Cánh cổng thần bí ở Hayu Marca, Peru

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đất nước Peru có rất nhiều di tích cổ đại quý hiếm, có thể kể tên như Machu Picchu, Đường Nazca, Pisac, và Cusco. Đây là những địa điểm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, cánh cổng bằng đá cẩm thạch hồng tại Hayu Marca có thể khiến những di tích kể trên trở nên yếu thế.

Truyền thuyết về Cánh cổng của Thần, hay trong tiếng Tây Ban Nha là Puerta de Hayu Marca (Chiếc Cổng của Hayu Marca) hoặc một tên khác nữa là Aramu Muru, bắt đầu xuất hiện bên bờ hồ Titicaca cách đây khoảng 500 năm. Đối với người Inca, hồ Titicaca là nơi thế giới được sinh ra. Nó cũng là nơi linh hồn con người sẽ trở về sau khi chết. Nói tóm lại, hồ Titicaca trong tín ngưỡng của người Inca chính là vườn Địa Đàng.

Trong truyền thuyết của người Inca, vũ trụ khởi thủy khi Con Tiqui Viracocha nổi lên từ mặt hồ Inca tĩnh lặng. Theo cuốn bách khoa toàn thư về Lịch sử Cổ đại, Viracocha nghĩa là Đấng Sáng thế chủ, là cha đẻ của các vị thần trong văn hóa Inca. Ông là người tạo ra trái đất, thiên đường, mặt trăng, mặt trời cũng như vạn vật trong vũ trụ.

Khi tạo xong thiên địa và vạn vật, ông đã đi du hành khắp nơi, dạy nhân loại cách sinh sống, cũng như mang đến nền văn minh, trước khi đi về phía Tây, hướng Thái Bình dương, và biến mất dù hứa hẹn một ngày sẽ quay trở lại. Lời hứa quay trở lại của Sáng thế chủ Viracocha, cha đẻ của rất nhiều các vị thần, cũng như niềm tin rằng Thần đang quan sát các tạo tác của mình từ xa, có tầm quan trọng to lớn tới truyền thuyết Cánh cổng của những vị Thần.

Một đế quốc bị lãng quên

Thật đáng tiếc, nhiều địa điểm và di tích thiêng liêng này thực sự đã bị lãng quên.

Đế quốc Inca tự sụp đổ vào năm 1592. Những kẻ xâm lược Tây Ban Nha chỉ muốn lấy đi càng nhiều vàng và tài nguyên của người Inca càng tốt. Ngoài ra, chúng còn lây lan bệnh đậu mùa trên dọc đường đi. Sau nhiều năm bao vây, bắt bớ và giao tranh với người Inca, đế chế Tây Ban Nha đã tuyên bố chủ quyền với Peru và Chile.

Vị hoàng đế cuối cùng của người Inca đã bị người Tây Ban Nha hành quyết, mang lại kết cục đẫm máu cho một vương triều hấp hối. Tuy nhiên, nền văn minh đồ sộ và khá tân tiến để lại nhiều bằng chứng về văn hóa và tín người của người Inca, những mong họ sẽ không bị lãng quên. Nhưng đáng tiếc, nhiều địa điểm và di tích thiêng liêng này thực sự đã bị quên lãng. Thế giới sẽ phải mất từ 300-400 năm để khám phá lại những gì người Inca để lại.

Năm 1996, Jose Luis Delgado Mamani đi bộ xuyên qua Hayu Brand, một vùng miền núi ở Peru gần Hồ Titicaca. Anh đã quên thuê một hướng dẫn viên, cũng vì muốn tự mình khám phá khu vực này. Jose đã gần như đi bộ qua địa điểm này cho tới khi có cái gì đó như đang gọi anh.

Trong một cuộc phỏng vấn, Jose nhớ lại: Ngay khi nhìn thấy cấu trúc lần đầu tiên, tôi đã suýt bỏ qua! Tôi đã từng mơ về việc mình xây dựng thứ gì đó vài lần, trong nhiều năm. Trong giấc mơ, tôi thấy con đường dẫn đến cánh cổng được lát bằng đá cẩm thạch màu hồng, và với những bức tượng bằng đá cẩm thạch màu hồng xếp dọc hai bên lối đi… Tôi từng kể về giấc mơ này nhiều lần cho gia đình nghe. Vì thế khi thực sự chiêm ngưỡng cánh cổng này, với tôi nó như một sự mặc khải của Chúa.

Trong khi nhiều người còn nghi ngờ, thì cũng có rất nhiều người tin câu chuyện của anh. Bởi trải nghiệm của Jose có rất nhiều thứ gần gũi với huyền thoại Aramu Muru: Con người, linh mục và huyền thoại.

Truyền thuyết kỳ lạ về Aramu Muru

Cuộc chinh phục Nam Mỹ của người Tây Ban Nha vô cùng nhốn nháo và đẫm máu. Vài triệu người đã thiệt mạng vì bệnh đậu mùa, bạo lực và di chuyển. Nhưng người Peru có câu chuyện về một linh mục người Inca, người đã trốn thoát khỏi cuộc tấn công đầy tính hủy diệt và điêu tàn của người châu Âu. Người linh mục đó tên là Aramu Muru, một linh mục phục vụ trong Đền thờ Bảy Tia Sáng.

Để thoát khỏi cuộc đàn áp và án tử hình dưới tay người Tây Ban Nha, Aramu Muru chạy trốn đến Hayu Marca và Thành phố của các vị thần. Với sự giúp đỡ của một số linh mục đồng nghiệp, Aramu Muru sử dụng một chiếc đĩa vàng được gọi là Chìa khóa của các vị thần của bảy tia sáng, mở ra cánh cửa nhỏ trước mặt tảng đá. Theo truyền thuyết, cánh cửa đá biến thành một đường hầm được thắp sáng bằng ánh sáng xanh kỳ lạ. Sau khi Aramu Muru đi qua hàng rào vào đường hầm, cánh cửa đóng lại. Nhiều người tin rằng ông hiện đang sống ở Vùng đất của các vị thần.

Cổng Mặt Trời ở Bolivia.
Cổng Mặt Trời ở Bolivia. / Ảnh được phép: [Mhwater / Wikimedia Commons]

Tất nhiên, Cánh cổng của Thần không phải là cánh cổng duy nhất dẫn đến vũ trụ khác. Stargates, như chúng ta biết, tồn tại khắp nơi trên thế giới. Ở Bolivia, có Cổng Mặt trời. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, có Gobekli Tepe. Và tất nhiên, ở Anh có Stonehenge. Người ta cố gắng đưa ra những giải thích logic cho các cấu trúc cổ đại này, né tránh sự liên quan tới Thần, đa vũ trụ, hay người ngoài hành tinh cổ đại.

Và như một lẽ tất nhiên, những lời giải thích này không thể đầy đủ, cũng như không thỏa đáng. Khoa học và khảo cổ học hiện đại tiếp tục đấu tranh, cố gắng tìm hiểu xem làm thế nào những người nguyên thủy lại có năng lực xây dựng nên những di tích thế này. Cánh cổng của Thần, cũng như nhiều cấu trúc cổ đại khác cho thấy sự hiểu biết đáng kinh ngạc về kỹ thuật, kiến trúc và xây dựng. Chúng cực kỳ tiên tiến đối với bất kỳ nền văn minh tiền công nghiệp nào.

Cổ hơn người Inca

Nền văn minh Inca bắt đầu vào thế kỷ 12, chỉ tồn tại khoảng bốn trăm năm. Khi các phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu phát triển, người ta đã phát hiện ra một vấn đề, đó là nhiều địa điểm của người Inca cổ đại thực sự có niên đại trước người Inca và nền văn minh Inca ở thế kỷ 12. Tiwanaku, một thành phố đổ nát gần hồ Titicaca, trông rất giống với nhiều địa điểm nổi tiếng của người Inca, bao gồm cả Cánh cổng của các vị Thần.

Nhưng người Inca không xây dựng Tiwanaku, và các nhà khảo cổ không có manh mối nào về việc ai đã xây dựng nên nó. Có bằng chứng cho thấy loài người đã sinh sống ở khu vực xung quanh hồ Titicaca trong 4.000 năm qua. Và rất có thể những dân tộc cổ đại này là những người đã tạo ra những khối đá nguyên khối chúng ta thấy ngày nay, cũng như xây dựng nên một thành phố và ngôi đền hiện chìm dưới đáy hồ.

Những bí mật bị chôn vùi của thời kỳ tiền Inca

Tàn tích Tiwanaku gần đó từng là một thành phố, nơi sinh sống của 10.000 cư dân trở lên. Vậy, những người này đã đi đâu? Nền văn minh Inca dường như đột ngột bùng nổ sau nhiều năm suy tàn, rồi cũng nhanh chóng biến mất sau đó. Điều này cũng có thể xảy đến với các nền văn minh tiền Inca ở vùng hồ Titicaca.

Năm 2000, Lorenzo Epis, một trong những thợ lặn hàng đầu đã phát hiện ra các hiện vật thời tiền Inca dưới hồ Tititcaca. Những thợ lặn đã tìm thấy một ngôi đền thánh dài 200 mét, rộng 50 mét, một sân thượng trồng cây, một con đường tiền Inca và một bức tường dài 800 mét.

Thành phố Tiwanaku, với hơn 10 nghìn dân cư, những người này đã đi đâu? Có phải như trong truyền thuyết, họ được các vị thần của mình đón đi, đưa tới một cõi khác? Hay đã bị chinh phục bởi các bộ lạc và nền văn minh đối thủ. Buồn thay, chúng ta vĩnh viễn không có được câu trả lời. Giả thuyết phổ biến nhất là những người này về sau trở thành người Inca, dù ý tưởng này vẫn còn đang được tranh luận sôi nổi.

Những du khách tới Cánh cổng của các vị thần, tận mắt chứng kiến sự hùng vĩ và bí ẩn của nó, thường hay bắt gặp những hiện tường kỳ bí như nghe thấy tiếng huýt sáo, tiếng cười hoặc tiếng nhạc lạ. Có vài người cho biết họ nhìn thấy hình ảnh ngôi sao hoặc cột lửa trông giống như hai con kênh dài dọc theo ngưỡng cửa.

Một du khách người Úc đến thăm địa điểm này cho biết, “nếu bạn có cơ hội, hãy đến đây. Lúc đầu, tôi cũng có chút hoài nghi, nhưng thực sự đã cảm nhận được năng lượng phát ra từ đó“.

Nếu bạn muốn ghé thăm địa điểm này để tận mắt chiêm ngưỡng Cánh cổng của các vị thần, hãy lên máy bay và đến Puno, Peru. Nơi đây là thành phố gần nhất với cửa ngõ của thiêng liêng và bí ẩn. Tuy nhiên, nếu bạn quyết định chụp ảnh chính mình bên trong ngưỡng cửa, hãy nhớ tháo bỏ mọi đồ trang sức, dây kim loại. Nếu không, bạn có thể bị lạc vào một thế giới khác!

Lê Na

Theo History101



BÀI CHỌN LỌC

Cánh cổng thần bí ở Hayu Marca, Peru