CEO của Apple được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn tại Đại học hàng đầu Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

CEO của Apple, Tim Cook, mới đây đã trở thành chủ tịch hội đồng cố vấn tại trường kinh doanh thuộc Đại học Thanh Hoa danh tiếng của Trung Quốc. Hiện gã khổng lồ công nghệ đang phải đối mặt với những chỉ trích vì các quy định kiểm duyệt của mình để duy trì lợi ích kinh doanh tại Trung Quốc.

Theo thông báo trên trang web của trường về cuộc họp hội đồng tư vấn được tổ chức vào ngày 18 tháng 10, Tim Cook có trách nhiệm làm sao cho trường Kinh tế và Quản lý Thanh Hoa trở thành một tổ chức đẳng cấp quốc tế trong ba năm nhiệm kỳ của mình. Cook chủ trì cuộc họp hội đồng cố vấn với 35 thành viên tham dự.

Được thành lập vào năm 2000, hội đồng cố vấn bao gồm khoảng 70 nhà lãnh đạo doanh nghiệp và học giả từ Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Á, cũng như các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cũng là một thành viên danh dự.

Thông báo trên trang web cho thấy Cook tham gia hội đồng cố vấn vào tháng 10 năm 2013. Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hạc, giám đốc điều hành Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Tencent, Pony Ma, và Chủ tịch của Baidu, Robin Li, người vừa thôi chức tại mảng điện toán đám mây của gã khổng lồ Internet Baidu, cũng từng là thành viên hội đồng quản trị năm vừa qua.

Thanh Hoa nhận được tài trợ đáng kể từ chế độ Trung Quốc, họ cũng phải thực hiện các nghiên cứu cho quân đội Trung Quốc.

Theo tờ China Education Daily, trường đại học này nhận được hơn 100 triệu nhân dân tệ (14,53 triệu USD) từ Ủy ban Khoa học và Công nghệ thuộc Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc, một cơ quan của Đảng, để tăng cường khả năng AI cho quân đội.

Bài báo cũng cho biết nhiệm vụ của “Phòng thí nghiệm quốc phòng cao cấp về trí tuệ nhân tạo” của trường đại học Thanh Hoa là thực hiện và triển khai theo các nhu cầu của quân đội, giúp biến Trung Quốc thành một quốc gia AI tiên tiến. Phòng thí nghiệm về AI này được thành lập vào năm 2018.

Apple đã không trả lời truyền thông tại thời điểm họp báo.

Logo của Apple trên cửa sổ tại một cửa hàng Apple ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 7 tháng 1, 2019. (Kevin Frayer / Getty Images)

Thượng nghị sĩ Josh Hawley (R-Mo.) trên Twitter vào ngày 21 tháng 10 đã chỉ trích Cook vì quyết định làm chủ tịch hội đồng quản trị.

“Bạn sẽ dạy một khóa học về quyền tự do con người [và] Quảng trường Thiên An Môn chứ? Bạn có thể cập nhật cho sinh viên về những gì đang xảy ra trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông không?”

Cúi đầu trước Trung Quốc

Apple gần đây đã bị chỉ trích tại Hoa Kỳ vì đã nghe theo lời của Bắc Kinh nhằm duy trì hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.

Cùng ngày với cuộc họp diễn ra tại đại học Thanh Hoa, một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng đã viết thư cho Cook bày tỏ mối quan ngại về quyết định rút một ứng dụng crowdsourcing có tên là HKmap trên cửa hàng ứng dụng của Apple.

Ứng dụng này đã trở nên phổ biến trong cộng đồng người dân Hồng Kông vì cung cấp thông tin cập nhật và kịp thời về các cuộc biểu tình đang diễn ra. Điều này có thể giúp người biểu tình tránh hơi cay và các cuộc đụng độ trên đường phố. Apple đã loại bỏ ứng dụng này chỉ một ngày sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc công ty đã bảo vệ những kẻ bạo loạn và đe dọa công việc kinh doanh của Apple tại Trung Quốc.

Các nhân viên của Apple xếp hàng trên cầu thang khi họ chào đón khách hàng trong buổi khai trương cửa hàng bán lẻ đầu tiên của Apple tại Hồng Kông vào ngày 24 tháng 9 năm 2011 (Dale de la Rey / AFP / Getty Images)

Các nhà máy ở Trung Quốc lắp ráp phần lớn iPhone của Apple. Theo báo cáo thu nhập tài chính của Apple, các nhà máy ở đây cũng đã tạo ra doanh thu 52 tỷ đô-la trong năm 2018, chiếm khoảng một phần năm tổng doanh thu toàn cầu của công ty trong năm 2018.

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết quyết định của Apple “để dàn xếp với chính phủ Trung Quốc” là “rất đáng lo ngại”.

Họ viết trong thư như sau: “Chúng tôi thúc giục Apple rút lại quyết định, để chứng minh rằng Apple đặt giá trị lên trên việc tiếp cận thị trường, và để sát cánh với những người đàn ông và phụ nữ đã dũng cảm đấu tranh cho các quyền cơ bản và nhân quyền ở Hồng Kông”.

Ngoài ra, theo một tuyên bố từ chính quyền Trung Quốc, vào ngày 17 tháng 10, Cook đã gặp các nhà quản lý thị trường Trung Quốc tại Bắc Kinh để “thảo luận nghiêm túc” về các vấn đề như trách nhiệm xã hội và mở rộng kinh doanh ở nước này.

Để thể hiện mình tuân thủ luật pháp địa phương, vào đầu tháng 10, Apple đã loại bỏ biểu tượng cảm xúc cờ Đài Loan khỏi phiên bản biểu tượng cảm xúc mới nhất cho người dùng ở Hồng Kông và Ma Cao. Bắc Kinh coi hòn đảo tự trị Đài Loan là một tỉnh ly khai và đã đe dọa sẽ thu hồi bằng vũ lực nếu cần thiết.

Theo như báo cáo trên các phương tiện truyền thông, Apple cũng đã gửi dữ liệu, như địa chỉ IP, đến Tencent, một công ty truyền thông xã hội và trò chơi có quan hệ với chính phủ Trung Quốc, như một phần của tính năng bảo mật iPhone và iPad.

Thiện Căn (biên dịch)

Theo Epochtimes
Tác giả: EVA FU

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

CEO của Apple được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn tại Đại học hàng đầu Trung Quốc