Chu kỳ Mặt trời 25 sẽ tác động như nào đến cuộc sống và công nghệ trên Trái đất? - Tiết lộ của NASA

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cứ 11 năm một lần, Mặt trời bắt đầu một chu kỳ mới, đánh dấu bằng các giai đoạn phun trào dữ dội và các vụ nổ từ trường gửi các tia bức xạ vào không gian...

Chu kỳ Mặt trời mới bắt đầu vào tháng 12 năm 2019. Hôm thứ Ba, NASA và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) thông báo chu kỳ mới sẽ tương tự như chu kỳ trước. Được coi là tương đối bình lặng, chu kỳ bao gồm cực đại Mặt trời yếu nhất kể từ năm 1928.

Dù muốn hay không, chu kỳ Mặt trời mới sẽ vẫn tác động đến sự sống trên Trái đất, cũng như các chuyến du hành vũ trụ trong tương lai.

Đây là Chu kỳ Mặt trời thứ 25 kể từ khi việc đánh số các chu kỳ bắt đầu vào năm 1755. Mặc dù chu kỳ mới bắt đầu vào tháng 12 năm 2019, các nhà khoa học phải mất tới 10 tháng để xác định thời điểm chu kỳ mới thực sự bắt đầu vì Mặt trời là một ngôi sao hoạt động.

Lika Guhathakurta, một nhà khoa học năng lượng Mặt trời tại trụ sở NASA ở Washington, cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba: “Điều quan trọng là phải nhớ hoạt động Mặt trời không bao giờ dừng lại. Nó thay đổi hình thức như con lắc dao động”.

Ban Dự báo Chu kỳ Mặt trời 25, một nhóm chuyên gia quốc tế, đã đồng ý rằng chu kỳ Mặt trời tiếp theo sẽ giống như chu kỳ cuối cùng. Điều này có nghĩa là các chu kỳ Mặt trời đang suy yếu dần, với mỗi chu kỳ biểu hiện ít hoạt động hơn chu kỳ trước đó.

Trong 50 năm qua đã có khoảng bốn chu kỳ Mặt trời. Năm 2019 chứng kiến số lượng vết đen Mặt trời thấp bất thường, với tổng số 281 ngày không có vết đen trên Mặt trời.

Điều này gây ra một số suy đoán, và một chút lo sợ, rằng Mặt trời sẽ trải qua một chu kỳ có ít vết đen khác giống như khoảng thời gian từ năm 1645 đến năm 1715 khi nhiệt độ giảm nghiêm trọng ở Bắc bán cầu.

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia vẫn kỳ vọng vào chu kỳ 25.

Gordon Petrie, nhà nghiên cứu tại Đài quan sát Mặt trời Quốc gia của Quỹ Khoa học Quốc gia, và thành viên của Ban Dự báo, giải thích: “Thật khó để xác định một ngày cụ thể, nhưng chúng tôi dự đoán rằng giữa năm 2025 là thời điểm có nhiều vết đen nhất trong chu kỳ này”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi dự đoán sẽ có tối đa khoảng 115 vết đen, gần bằng những gì chúng ta đã thấy trong chu kỳ trước đó với nhiều nhất 120 vết đen”.

"Đây có thể là bước khởi đầu của sự quay trở lại các chu kỳ Mặt trời mạnh hơn và phá vỡ các chu kỳ ngày càng thu hẹp mà chúng ta đã thấy trong vài thập kỷ qua”.

Chu kỳ Mặt trời là gì?

Hoạt động của Mặt trời phần lớn phụ thuộc vào từ trường của nó. Từ trường này trải qua một chu kỳ tuần hoàn, trong đó các cực nam và bắc về cơ bản chuyển đổi vị trí, và phải mất 11 năm nữa để chúng chuyển đổi trở lại.

Chu kỳ Mặt trời được đo bằng những thay đổi trong hoạt động của ngôi sao này. Nó định kỳ phóng ra plasma, dưới dạng các tia sáng và cơn gió chứa các hạt mạng điện, xuyên qua hệ Mặt trời.

Hoạt động của Mặt trời bắt đầu tăng lên giữa chu kỳ, có nghĩa là sẽ có nhiều tia sáng Mặt trời và luồng bức xạ phát ra từ ngôi sao chủ của chúng ta hơn. Khi chu kỳ Mặt trời giảm dần, Mặt trời trở nên ít hoạt động.

Hoạt động của Mặt trời được đo bằng các vết đen trên bề mặt của nó. Các vết đen sinh ra do từ trường ức chế sự truyền năng lượng trên bề mặt Mặt trời thông qua quá trình đối lưu. Mặt trời hoạt động càng mạnh thì ta càng nhìn thấy nhiều vết đen trên bề mặt của nó và ngược lại.

Ảnh hưởng của chu kỳ Mặt trời đến thời tiết không gian

Thời tiết không gian bị chi phối bởi bức xạ Mặt trời được phóng ra ngoài không gian. Chu kỳ năng lượng Mặt trời 25 là một chu kỳ tương đối yếu, nhưng không có nghĩa là chúng ta không thấy một vài vụ bùng phát của ngôi sao này.

Mặt trời là một ngôi sao hoạt động. Ngọn lửa Mặt trời là một đợt bức xạ cường độ cao, liên kết với năng lượng từ trường liên quan đến các vết đen. Những ngọn lửa này này có thể gây ra bão từ trong tầng thượng khí quyển của Trái đất, có thể ảnh hưởng đến lưới điện, vệ tinh, tàu vũ trụ quay quanh quỹ đạo và các phi hành gia.

NASA và NOAA đã làm việc cùng nhau để nâng cao khả năng dự đoán về thời tiết không gian và cải thiện sự chuẩn bị cho những vụ bùng phát trên Mặt trời.

Jacob Bleacher, trưởng ban khoa học của Ban Giám đốc Nhiệm vụ Hoạt động và Khám phá Con người của NASA tại Trụ sở chính của cơ quan, cho biết trong cuộc họp báo: “Không có thời tiết xấu, chỉ là sự chuẩn bị không tốt. Dù thời tiết vũ trụ là như thế nào, thì công việc của chúng ta là chuẩn bị”.

Khi NASA chuẩn bị đưa con người trở lại Mặt trăng thông qua sứ mệnh Artemis sắp tới, việc giảm thiểu tác động của thời tiết không gian và bức xạ đối với các phi hành gia trong các chuyến bay ngày càng trở nên quan trọng hơn. Để chuẩn bị, cơ quan này đã gửi các sứ mệnh tới Mặt trời, như Solar Orbiter, để hiểu rõ hơn về hoạt động của ngôi sao và có thể dự đoán tốt hơn về nó trong tương lai.

Trong khi đó, NOAA điều hành Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian ở Boulder, Colorado, nơi giám sát Mặt trời và dự báo hoạt động của nó.

Các nhà khoa học dự đoán cực đại tiếp theo của Mặt trời xảy ra vào tháng 7 năm 2025. Họ đang háo hức chờ đợi cơ hội khi cực đại sẽ cho phép nghiên cứu sâu hơn về Mặt trời.

Valentin Martinez Pillet, giám đốc Đài quan sát Mặt trời Quốc gia, cho biết trong cuộc họp báo: “Chúng tôi hy vọng rằng nhật thực gần với cực đại của Mặt trời không chỉ cho chúng ta thấy một vầng hào quang gây kinh ngạc mà còn một số vết đen lớn, thú vị trên mặt Mặt trời để giúp chúng ta tìm hiểu về cuộc sống bên trong bầu khí quyển của một ngôi sao đang hoạt động và thời tiết không gian mà nó gây ra”.

Văn Thiện

Theo Inverse



BÀI CHỌN LỌC

Chu kỳ Mặt trời 25 sẽ tác động như nào đến cuộc sống và công nghệ trên Trái đất? - Tiết lộ của NASA