Con đường mới để bảo vệ môi trường: Cải thiện tiêu chuẩn đạo đức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thông qua phân tích hàng loạt các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, tác giả khẳng định phương thức sinh sống và sản xuất không đúng cách của con người là tác nhân chính. Do đó, để giải quyết các vấn đề môi trường tận gốc, con người phải cải thiện tiêu chuẩn đạo đức. 

Trong xã hội ngày nay, đời sống vật chất ngày càng trở nên sung túc. Đi cùng với đó là sự xuống cấp của môi trường, như thiếu hụt tài nguyên, biến đổi khí hậu, dị tật bẩm sinh, chứng mất trí và các bệnh liên quan đến sự biến dạng của nhiễm sắc thể và gen. Những vấn đề này đe dọa nghiêm trọng sự tồn tại và phát triển của loài người.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang tiến hành nghiên cứu cách thức hạn chế sự suy thoái của môi trường, để loài người có thể tiếp tục phát triển ổn định với đủ nguồn lực. Mặc dù đã nhiều thập kỷ kể từ khi con người nhận thức được môi trường đang xuống cấp, và áp dụng nhiều chính sách để cải thiện, môi trường nói chung vẫn đang suy thoái. Nếu không thể ngăn chặn thực trạng này, sự tồn tại của loài người sẽ bị đe dọa.

Các phương pháp bảo vệ môi trường hiện nay

Con người đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để bảo vệ môi trường, các phương pháp đó được chia vào hai nhóm chính: kỹ thuật và pháp lý.

Về mặt kỹ thuật, bước đầu tiên là cải tiến công nghệ trong các quy trình công nghiệp, tạo điều kiện khắc phục và phân tách các chất ô nhiễm hiện có. Ví dụ, một loại kỹ thuật là lọc các chất ô nhiễm trong nước và ngưng tụ chúng thành dạng rắn. Một kỹ thuật khác là đốt các chất ô nhiễm rắn hoặc phân tán chúng thành các chất gây ô nhiễm dạng khí. Đôi khi một chất gây ô nhiễm này được chuyển hóa thành chất khác thông qua các phương tiện hóa học hoặc sinh học, chẳng hạn như hoàn nguyên crom 6 hóa trị thành crom 3 hóa trị.

Những phương pháp này rất hữu ích trong việc hạn chế ô nhiễm tạm thời ở một số khu vực địa lý nhất định hoặc giải quyết một số chất gây ô nhiễm cụ thể. Tuy nhiên, họ không thể loại bỏ hoàn toàn các chất ô nhiễm ra khỏi thiên nhiên được. Ngoài ra, các quy trình này là các hoạt động sản xuất, tiêu thụ năng lượng và thậm chí có thể tạo ra các chất ô nhiễm.

Nghiêm trọng hơn, các phương pháp mới để hạn chế ô nhiễm có thể gây ô nhiễm cao hơn. Ví dụ, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân là để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và thiếu hụt năng lượng. Nhưng các nhà máy điện hạt nhân thực sự là nguồn gây ô nhiễm lớn hơn. Ở mức độ nào đó, chúng ta đã cấm sản xuất trong một số ngành có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vì kiến thức của chúng ta còn hạn chế, ngay cả những ngành mà chúng ta coi là vô hại cũng có thể gây ô nhiễm.

Con người chỉ đang thay đổi từ loại ô nhiễm môi trường này sang loại ô nhiễm khác, vẫn chỉ là sử dụng các vật liệu công nghiệp khai thác từ tự nhiên và thải vào tự nhiên (Ảnh: pixabay)

Xây dựng luật pháp để bảo vệ môi trường là sử dụng sự ép buộc để hạn chế hành vi của con người nhằm bảo vệ môi trường. Nó đã có hiệu quả ở một mức độ nhất định, và đang tiếp tục phát huy tác dụng. Trong khi đưa ra một số tiêu chuẩn nhất định để kiểm soát hành vi của con người, pháp luật cũng cố gắng ngăn chặn những điều chưa quy định thành văn bản. Nếu luật pháp quá chi tiết hoặc phức tạp, chúng sẽ gây trở ngại trong quá trình thực thi.

Vấn đề nghiêm trọng nhất với các chính sách bảo vệ môi trường hiện nay là các vấn đề chỉ được xử lý sau khi phát hiện ra các chất ô nhiễm hoặc các chất gây ô nhiễm tiềm năng. Chúng ta không thể giải quyết những vấn đề chúng ta chưa thể xác định, và đó thường là nơi ô nhiễm mới phát sinh.

Xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường

Để giải quyết hoàn toàn vấn đề này, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây ô nhiễm môi trường. Hiện tại, chúng ta công nhận một vài nguyên nhân, bao gồm sự bùng nổ dân số, tốc độ đô thị hóa phi mã, công nghiệp hóa ngày càng tăng... Những biến đổi này thường xảy ra đồng thời.

Theo thống kê, dân số thế giới thực sự đang tăng rất nhanh. Vào đầu thế kỷ XX, thế giới có 1,6 tỷ người. Đến năm 1950, dân số trên thế giới là 2,5 tỷ người. Năm 2.000, con số này tăng lên 6,2 tỷ. Trong vòng một thế kỷ, dân số thế giới gần như tăng gấp bốn lần. Dân số tăng dẫn đến tiêu thụ nhiều tài nguyên hơn, và tăng lượng chất thải. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số là tuân theo quy luật tự nhiên, vì vậy về lý thuyết, nó không nên dẫn đến suy thoái môi trường. Vấn đề thực sự nằm ở sự gia tăng xung đột giữa các cá nhân và lòng tham sở hữu của con người. Nếu mọi người đều nhấn mạnh đến đức hạnh và bảo vệ môi trường, thì sự gia tăng dân số của con người sẽ không dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Đô thị hóa tập trung dân số có thể ảnh hưởng đến môi trường ở một khu vực nhất định. Tuy nhiên, sự tập trung ở một số khu vực nhất định cũng có nghĩa là dân số nên giảm ở các khu vực khác, mang lại môi trường tốt hơn cho các khu vực khác. Nhưng tại sao môi trường ở những khu vực khác này cũng bị ô nhiễm? Ngoài ra, giả sử không có sự thay đổi về phương thức sinh sống và sản xuất của con người, tổng lượng chất ô nhiễm phát ra từ dân số tập trung phải giống như dân số phân tán. Vấn đề quan trọng không phải là sự tập trung hay phân tán dân số, mà là phong cách sống và sản xuất của con người, vì vậy có thể nói, hành vi của con người đã thay đổi.

Công nghiệp hóa nhanh đang là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường (Ảnh: pexels)

Công nghiệp hóa nhanh chóng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ngày nay sự tồn tại và phát triển của con người phụ thuộc vào công nghiệp. Trong xây dựng nhà ở, họ cần vật liệu để làm cửa sổ, giúp chặn gió và vẫn nhìn thấy được ra ngoài. Những thứ này không tồn tại trong tự nhiên và được tạo ra bởi con người. Nếu sự phát triển công nghiệp tuân thủ theo quy luật tự nhiên, thì nó sẽ không trở thành nguồn gây ô nhiễm. Vấn đề chính là định hướng và mức độ phát triển công nghiệp.

Trong xã hội ngày nay, con người có lòng tham rất lớn đối với những thứ vật chất, toàn bộ tinh thần của họ phụ thuộc vào sự truy cầu vật chất. Họ chỉ sử dụng sự giàu có về vật chất để đo lường một người. Mọi người ngày càng ít hài lòng với lao động, vật chất và thực phẩm được sản xuất từ thiên nhiên. Họ muốn sử dụng vật chất từ sản xuất công nghiệp để thay thế mọi thứ. Sự tham lam này dẫn đến việc khai thác vô tận tài nguyên thiên nhiên và sản xuất các vật liệu không phân hủy sinh học. Tuy nhiên, việc sản xuất các vật liệu này sẽ “chiếm" năng lượng và tài nguyên từ môi trường tự nhiên, nhưng các chất ô nhiễm phát sinh trong quá trình sản xuất và tiêu dùng không thể được tự nhiên hấp thụ. Loại hành vi sản xuất này chắc chắn sẽ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường.

Ngày nay, khi chúng ta tìm kiếm nguyên nhân hủy hoại môi trường, chúng ta không nên chỉ nhìn các hiện tượng ở trên bề mặt. Chúng ta chưa bao giờ nhảy ra khỏi những gì mà nền khoa học hiện nay biết đến. Do đó, tất cả các phương pháp khắc phục đều bị giới hạn trong phạm vi kỹ thuật và luật pháp của thế giới vật lý. Như vậy, chúng ta không thể thay đổi sự suy thoái của môi trường về tổng thể.

Phân tích và xác định nguyên nhân sâu xa

Tiếp theo, hãy cùng phân tích các nguyên nhân đề cập ở trên về vấn đề suy thoái môi trường. Gia tăng dân số, đô thị hóa và phát triển công nghiệp đều làm biến đổi cách cư xử trong cuộc sống và sản xuất của con người. Mặc dù chúng ta nghĩ rằng những thay đổi này là tốt, nhưng chúng có thể không nhất thiết như vậy. Một số thay đổi có thể không phù hợp với quy luật tự nhiên và phi đạo đức. Chính những hành vi sống và sản xuất phi đạo đức này đã gây ra ô nhiễm môi trường. Tiêu chuẩn đo lường hành vi của con người, tiêu chuẩn đạo đức, đã thay đổi.

Nhìn từ một góc độ khác, các vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất thường xảy ra ở nơi mà có sự xung đột giữa con người và môi trường. Sự suy thoái của môi trường xảy ra cùng tốc độ với sự suy thoái của đạo đức con người. Có phải đó chỉ đơn giản là một sự trùng hợp?

Vậy làm thế nào tiêu chuẩn đạo đức thay đổi lại gây hại cho môi trường? Trước tiên, hãy xem xét “đạo đức” là gì. Đạo đức bao gồm các quy tắc và quy định về hành vi của con người. Tiêu chuẩn đạo đức giống như quy luật của chín hành tinh quay quanh mặt trời. Chúng cũng là quy tắc của vũ trụ đối với con người mà con người phải tuân theo. Các quy luật đó chi phối các mối quan hệ giữa con người với nhau và giữa con người với môi trường. Quan niệm của mọi người về đạo đức có thể thay đổi khi xã hội phát triển, nhưng tiêu chuẩn đạo đức là phổ quát và không thể thay đổi. Chỉ khi con người làm mọi việc theo tiêu chuẩn đạo đức phổ quát này, môi trường xung quanh con người mới được cân bằng, nếu không sẽ có vấn đề. Nhiều nền văn minh đã bị hủy diệt trong lịch sử, và những sự hủy diệt này đều liên quan đến sự xuống cấp về đạo đức của con người.

Hướng đến tiêu chuẩn đạo đức phổ quát để cân bằng môi trường với sự gia tăng dân số (Ảnh: pixabay )

Tình hình hiện nay là gì? Mọi người tuân theo các luật lệ và quy định của xã hội. Luật pháp và các quy định được viết bởi con người, và bị hạn chế bởi các lợi ích riêng của những nhà làm luật. Chúng không thể hiện đầy đủ các giá trị phổ quát. Đó là cách mà hành vi ứng xử của con người bắt đầu đi chệch khỏi tiêu chuẩn đạo đức phổ quát, đang dẫn trực tiếp đến ô nhiễm môi trường. Ví dụ, con người giải phóng ra môi trường những thứ không tồn tại trong tự nhiên, như nhựa hoặc các sản phẩm tổng hợp khác. Chúng không phù hợp với quy luật tự nhiên.

Thật vậy, điều này đã gây ra suy thoái môi trường. Đây là một minh chứng đơn giản về ảnh hưởng của suy giảm đạo đức đối với môi trường. Hành vi của con người theo các tiêu chuẩn đạo đức bị hạ thấp cũng đang thay đổi mối quan hệ giữa mọi người với nhau và giữa con người với mọi sự vật xung quanh họ. Chẳng hạn, trong mối quan hệ giữa người và bò, người ta chỉ muốn thu hoạch da và thịt bò. Lao động thủ công mà bò cung cấp trước đây giờ được thay thế bằng máy móc, bởi vì con người nghĩ rằng bò làm việc không hiệu quả. Kết quả là mối quan hệ giữa người và bò bị mất cân bằng, và môi trường xung quanh người và bò cũng đang thay đổi. Các mối quan hệ giữa mọi thứ rất phức tạp.

Ngoài ra, con người cũng đang cố gắng thay thế những thứ thiết yếu như nước, không khí và đất bằng các sản phẩm nhân tạo. Con người hiện đang tiến hành nghiên cứu về điều này. Họ thậm chí muốn sinh sản con người thông qua nhân bản vô tính. Khi được đo bằng tiêu chuẩn đạo đức phổ quát, những hành vi này vô cùng vô đạo đức và nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện nay họ được pháp luật bảo vệ vì họ đáp ứng yêu cầu của luật pháp do con người lập nên. Con người bảo vệ môi trường theo cách tương tự. Họ chỉ bảo vệ những gì họ cho là có lợi, và cố gắng thay đổi những gì họ cho là vô dụng.

Thật ra họ không bảo vệ môi trường, mà họ đang thay đổi nó. Điều này chỉ ra rằng đạo đức bị hạ thấp là nguyên nhân chính gây ra suy thoái môi trường vật chất. Tuy nhiên, vì mọi người chưa coi đó là vấn đề, nhưng môi trường mà con người đang sinh sống là vô cùng phức tạp và rắc rối. Chỉ chú ý đến điều chỉnh môi trường vật lý mà không điều chỉnh môi trường xã hội thì vẫn không phải là giải pháp cho vấn đề.

Thiền định, hướng nội, tôn trọng giá trị phổ quát của vũ trụ để phát triển tự nhiên với môi trường trong sạch (Ảnh: ĐP)

 

Tôn trọng giá trị phổ quát để bảo vệ môi trường từ gốc

Để thay đổi hoàn toàn môi trường hiện tại của chúng ta và đưa nó trở lại trạng thái ban đầu, mọi người phải thay đổi căn bản các quan niệm đạo đức và hành vi sai lầm của mình, để có thể đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn đạo đức phổ quát. Tuy nhiên, không dễ để thay đổi quan niệm của con người. Có một câu nói của người Trung Quốc, “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.

Người cao tuổi thường nói rằng những người trẻ tuổi ngày nay không tuân thủ đạo đức như trước đây và điều này là đúng. Mặc dù đạo đức của con người đang suy giảm nhanh chóng, nhưng chúng ta vẫn chưa tuyệt vọng. Hiện nay vẫn còn có hàng trăm triệu người trên khắp thế giới đang hướng tới cuộc sống theo nguyên lý phổ quát của vũ trụ, đang nhanh chóng cải thiện tiêu chuẩn đạo đức. Lý do họ có thể thay đổi quan niệm và cải thiện tiêu chuẩn đạo đức là vì họ biết sống cuộc sống hướng nội, thiền định và luôn tìm nguyên nhân ở bên trong bản thân mình để cùng chia sẻ và phát triển tự nhiên với môi trường xung quanh.

Tất nhiên, mục tiêu cải thiện tiêu chuẩn đạo đức của con người không chỉ là để bảo vệ môi trường. Người có đạo đức cao sẽ biết được cần làm gì để phù hợp với tự nhiên. Họ sẽ biết cách đối xử với người khác và mọi thứ xung quanh. Họ chắc chắn cũng sẽ biết cách đối xử với môi trường. Có phải điều này cũng đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường?

Ánh Dương (biên dịch)

Tác giả: Gao Fengyi
Theo PureInsght



BÀI CHỌN LỌC

Con đường mới để bảo vệ môi trường: Cải thiện tiêu chuẩn đạo đức