Các nhà thiên văn phát hiện một cấu trúc khổng lồ trong vũ trụ đang quay với tốc độ 360.000 km/h

Giúp NTDVN sửa lỗi

Như chúng ta đã biết, các hành tinh, ngôi sao và thiên hà trong vũ trụ đều quay. Lớn hơn một cấp so với thiên hà là các cụm thiên hà khổng lồ thường quay rất chậm, và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là nơi mà sự quay có thể kết thúc trên quy mô vũ trụ. Do đó, họ từ lâu tin rằng các cụm thiên hà là những thiên thể quay lớn nhất trong vũ trụ...

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố gần đây đã phát hiện ra rằng một loại cấu trúc quy mô lớn hơn nhiều các cụm thiên hà, một phần của cấu trúc mạng vũ trụ khổng lồ, dài hàng trăm triệu năm ánh sáng, cũng đang quay chậm.

Noam Libeskind, một nhà vũ trụ học tại Viện Vật lý Thiên văn Leibniz Potsdam ở Đức, cho biết: "Có những cấu trúc khổng lồ đến nỗi mỗi thiên hà chỉ là những hạt bụi bên trong. Những cấu trúc sợi khổng lồ này lớn hơn rất nhiều so với các cụm thiên hà”.

Cấu trúc "mạng vũ trụ" là một cấu trúc quy mô lớn của vũ trụ được phát hiện bởi các nhà khoa học trong những năm gần đây. Chúng cho thấy các thiên hà và các chòm sao dường như không liên quan được kết nối với nhau bằng các sợi gồm khí và bụi vũ trụ. Các sợi này giống như các tĩnh mạch của vũ trụ, đan xen với nhau dưới những hình thức phức tạp để tạo thành một mạng vũ trụ khổng lồ.

Mỗi sợi trông giống như một cái ống rỗng ở giữa, và cụm thiên hà chẳng qua là những hạt bụi nhỏ trong "ống".

Nghiên cứu trước đây cho rằng sau khi vũ trụ được sinh ra trong Vụ Nổ Lớn khoảng 13,8 tỷ năm trước, phần lớn khí và bụi tạo nên hầu hết các vật chất đã biết của vũ trụ đã sụp đổ tạo thành các tấm khổng lồ. Sau đó, những tấm này bị vỡ ra để tạo thành các sợi của một mạng vũ trụ rộng lớn .

Nghiên cứu mới sử dụng dữ liệu từ Khảo sát Bầu trời Kỹ thuật số Sloan (SDSS) để xem xét hơn 17.000 sợi vũ trụ, phân tích vận tốc của các thiên hà di chuyển trong các đường ống khổng lồ như vậy.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các thiên hà này đang quay quanh trục trung tâm của đường ống. Tốc độ nhanh nhất được quan sát là khoảng 360.000 km/h. Ngoài ra, họ lưu ý rằng không phải tất cả các sợi trong mạng vũ trụ đều quay theo cách này, nhưng một số sợi nhất định có một mô hình quay như vậy.

Libeskind nói rằng câu hỏi lớn tiếp theo là "Tại sao chúng quay?". Bởi vì theo lý thuyết Vụ Nổ Lớn, các sợi vũ trụ này đã không quay khi chúng bắt đầu hình thành. Bằng cách nào đó, chúng bắt đầu quay dưới ảnh hưởng của một số yếu tố nhất định trong giai đoạn sau của quá trình tiến hóa của vũ trụ.

Nhóm nghiên cứu đã cố gắng đưa ra lời giải thích: Trường hấp dẫn mạnh mẽ của những sợi này kéo khí và bụi bên trong từ từ tụ lại với nhau, tạo thành một lực cắt khiến các vật chất này xoắn lại. Libeskind nói: "Tất nhiên,chúng tôi không thực sự chắc chắn điều gì có thể gây ra mô-men xoắn trên quy mô này".

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Astronomy vào ngày 14/6.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà thiên văn phát hiện một cấu trúc khổng lồ trong vũ trụ đang quay với tốc độ 360.000 km/h