Có một vũ trụ tồn tại trước Vụ nổ lớn và vẫn có thể quan sát bằng chứng về nó, theo giáo sư đoạt giải Nobel

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi nhận giải Nobel Vật lý 2020, Giáo sư Roger Penrose đã nói rằng có một vũ trụ  tồn tại trước Vụ nổ lớn và ngày nay chúng ta vẫn có thể quan sát được bằng chứng về nó. 

Giáo sư Roger, 89 tuổi, người đã giành được vinh danh cho công trình chứng minh rằng lỗ đen tồn tại, cho biết ông đã tìm thấy 6 điểm “ấm hơn” trên bầu trời hay còn gọi là “Điểm Hawking” có đường kính gấp 8 lần đường kính của Mặt trăng.

Các điểm này được đặt theo tên của Giáo sư Stephen Hawking, người đã đưa ra giả thuyết rằng các lỗ đen bị “rò rỉ” bức xạ và cuối cùng chúng sẽ bốc hơi hoàn toàn.

Về lý thuyết, môt lỗ đen sẽ cần khoảng thời gian rất lâu để bốc hơi hoàn toàn. Thời gian này có thể lâu hơn tuổi của vũ trụ hiện tại của chúng ta. Điều này khiến chúng ta không thể phát hiện ra các lỗ đen này.

Tuy nhiên, Giáo sư Roger tin rằng hiện nay chúng ta có thể quan sát được các lỗ đen bốc hơi trong các vũ trụ tồn tại trước kia hay còn gọi là “aeon”. Nếu điều này là sự thật thì nó sẽ giúp chứng minh lý thuyết của Giáo sư Hawking là đúng.

Phát biểu tại nhà của mình ở Oxford, Giáo sư Roger cho biết: “Tôi khẳng định rằng có quan sát thấy bức xạ Hawking”.

Ông cho biết, Vụ nổ lớn không phải là khởi đầu. Có một cái gì đó trước nó và một cái gì đó là những gì chúng ta sẽ có trong tương lai. Vũ trụ hiện tại đang ngày càng giãn nở, khiến tất cả khối lượng đều phân rã, và theo lý thuyết điên rồ này của tôi, tương lai xa xôi lại có Vụ nổ lớn và một aeon khác.

Giáo sư Roger cho rằng vì vậy, vụ nổ Big Bang của vũ trụ chúng ta cũng là tương lai xa của một aeon trước đó và sẽ có những lỗ đen tương tự bốc hơi và tạo ra Điểm Hawking.

Ông nói thêm: “Chúng tôi đang nhìn thấy chúng. Những điểm này có đường kính gấp 8 lần đường kính của Mặt trăng và là những vùng hơi ấm lên. Có bằng chứng khá tốt cho ít nhất 6 điểm trong số này”.

Giáo sư Roger gần đây đã công bố lý thuyết của mình về “Điểm Hawking” trong Thông báo hàng tháng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia.

Ý tưởng có gây tranh cãi?

Ý tưởng này đang gây tranh cãi, mặc dù nhiều nhà khoa học tin rằng vũ trụ vận hành theo một chu kỳ vĩnh viễn, trong đó nó giãn nở, trước khi co lại trong một 'Vụ co lớn' sau đó là Vụ nổ lớn mới.

Tuy nhiên, Giáo sư Roger nói rằng các lỗ đen cũng đã từng gây tranh cãi. Chúng được đưa ra lý thuyết lần đầu tiên vào năm 1783 bởi nhà khoa học người Anh John Mitchell, người đã suy đoán rằng nếu một vật thể trở nên cực kỳ đậm đặc, thì lực hấp dẫn khổng lồ của nó sẽ ngăn chặn ánh sáng thoát ra.

Nhưng ngay cả Albert Einstein cũng bác bỏ chúng vì sự kỳ quặc về toán học, hơn là một thực tế vật lý.

Mãi đến năm 1964, chín năm sau khi bác học Einstein qua đời, Giáo sư Roger mới đề xuất rằng lỗ đen là hệ quả tất yếu của thuyết tương đối rộng.

Giáo sư Roger đã chứng minh rằng khi các vật thể trở nên cực kỳ đậm đặc, chúng sẽ bị hấp dẫn sụp đổ đến một điểm có khối lượng vô hạn, nơi mà tất cả các quy luật tự nhiên đã biết dừng lại, được gọi là điểm kỳ dị.

Bài báo đột phá của ông vẫn được coi là đóng góp quan trọng nhất cho lý thuyết tương đối kể từ thời Einstein, và làm tăng thêm bằng chứng cho Vụ nổ lớn.

Giáo sư Roger ở độ tuổi ngoài ba mươi khi lần đầu tiên ông tình cờ nảy ra ý tưởng khi đi bộ đến một ga tàu điện ngầm ở London trên đường đến Đại học Birkbeck. Giờ đây, 56 năm sau, ông cuối cùng đã được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công nhận công trình của mình.

“Tôi nghĩ việc nhận giải Nobel quá sớm là một điều tồi tệ. Tôi biết các nhà khoa học nhận giải quá sớm và điều đó làm hỏng con đường khoa học của họ… Công trình này có từ năm 1964, nhưng tầm quan trọng của các lỗ đen phải mất một thời gian dài để nhận ra, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên, và tôi nghĩ bây giờ tôi đã đủ lớn tuổi để nhận giải”.

Giáo sư Roger đã được trao vinh dự này cùng với Giáo sư Reinhard Gerzel, của Viện Vật lý ngoài Trái đất Max Planck, và Andrea Ghez của Đại học California, người đã chứng minh có một lỗ đen siêu lớn ở trung tâm của Dải Ngân hà, bằng cách nghiên cứu tác động của nó lên những ngôi sao xung quanh nó.

Bình luận về giải thưởng, Giáo sư Martin Rees, Nhà thiên văn học Hoàng gia và thành viên của Đại học Trinity, Đại học Cambridge, cho biết thật buồn khi Giáo sư Hawking không còn sống để chia sẻ giải thưởng.

Ông Rees nói: “Penrose rất độc đáo và sáng tạo, và đã đóng góp những hiểu biết của ông trong hơn 60 năm qua. Tôi nghĩ rằng sẽ có sự đồng thuận rằng Penrose và Hawking là hai cá nhân đã làm việc nhiều hơn bất cứ ai khác kể từ thời Einstein để nâng cao kiến thức của chúng ta về lực hấp dẫn”.

Ông nói thêm: “Đáng buồn thay, giải thưởng này đã bị trì hoãn quá nhiều để cho phép Hawking chia sẻ công lao với Penrose”.

Văn Thiện

Theo The Telegraph



BÀI CHỌN LỌC

Có một vũ trụ tồn tại trước Vụ nổ lớn và vẫn có thể quan sát bằng chứng về nó, theo giáo sư đoạt giải Nobel