COVID-19: Đa số người sử dụng mạng xã hội tin vào các thông tin giả

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu mới do các nhà nghiên cứu tại Đại học McGill dẫn đầu cho thấy những người nhận được tin tức từ các mạng xã hội có nhiều khả năng có những nhận thức sai lệch về COVID-19. Những người sử dụng phương tiện truyền thông truyền thống có ít nhận thức sai hơn và có nhiều khả năng tuân theo các khuyến nghị về sức khỏe cộng đồng như giãn cách xã hội...

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Misinformation Review (tạm dịch: Xem xét lại Thông tin giả), các nhà nghiên cứu đã xem xét các tác động của việc tiếp xúc với thông tin giả lên hành vi của độc giả bằng cách kết hợp phân tích mạng xã hội, phân tích tin tức chính thống và nghiên cứu khảo sát.

Các nhà khoa học đã xem qua hàng triệu tweet, hàng ngàn bài báo và kết quả của khảo sát quốc gia về người Canada đối với ba câu hỏi:

  • Các thông tin giả về COVID-19 phổ biến như thế nào trên mạng xã hội và trên các phương tiện truyền thông truyền thống?
  • Các thông tin giả có đóng góp cho những nhận thức sai về COVID-19 không?
  • Nó có ảnh hưởng đến hành vi ứng xử của người đọc tin không?

Đồng tác giả Aengus Bridgman, một nghiên cứu sinh tiến sĩ Khoa học Chính trị tại Đại học McGill do giáo sư Dietlind Stolle hướng dẫn đã nói: "Các nền tảng như Twitter và Facebook đang ngày càng trở thành nguồn cung cấp tin tức chính cũng như các thông tin sai lệch cho người Canada và những người dân trên khắp thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng như COVID-19, có lý do chính đáng để lo ngại về vai trò của mạng truyền thông xã hội đang thúc đẩy những nhận thức sai lầm đối với độc giả’’.

Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, so với các phương tiện truyền thông truyền thống, thông tin sai lệch hoặc không chính xác về COVID-19 được lưu hành nhiều hơn trên các nền tảng mạng truyền thông xã hội như Twitter.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra một sự khác biệt lớn trong hành vi ứng xử và thái độ của những người nhận được tin tức từ mạng truyền thông xã hội so với phương tiện truyền thông truyền thống, nghiên cứu cũng đã tính đến các yếu tố về nhân khẩu học cũng như kiến thức khoa học và sự khác biệt kinh tế xã hội.

Những người Canada thường xuyên sử dụng mạng truyền thông xã hội thì ít quan tâm đến biện pháp giãn cách xã hội và coi COVID-19 là mối đe dọa, trong khi những người lấy thông tin từ phương tiện truyền thông truyền thống thì làm những điều ngược lại đúng đắn hơn.

Đồng tác giả Taylor Owen, phó giáo sư tại Trường Chính sách công Max Bell thuộc Đại học McGill cho biết: "Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thông tin giả lưu hành trên mạng truyền thông xã hội gây ra rủi ro sức khỏe cộng đồng. Điều này cho thấy một vấn đề quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách và các nhà phát triển nền tảng truyền thông xã hội là cần phải có các biện pháp thực tế xử lý các thông tin giả đó để giảm bớt các nhận thức sai lệch cho cộng đồng".

Thách thức còn đó

Mặc dù vậy, nỗ lực ngăn chặn tin giả của các trang mạng xã hội vẫn gặp phải nhiều thách thức khi các lỗ hổng cho tin giả vẫn còn tồn tại. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, chênh lệch trong hiệu quả kiểm soát của các mạng xã hội khác nhau vẫn còn khá lớn: Trong khi 59% thông tin thiếu xác thực vẫn tồn tại trên Twitter mà không hề có cảnh báo kèm theo, thì con số này đối với Youtube và Facebook là 27% và 29%.

Nỗ lực kiểm soát thông tin sai sự thật vẫn gặp phải rào cản đối với hoạt động chia sẻ trong nhóm riêng tư hay các ứng dụng nhắn tin.

Bên cạnh đó, khó khăn còn ở chỗ những số lượng tin giả được sản sinh và phát tán nhanh chóng hơn các nỗ lực kiểm soát của các công ty công nghệ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng sự tham gia tích cực và phối hợp của các công ty cung cấp mạng xã hội, các cơ quan y tế cũng như Chính phủ các nước là tín hiệu khả quan trong cuộc chiến chống tin giả.

Điều này không chỉ khẳng định tầm quan trọng ngày càng lớn của các trang mạng xã hội trong những vấn đề mang tính toàn cầu, mà còn đánh dấu bước khởi đầu về khả năng hợp tác giữa các tổ chức quốc tế và các công ty công nghệ trong việc giải quyết những trở ngại trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Cuộc chiến chống lại những thông tin giả dường như chưa thể đi đến hồi kết. Do đó, những người dùng mạng xã hội nên trở thành những “người đọc thông thái” bằng cách luôn cập nhật các nguồn tin chính thống cũng như phát triển kỹ năng cần thiết để kiểm chứng, đối chiếu thông tin khi đối mặt với “cơn bão” tin giả tràn lan trên không gian mạng hiện nay.

Ánh Dương

Theo Phys.org/baoquocte

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

COVID-19: Đa số người sử dụng mạng xã hội tin vào các thông tin giả