS, nhưng gấp 20 lần so với cúm mùa. Vẫn còn nhiều điều chưa biết - chúng ta có thể đã đánh giá thấp khoảng thời gian mà một người bị lây nhiễm, và các cách khác nhau để virus lây lan.

Nếu kịch bản xấu nhất trở thành sự thật, chúng ta có thể làm gì để giảm thiểu tác động của đại dịch?

Chúng ta có thể huy động thêm các quan chức y tế và duy trì sự chú ý đến cộng đồng, thực hiện các biện pháp kiểm soát du lịch hợp lý và đảm bảo rằng nhân viên y tế tuyến đầu luôn luôn sẵn sàng thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán và cảnh giác, họ không thể cho phép bất cứ ai có thể bị phơi nhiễm không qua kiểm tra y tế mà về nhà. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm trong quá khứ, có vẻ như các quan chức y tế và công chúng ở nhiều nơi trên thế giới vẫn không biết hoặc không tin vào mối nguy hiểm mà loại virus này gây ra.

Thời gian và sự tin tưởng là rất quan trọng để quản lý tốt dịch bệnh, tại sao?

Ngay từ khi dịch bệnh mới xuất hiện, sự chậm trễ của các nhân viên y tế ở tuyến đầu đã cho thấy có điều gì đó bất thường, thông tin truyền đến các nhà quản lý y tế ra quyết định của quốc gia là rất quan trọng.

Để minh họa điều đó, năm 2018 Quỹ Gates đã tiến hành mô phỏng một mô hình về đại dịch cúm, kết quả đưa ra là ước tính có 28.000 ca mắc bệnh sau một tháng, 10 triệu ca sau ba tháng và 33 triệu ca sau sáu tháng. Virus được sử dụng trong mô phỏng đó dễ lây lan và gây chết người hơn Covid-19 - mặc dù chúng đều là virus đường hô hấp - nhưng mô phỏng này đã cho thấy tất cả các dịch bệnh thường lây lan theo cấp số nhân.

Vì vậy, nếu chúng ta có thể khống chế dịch bệnh trong vài tuần đầu, thì sẽ tạo ra sự khác biệt trong công việc ngăn chặn sự bùng phát của nó. Niềm tin thực sự rất quan trọng trong công tác phổ biến thông tin chính xác dựa trên bằng chứng và không cố gắng đánh lạc hướng dân chúng. Nếu chúng ta đưa ra các thông tin không chính xác, cộng đồng sẽ mất lòng tin và ngừng hợp tác. Chúng ta hy vọng rằng điều đó không xảy ra ở Trung Quốc.

Ít nhất một năm sau chúng ta mới có thể có vắc-xin Covid-19 được phê duyệt. Liệu khi đó có tồn tại sự e ngại sử dụng vaccine do có sự hiểu biết sai lầm không?

Có bằng chứng cho thấy sự e ngại sử dụng vaccine giảm dần khi ngày càng nhiều người bị chết. Tuy nhiên, khi dịch bệnh qua đi, việc sử dụng vaccine tùy thuộc vào nhận thức về mức độ cấp bách của từng người - mặc dù nguy cơ của một đợt dịch bệnh khác là có thật. Tôi đã viết về một tình huống giả định, trong đó một mầm bệnh mới và nguy hiểm xuất hiện, một loại vaccine được phát triển và đại dịch vẫn xảy ra, bởi vì một số lượng lớn người dân đã từ chối sử dụng vaccine. Ở Mỹ, 20% thanh niên tin rằng tiêm vaccine từ bé sẽ gây ra bệnh tự kỷ. Vấn đề là thông tin bị sai lệch. Các sinh viên của tôi thường nhắc nhở tôi rằng, các tin tức khoa học chính thống có xu hướng phải thanh toán chi phí mới đăng nhập vào được, trong khi tin tức giả là miễn phí.

Có đúng là Trung Quốc đã tạo ra vaccine Covid-19?

Công ty dược phẩm Moderna của Mỹ là công ty duy nhất tôi biết về việc có vaccine cho Covid-19 sẵn sàng để thử nghiệm trên người. Họ sẽ bắt đầu thử nghiệm vào tháng Tư. Các công ty Trung Quốc mới tham gia vào thị trường vaccine, có một công ty Clover Biopharmaceuticals (Dược phẩm sinh học Cỏ ba lá) là đang làm việc để phát triển vaccine Covid-19.

Dịch bệnh như Covid-19 không thể tránh khỏi?

Từ quan điểm sinh học, sự bùng phát của mầm bệnh mới là không thể tránh khỏi, tuy nhiên lần này nó đã xảy ra ở nơi tồi tệ nhất, vào thời điểm tồi tệ nhất. Vũ Hán là một thành phố lớn và là cửa ngõ đến các thành phố khác, và những trường hợp đầu tiên được ghi nhận ở đó ngay trước Tết Nguyên đán, khi số lượng lớn người dân đang rời khỏi thành phố để về thăm gia đình của họ.

Việc dịch bệnh xảy ra ở Trung Quốc là điều tốt hay xấu đối với khả năng ngăn chặn lây nhiễm toàn cầu?

Năm tháng trước đây, chúng tôi đã thiết lập một bộ công cụ về mức độ phòng chống dịch bệnh - Chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu (GHS) - đánh giá các quốc gia trên sáu khía cạnh: phòng ngừa, phát hiện, ứng phó, hệ thống y tế, môi trường rủi ro và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Không có quốc gia nào đạt điểm hoàn hảo trên cả sáu khía cạnh. Trung Quốc đã phát hiện và ứng phó với dịch bệnh này khá tốt, mặc dù hệ thống y tế của họ hiện đã bị vượt quá khả năng, nhưng lại yếu về phòng ngừa - đặc biệt là khi nói đến an toàn thực phẩm.

Sự chuẩn bị của Mỹ như thế nào?

Hoa Kỳ xếp hạng cao về chỉ số GHS, nhưng vẫn chưa được chuẩn bị cho một đại dịch nghiêm trọng, nếu nó xảy ra. Các xét nghiệm coronavirus không thành công đã làm các phòng thí nghiệm y tế công cộng thất vọng và chậm kiểm soát dịch bệnh. Nguồn cung cấp khẩu trang, áo vest và các vật liệu bảo vệ khác cho nhân viên y tế đang cạn kiệt giữa mùa cúm nghiêm trọng. Kể từ khi thành lập quỹ chuẩn bị khẩn cấp y tế công cộng sau ngày 9/11, ngân sách và các chức năng y tế công cộng đã giảm dần. Đã đến lúc chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm rằng virus không bao giờ ngừng biến đổi và lây nhiễm sang con người.

Chính xác thì chúng ta nên làm ngay những gì?

Chỉ ít hơn một phần ba các quốc gia gần như đối mặt với dịch bệnh là có sự chuẩn bị chu đáo, điều này khiến cho phần lớn dân số thế giới dễ bị tổn thương. Điều đó dẫn đến tất cả chúng ta cũng sẽ dễ bị tổn thương bởi vì chúng ta chỉ an toàn khi tất cả mọi nơi đều an toàn. Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào sự chuẩn bị, và chúng ta cần các nhà lãnh đạo của chúng ta quan tâm nhiều hơn - đó là tất cả các nhà lãnh đạo, trong cả khu vực công và tư nhân - từ thấp đến cao.

Thế giới sẽ tiếp tục có những đợt dịch bệnh khác, nhưng chúng ta có thể làm rất nhiều việc để bảo vệ bản thân và cộng đồng không thể để xảy ra những thảm họa toàn cầu như dịch cúm năm 1918.

Ánh Dương

Theo The Guardian



BÀI CHỌN LỌC

COVID-19 đang hướng đến kịch bản xấu nhất, thế giới nên ứng phó thế nào