Camera và trí tuệ nhân tạo Trung Quốc: Nhà tù siêu lớn đang hình thành trên khắp thế giới (Phần 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

NTVND trân trọng giới thiệu với độc giả góc nhìn của tác giả Ross Andersen của The Atlantic về việc Tập Cận Bình đang sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo và camera giám sát để kiểm soát người dân ở nước họ và đang xuất khẩu công nghệ này cho các chế độ trên toàn thế giới.

Xem lại Phần 1

Một nhà nước TQ độc tài với đủ quyền lực xử lý có thể đưa mọi phản ứng tư tưởng của công dân vào cơ sở dữ liệu của chính phủ.

Cho đến gần đây, rất khó để tưởng tượng làm thế nào Trung Quốc có thể tích hợp tất cả những dữ liệu về người dân của họ vào một hệ thống theo dõi duy nhất, nhưng nay thì đã dễ tưởng tượng ra hơn nhiều.

Năm 2018, một nhà hoạt động nhân quyền trong lĩnh vực an ninh mạng đã tấn công vào một hệ thống nhận dạng khuôn mặt được kết nối với chính phủ và một sự kết hợp đáng ngạc nhiên của các luồng dữ liệu.

Hệ thống có khả năng phát hiện người Duy Ngô Nhĩ theo đặc điểm dân tộc của họ và có thể biết được mắt hay miệng của người đó đang mở hay đóng, họ có đang cười không, họ có để râu hoặc đeo kính râm hay không. Nó ghi lại ngày, giờ và địa điểm - tất cả đều có thể theo dõi được đối với từng cá nhân - những người sử dụng điện thoại hỗ trợ Wifi có đi qua trong tầm phủ sóng của hệ thống.

Hệ thống được vận hành bởi Alibaba và tham chiếu đến City Brain, một nền tảng phần mềm được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo mà Chính quyền Trung Quốc đã giao nhiệm vụ cho công ty này xây dựng.

City Brain, giống như tên gọi, là một loại trung tâm thần kinh tự động, có khả năng tổng hợp các luồng dữ liệu từ vô số cảm biến được phân bố khắp thành phố. Nhiều ứng dụng của nó là để thực hiện các chức năng quản trị thành phố. Ví dụ, các thuật toán của nó có thể đếm số người và ô-tô, để giúp tính thời gian chờ đèn đỏ và lập kế hoạch cho các tuyến tàu điện ngầm. Dữ liệu từ các thùng rác chứa đầy cảm biến có thể giúp việc thu gom rác thải kịp thời và hiệu quả hơn.

Nhưng City Brain cũng có các công nghệ cải tiến cho phép các hình thức theo dõi tích hợp mới. Một số trong số này là: chúng có thể được huấn luyện để phát hiện những đứa trẻ bị lạc, hay hành lý bị thất lạc của du khách hoặc của những kẻ khủng bố. Nó có thể đánh dấu kẻ cướp, người vô gia cư, hoặc những kẻ bạo loạn. Khi kêu gọi sự giúp đỡ bằng cách vẫy tay theo một cách đặc biệt mà trường quan sát của hệ thống máy tính luôn cảnh giác sẽ nhận ra ngay lập tức. Các cảnh sát viên đeo tai nghe có thể được trợ lý giọng nói dựa trên trí tuệ nhân tạo hướng dẫn đến hiện trường.

City Brain sẽ đặc biệt hữu ích trong một trận đại dịch. Khi dịch bệnh bùng phát ở Bắc Kinh, một số trung tâm thương mại và nhà hàng trong thành phố bắt đầu quét điện thoại của khách hàng, lấy dữ liệu từ các nhà cung cấp dịch vụ di động để kiểm tra những nơi họ đã từng đến và đi. Và các công ty trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất mũ bảo hiểm nhận dạng khuôn mặt được nối mạng tới cảnh sát, với thiết bị hồng ngoại tích hợp nhằm phát hiện xem họ có đang bị sốt hay không, để gửi dữ liệu cho chính quyền. City Brain có thể tự động hóa các quy trình này hoặc tích hợp các luồng dữ liệu của nó.

Tuy nhiên City Brain cũng đã gặp phải một số vấn đề kỹ thuật đáng xấu hổ: Vào năm 2018, một trong những camera được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo của chính quyền đã nhầm một khuôn mặt vẽ trên thành xe bus thành một người đi bộ.

Trong những thập kỷ tới, City Brain hoặc các hệ thống tương lai của nó thậm chí có thể đọc được những suy nghĩ của người dân. Máy bay không người lái đã có thể được điều khiển bởi mũ bảo hiểm có khả năng cảm nhận và truyền tín hiệu thần kinh, và các nhà nghiên cứu hiện đang thiết kế giao diện não-máy tính cho phép nhập dữ liệu chỉ bằng cách suy nghĩ. Trung Quốc gần đây đã thúc đẩy người dân tải xuống và sử dụng một ứng dụng tuyên truyền của chính phủ. Chính quyền có thể sử dụng phần mềm theo dõi cảm xúc để theo dõi phản ứng với một kích thích chính trị ví dụ như phản ứng bằng cách im lặng hoặc mang tính kiềm chế đối với đoạn văn bản hoặc đoạn clip từ bài phát biểu của Tập sẽ là một điểm dữ liệu có ý nghĩa đối với thuật toán được dùng để đưa ra dự báo.

Tất cả các nguồn cấp dữ liệu trên mặt đất được đồng bộ hóa theo thời gian này có thể được bổ sung bằng cảnh quay từ máy bay không người lái, có camera có khả năng chụp những bức ảnh với hàng tỷ điểm ảnh để có thể ghi lại toàn bộ cảnh quan thành phố ở dạng chi tiết và trong suốt như pha-lê, có thể cho phép đọc biển số xe và nhận dạng dáng đi.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là các hệ thống thuộc phạm vi này vẫn đang được phát triển. Hầu hết dữ liệu cá nhân của Trung Quốc vẫn chưa được tích hợp với nhau, ngay cả trong các công ty riêng lẻ. Chính quyền Trung Quốc cũng không có một kho dữ liệu tổng hợp, một phần là do sự xung đột giữa giữa các cơ quan trong chính quyền. Nhưng không có rào cản chính trị cứng rắn nào đối với việc tích hợp tất cả các dữ liệu này, đặc biệt là đối với việc sử dụng cho an ninh của nhà nước. Ngược lại, theo quy chế chính thức, các công ty tư nhân buộc phải hỗ trợ các nghiệp vụ tình báo của Trung Quốc.

Chính phủ có thể sớm có một hồ sơ dữ liệu phong phú, tự động thu thập dữ liệu của gần 1,4 tỷ công dân của mình. Mỗi hồ sơ sẽ bao gồm hàng triệu điểm dữ liệu, bao gồm mọi lần xuất hiện của người đó trong không gian được kiểm soát, cũng như tất cả các giao tiếp và số lần mua hàng của họ. Nguy cơ đe dọa của họ đối với quyền lực của ĐCSTQ có thể được cập nhật liên tục theo thời gian thực, với điểm số chi tiết hơn so với điểm được sử dụng trong các kế hoạch chấm điểm “tín nhiệm xã hội” mang tính thí điểm của Trung Quốc.

Nếu yếu tố rủi ro của bất cứ ai dao động theo xu hướng tăng - cho dù do một số kiểu di chuyển đáng ngờ, các mối quan hệ xã hội của họ, sự chú ý của họ không đầy đủ đến một ứng dụng tuyên truyền, hoặc một số mối tương quan mà chỉ có trí tuệ nhân tạo mới có thể biết được - một hệ thống hoàn toàn tự động có thể hạn chế sự di chuyển của họ. Nó có thể ngăn họ mua vé máy bay hoặc vé tàu hỏa. Nó có thể không cho phép họ đi qua các trạm kiểm soát. Nó có thể điều khiển từ xa “ổ khóa thông minh” trong không gian công cộng hoặc không gian riêng tư, để nhốt họ cho đến khi lực lượng an ninh đến.

Sự phản ứng của một số trí thức TQ

Trong những năm gần đây, một số thành viên trong giới trí thức Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo về việc trí tuệ nhân tạo bị lạm dụng, đáng chú ý nhất là nhà khoa học máy tính Tăng Nghị (Yi Zeng) và nhà triết học Triệu Thinh Dương (Zhao Tingyang). Vào mùa Xuân năm 2019, Tăng đã xuất bản cuốn sách “Các nguyên tắc về trí tuệ nhân tạo ở Bắc Kinh”, một tuyên ngôn về nguy cơ trí tuệ nhân tạo can thiệp vào quyền tự chủ, nhân phẩm, quyền riêng tư và một loạt các giá trị khác của con người.

Tăng là người mà tôi đã đến thăm tại Viện Tự động hóa Bắc Kinh. Tăng đã nói một cách thoải mái về những lạm dụng tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo. Anh đề cập đến một dự án được triển khai cho một nhóm các trường học ở Trung Quốc, nơi tính năng nhận dạng khuôn mặt được sử dụng để theo dõi không chỉ việc đi học hay vắng mặt của học sinh mà còn xem từng học sinh có chú ý hay không. "Tôi ghét phần mềm đó’’, Tăng nói, ”Tôi phải dùng từ đó: ghét”.

Anh đã nói tiếp một lúc, liệt kê nhiều ứng dụng phi đạo đức khác nhau của trí tuệ nhân tạo. “Tôi đã dạy một khóa học về triết lý về trí tuệ nhân tạo,” anh nói, ”Tôi nói với các học sinh của mình rằng tôi hy vọng không ai trong số các em dính líu đến việc chế tạo ra những con robot giết người. Họ chỉ có một quãng thời gian ngắn ngủi sống trên Trái Đất. Họ có nhiều điều khác có thể làm với tương lai của mình”.

Tăng biết rõ rằng các tài liệu hàn lâm về đạo đức công nghệ thật khô khan. Nhưng khi tôi hỏi anh về hiệu quả chính trị của công việc của mình, câu trả lời của anh kém thuyết phục hơn.

Tăng Nghị (Yi Zeng) trong văn phòng của mình tại Viện Tự động hóa, ở Bắc Kinh, tháng 7 năm 2020. Ông là tác giả của cuốn sách “Các nguyên tắc về AI ở Bắc Kinh”,
Tăng Nghị (Yi Zeng) trong văn phòng của mình tại Viện Tự động hóa, ở Bắc Kinh, tháng 7 năm 2020. Ông là tác giả của cuốn sách “Các nguyên tắc về AI ở Bắc Kinh”, là một tiếng nói đơn độc ở Trung Quốc cảnh báo rằng việc chính phủ lạm dụng AI có thể gây ra mối đe dọa cho nhân loại. (Ảnh: Zhou Na)

Anh nói: “Nhiều kỹ thuật viên trong chúng tôi đã được mời đến nói chuyện với chính quyền, và thậm chí với Tập Cận Bình, về những rủi ro tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo. Nhưng chính quyền vẫn đang trong giai đoạn học hỏi, giống như các chính quyền khác trên toàn thế giới”.

“Anh có điều gì mạnh hơn quy trình tham vấn đó không?” Tôi hỏi. ”Giả sử có những lúc chính phủ có những lợi ích mâu thuẫn với các nguyên tắc của anh. Anh đang dựa vào cơ chế nào để giành chiến thắng? “

“Cá nhân tôi, vẫn đang trong giai đoạn học hỏi về vấn đề đó,” Tăng nói.

Các công ty khởi nghiệp đang hỗ trợ chính phủ phát triển thiết bị giám sát

Các công ty khởi nghiệp trong ngành trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc gần như không bận tâm lắm về đạo đức công nghệ. Một số đang giúp Tập phát triển trí tuệ nhân tạo cho mục đích theo dõi một cách rõ ràng. Sự kết hợp giữa chế độ độc đảng của Trung Quốc và tàn dư của tư duy kế hoạch hóa tập trung khiến giới tinh hoa trong ĐCSTQ vẫn đầy quyền lực trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Nhưng trước đây, mối liên hệ giữa chính quyền và ngành công nghiệp công nghệ rất kín đáo. Gần đây, Chính quyền Trung Quốc bắt đầu cử đại diện của mình vào các công ty công nghệ, để tăng cường các chi bộ Đảng Cộng sản trong các công ty tư nhân lớn.

Bán công nghệ cho các cơ quan an ninh của nhà nước là một trong những cách nhanh nhất để các công ty khởi nghiệp trong ngành trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc thu lợi nhuận. Một công ty viễn thông quốc gia là cổ đông lớn nhất của iFlytek, gã khổng lồ về nhận dạng giọng nói của Trung Quốc. Sự hợp lực là rất nhiều: Khi cảnh sát sử dụng phần mềm của iFlytek để theo dõi các cuộc điện thoại, các tờ báo quốc doanh đã đưa tin ủng hộ. Đầu năm nay, ứng dụng tin tức được cá nhân hóa Toutiao đã đi xa hơn khi viết lại sứ mệnh của mình để nêu rõ một mục tiêu sống động mới: điều chỉnh dư luận với mong muốn của chính quyền. Từ Lập, CEO của SenseTime, gần đây đã mô tả chính phủ là “nguồn dữ liệu lớn nhất” của công ty ông.

Liệu bất kỳ dữ liệu cá nhân nào có thể được đảm bảo bảo vệ ở Trung Quốc hay không vẫn còn chưa rõ ràng, bởi cấu trúc chính trị của đất nước này.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã khiến cho việc độc quyền dữ liệu trở nên khó tránh khỏi. Ngay cả ở Hoa Kỳ, nơi có truyền thống thực thi chống độc quyền đầy tinh vi, công dân vẫn chưa huy động ý chí đủ mức để buộc thông tin phải thuộc về đa số chứ không phải là thứ được sở hữu bởi một số ít kẻ mạnh. Nhưng các công ty độc quyền về dữ liệu tư nhân ít nhất phải tuân theo quyền lực đối với chủ quyền của các quốc gia nơi họ hoạt động. Độc quyền dữ liệu của một quốc gia-nhà nước chỉ có thể được ngăn chặn bởi người dân của họ và chỉ khi họ có đủ quyền lực chính trị.

Người dân Trung Quốc không thể sử dụng một cuộc bầu cử để loại bỏ Tập, bởi vì không có cơ quan tư pháp độc lập. Chính quyền có thể đưa ra lập luận, dù gây căng thẳng đến đâu, rằng họ phải sở hữu bất kỳ luồng thông tin nào, miễn là các mối đe dọa đối với “sự ổn định” có thể được phát hiện trong số các điểm dữ liệu. Hoặc nó có thể yêu cầu dữ liệu từ các công ty một cách bí mật, như đã xảy ra trong đợt bùng phát virus corona đầu tiên. Không có báo chí độc lập nào để đưa tin về những yêu cầu này.

Mỗi khi khuôn mặt của một người được nhận dạng, giọng nói của họ được ghi lại hoặc tin nhắn văn bản của họ bị chặn, thông tin này có thể được đính kèm ngay lập tức vào số căn cước công dân, hồ sơ của cảnh sát, tờ khai thuế, hồ sơ tài sản và lịch sử việc làm của họ. Nó có thể được đối chiếu chéo với hồ sơ y tế và ADN họ, khi mà cảnh sát Trung Quốc tự hào rằng họ có bộ sưu tập ADN lớn nhất thế giới.

TQ xuất khẩu công nghệ giám sát cho một số quốc gia chuyên chế

Tăng và tôi đã nói tới một kịch bản toàn cầu đã bắt đầu diễn ra khiến các nhà đạo đức học về trí tuệ nhân tạo và những người đang quan sát Trung Quốc phải lo lắng. Trong trường hợp này, hầu hết các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo trên khắp thế giới đều nhận ra những rủi ro của công nghệ đối với nhân loại và xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật trong việc sử dụng nó. Tất cả, ngoại trừ Trung Quốc - nơi đang gây ồn ào về đạo đức đối với trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó, đất nước này xây dựng các hệ thống giám sát quốc gia hoàn thiện và bán chúng cho những nơi mà nền dân chủ còn mong manh hoặc không tồn tại.

Tăng bày tỏ lo lắng về viễn cảnh này, nhưng anh không đề cập cụ thể đến Trung Quốc. Anh không cần phải làm thế: Quốc gia này hiện là nhà bán thiết bị giám sát được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới. Tại Malaysia, chính phủ đang làm việc với Yitu, một công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc, để trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho cảnh sát Kuala Lumpur như một sự bổ sung cho nền tảng City Brain của Alibaba. Các công ty Trung Quốc cũng trang bị cho Singapore 110.000 camera nhận dạng khuôn mặt để gắn lên hệ thống các cột điện của họ.

Tại Nam Á, Chính quyền Trung Quốc đã cung cấp thiết bị theo dõi cho Sri Lanka. Trên Con đường Tơ lụa cũ, công ty Dahua của Trung Quốc đang rải khắp các đường phố ở thủ đô Mông Cổ bằng các camera theo dõi có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo. Xa hơn về phía Tây, tại Serbia, Huawei đang giúp thiết lập một “hệ thống thành phố an toàn” hoàn chỉnh với camera nhận dạng khuôn mặt.

Trung Quốc hiện là nhà bán thiết bị giám sát được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới.
Trung Quốc hiện là nhà bán thiết bị giám sát được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới. (Ảnh: Pixabay)

Vào những năm đầu thế kỷ này, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc ZTE đã bán cho Ethiopia một mạng không dây với khả năng truy cập tích hợp bằng ‘cửa sau’ (backdoor access) dành cho chính quyền. Trong một cuộc đàn áp sau đó, những người bất đồng chính kiến bị vây bắt để thẩm vấn tàn bạo, trong đó họ buộc phải bật lại âm thanh từ các cuộc điện thoại gần đây mà họ đã gọi [để thử giọng nói]. Ngày nay, Kenya, Uganda và Mauritius đang trang bị cho các thành phố lớn của các quốc gia này những mạng lưới theo dõi do Trung Quốc sản xuất.

Tại Ai Cập, Trung Quốc đang tìm cách tài trợ cho việc xây dựng một thủ đô mới. Nó dự kiến sẽ chạy trên nền tảng “thành phố thông minh” tương tự như City Brain, mặc dù một nhà cung cấp vẫn chưa được nêu tên. Ở miền Nam châu Phi, Zambia đã đồng ý mua hơn 1 tỷ USD thiết bị viễn thông từ Trung Quốc, bao gồm cả công nghệ theo dõi Internet. Hikvision của Trung Quốc, nhà sản xuất camera theo dõi được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo lớn nhất thế giới, có văn phòng tại Johannesburg.

Michael Kratsios, Giám đốc công nghệ của Hoa Kỳ, nói với tôi rằng Trung Quốc sử dụng “việc cho vay trước khi bán thiết bị viễn thông với mức chiết khấu đáng kể cho các nước đang phát triển, điều này sau đó đặt Trung Quốc vào vị thế kiểm soát các mạng đó và dữ liệu của họ”. Khi các quốc gia cần tái cấp vốn cho các điều khoản của các khoản vay của họ, Trung Quốc có thể đưa quyền truy cập vào mạng của những quốc gia đó như là một phần của thỏa thuận, giống như cách mà quân đội của họ đảm bảo quyền neo đậu tại các cảng nước ngoài mà họ tài trợ. Kratsios nói: “Nếu bạn cho [Trung Quốc] quyền truy cập không được kiểm soát vào các mạng dữ liệu trên khắp thế giới, đó có thể là một vấn đề nghiêm trọng”.

Năm 2018, CloudWalk Technology, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Quảng Châu, tách ra từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã ký một thỏa thuận với chính phủ Zimbabwe để thiết lập một mạng lưới theo dõi. Các điều khoản của nó yêu cầu Zimbabwe gửi hình ảnh về cư dân của mình - một bộ dữ liệu phong phú, vì Zimbabwe đã hấp thụ các luồng di cư từ khắp các vùng cận Sahara ở châu Phi - trở lại các văn phòng Trung Quốc của CloudWalk, cho phép công ty tinh chỉnh khả năng nhận diện các khuôn mặt của người da đen, mà trước đây đã được chứng minh là phức tạp đối với các thuật toán của nó.

Đã thiết lập các đầu tàu ở châu Á, châu Âu và châu Phi, các công ty trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh vào châu Mỹ La-tinh, khu vực mà Chính quyền Trung Quốc mô tả là “lợi ích kinh tế cốt lõi”. Trung Quốc đã tài trợ cho Ecuador 240 triệu đô-la để mua một hệ thống camera theo dõi. Bolivia cũng đã mua thiết bị theo dõi với sự trợ giúp bằng khoản vay từ Bắc Kinh. Venezuela gần đây đã ra mắt hệ thống thẻ căn cước công dân quốc gia mới để ghi lại các đảng phái chính trị của công dân trong cơ sở dữ liệu do ZTE xây dựng. Trong một tình huống trớ trêu, trong nhiều năm, các công ty Trung Quốc đã bày bán nhiều sản phẩm theo dõi này tại một hội chợ an ninh ở Tân Cương, quê hương của người Duy Ngô Nhĩ.

Hoa Kỳ đang làm gì?

Nếu vượt qua Hoa Kỳ về trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc sẽ trở thành một lực lượng địa chính trị mạnh mẽ hơn, đặc biệt là với tư cách là người xây dựng tiêu chuẩn của một liên minh độc tài mới.

Trung Quốc đã có một số bộ dữ liệu lớn nhất thế giới để cung cấp cho các hệ thống trí tuệ nhân tạo của họ, một lợi thế quan trọng cho các nhà nghiên cứu của họ. Trong các văn phòng khổng lồ ở các thành phố trên khắp đất nước, những người lao động lương thấp ngồi trên bàn dài hàng giờ đồng hồ, ghi chép các file âm thanh và phác thảo các đối tượng bằng hình ảnh, để phân tích dữ liệu của dân số đông đúc của Trung Quốc cho hữu ích hơn.

Nhưng để Trung Quốc trở thành quốc gia có hệ sinh thái về trí tuệ nhân tạo tốt nhất như của Hoa Kỳ, thì lượng dữ liệu khổng lồ của họ sẽ phải được sàng lọc bằng các thuật toán nhận dạng các mẫu vượt xa những gì con người nắm bắt được. Và ngay cả các giám đốc điều hành của công ty tìm kiếm khổng lồ Baidu của Trung Quốc cũng thừa nhận rằng các tài năng hàng đầu trong ngành trí tuệ nhân tạo đang sinh sống ở phương Tây.

Trong lịch sử, Trung Quốc đã phải vật lộn để giữ chân các ứng viên ưu tú, hầu hết trong số họ ra đi để theo học tại các khoa Khoa học máy tính hàng đầu của Hoa Kỳ, trước khi làm việc tại các công ty thú vị hơn, có nguồn lực tốt hơn ở Thung lũng Silicon. Điều này có thể đang thay đổi. Chính quyền Trump đã gây khó khăn cho sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Hoa Kỳ và những người có khả năng bị nghi ngờ. Một nhà khoa học máy học hàng đầu tại Google gần đây đã mô tả các hạn chế về thị thực là “một trong những nút thắt lớn nhất đối với năng suất nghiên cứu tập thể của chúng tôi”.

Tác giả: Ross Andersen là phó tổng biên tập của trang The Atlantic, được thành lập từ năm 1857, với mục tiêu là thách thức các giả định và theo đuổi sự thật.

Ánh Dương (lược dịch)

(Hết)

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Camera và trí tuệ nhân tạo Trung Quốc: Nhà tù siêu lớn đang hình thành trên khắp thế giới (Phần 2)